Rất nhiều người cả tháng nay đã không được về nhà, có những người thì thức xuyên đêm, chỉ mong sớm hết dịch....
Rất nhiều người cả tháng nay đã không được về nhà, có những người thì thức xuyên đêm, chỉ mong sớm hết dịch Covid-19 để trả lại sự bình yên cho thành Vinh.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ngay trong đêm khi phát hiện ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: Tiến Đông
Ông Nguyễn Đình Ngọ, khối trưởng khối 4, phường Quán Bàu cần mẫn rà soát một lần cuối cùng danh sách những người đi chợ đầu mối Vinh. Ảnh Tiến Đông
Đêm cuối tháng 6, đã hơn nửa tháng thành phố Vinh xuất hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên. Đó cũng chính là khoảng thời gian cả thành Vinh như mất ngủ.
Ở những chốt kiểm soát được lập vội trên nền đường, trong cái nắng như thiêu như đốt của trưa trời xứ Nghệ, hơi nóng bốc lên hầm hập. Dẫu đã khuya, mặt trời đã khuất bóng, thảng có chút gió thổi qua nhưng cũng không thể xua đi cái không khí ngột ngạt, nóng bức được nung suốt cả một ngày.
Vinh của ngày dịch dường như đi ngủ sớm, những con đường vắng lặng, sâu hun hút. Chỉ còn những cán bộ y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu test nhanh Covid-19 là còn cần mẫn làm việc ngay trong đêm khi vừa phát hiện ra ca nhiễm mới.
Ở những chốt phong tỏa vừa được lập, cán bộ chiến sĩ, và tổ xung kích cộng đồng làm việc không ngơi tay, họ tức tốc lên danh sách, nắm địa bàn để phục vụ cho công tác truy vết.
Tôi gặp ông Nguyễn Đình Ngọ, khối trưởng khối 4, phường Quán Bàu ngay trước Nhà văn hóa khối. Đêm khuya nhưng ông vẫn đang cần mẫn rà soát một lần cuối cùng danh sách những người đi chợ đầu mối Vinh khi nơi đây xuất hiện ổ dịch. Là thành viên đội xung kích phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, ông Ngọ bảo, ở thời điểm này, không ai muốn khối, xóm hay phường, xã mình xuất hiện ca bệnh Covid-19 cả. Khi đã xuất hiện ca bệnh Covid-19 thì khối cũng xác định phải bình tĩnh, tổ chức truy vết một cách kỹ càng. Dù mình có mất ngủ nhưng khối phố được bình yên thì cũng là điều đáng mừng.
Trung tá Nguyễn Văn Quảng - Phó Trưởng công an phường Quán Bàu, làm nhiệm vụ ngay chốt ra vào khối 4, phường Quán Bàu chia sẻ: Đã hơn nửa tháng nay lực lượng công an phường có 15 cán bộ chiến sĩ thì liên tục được điều động đi các chốt, từ phường Hà Huy Tập đến phường Hưng Dũng, rồi tỏa ra các chốt ở cửa ngõ thành phố. Nay khi nghe tin trên địa bàn phường có ca bệnh Covid-19 thì lại tức tốc được điều về.
Dù vất vả ngược xuôi nhưng không ai than vãn lấy nửa lời. Phường Quán Bàu cũng đã nhanh chóng lập 8 chốt để phong tỏa xung quanh khu vực xuất hiện ca nhiễm bệnh.
Đêm xuống, những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát không thể nghỉ ngơi khi vẫn có nhiều người dân, phương tiện qua lại. Ảnh: Tiến Đông
Quốc lộ 46 là trục đường chính dẫn lên Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương nên phương tiện qua lại khá đông. Để tiện cho người dân cập nhật tình hình, tránh đi lại mất công, lực lượng làm nhiệm vụ tại đây còn in sẵn quy định, hướng dẫn các phương tiện được phép qua lại chốt lên tờ giấy A0 dán ngay lên bảng tin đặt ở rào chắn, Trung úy Nguyễn Doãn Huy - cán bộ Phòng CSGT tỉnh làm nhiệm vụ tại chốt cầu Ma.
Những ngày làm việc trên chốt của Trung úy Huy cùng đồng đội thường được chia làm 4 ca, mỗi ca 6 tiếng. Sau khi hết ca trực thì lại về nơi đóng quân của đơn vị tận ngoài Nghi Kim để nghỉ ngơi. Vợ con ở TX.Thái Hòa, đã hơn 1 tháng nay anh Huy cùng nhiều đồng đội khác đã không được về nhà, chỉ gặp nhau qua điện thoại.
Khi chuẩn bị rời chốt, thì từ xa có ánh đèn xe ô tô chuẩn bị chạy đến. Anh Huy bảo tôi, đó là xe chở các y, bác sĩ làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến ở Hưng Nguyên quay về thành phố. Đứng chào đoàn xe đi qua, anh Huy cùng một đồng đội trẻ đến từ Trung đoàn CSCĐ như lặng đi. Anh bảo "Từ ngày dịch bệnh bùng phát, có lẽ họ là những người về thành phố cuối cùng, khi tất cả mọi người đã say giấc".
Rời chốt Cầu Ma, tôi vòng xuống chốt kiểm soát được đặt trên đường 72M, nối xã Nghi Đức (TP.Vinh) với xã Nghi Phong (Nghi Lộc). Tại đây, dẫu xe cộ qua lại thưa dần, nhưng các chiến sĩ vẫn không rời chốt. Họ cùng nhau ngồi trực, chờ đêm trôi.
Trò chuyện với tôi, Đại úy Mai Xuân Kiều - cán bộ Đội CSGT - TT Công an TP.Vinh chia sẻ, nhà anh 2 vợ chồng đều cùng ngành, vợ công tác ở TX.Cửa Lò, hơn tháng nay khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở Hà Tĩnh, 100% quân số phải trực nên cả hai vợ chồng không được về nhà. Hai đứa con 9 tuổi và 6 tuổi thì gửi ở nhà ông bà nội nay cũng đã già.
Chỉ tay về hướng xã Nghi Phong, anh Kiều bảo nhà ông bà nội cách đây không xa, có hôm ông đạp xe chở cháu lên chốt cho bố con nhìn nhau tí rồi về. Nhìn con từ xa, tim anh như thắt lại.
Chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt Cầu Ma kéo rào chắn cho xe chở các y, bác sĩ từ bệnh viện dã chiến trở về thành phố sau một ngày làm việc mệt nhoài. Ảnh: Tiến Đông
Chiếc xe chầm chậm đi qua chốt cầu Ma, tôi bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ công an đứng nghiêm mình như một lời cảm ơn đến đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm vất vả ở tâm dịch, trong xe ô tô, một bác sĩ trẻ vẫy tay chào. Chừng đó thôi cũng đủ khiến cho những người chiến sĩ làm nhiệm vụ trong đêm khuya thêm ấm lòng. Ảnh: Tiến Đông
Đại úy Mai Xuân Kiều tranh thủ giờ nghỉ ngơi hiếm hoi gọi video về gặp con trai đang được gửi ở nhà ông bà nội. Ảnh: Tiến Đông
Hằng đêm, tranh thủ lúc vắng người qua lại, anh Kiều lại lấy điện thoại gọi video để gặp con. Mỗi lần như vậy, đứa con trai 6 tuổi cứ tíu tít hỏi "bố khi mô về?", "có nhớ con không?". Anh chỉ biết hứa vội với con rằng "con ở nhà ngoan, ngày mai bố về".
Tôi hiểu, lời hứa của Đại úy Mai Xuân Kiều với đứa con trai 6 tuổi là lời hứa ngọt ngào, dỗ dành với con trẻ. Bởi “ngày mai” của anh cùng các đồng đội đâu phải là 24h đồng hồ khi hết ca trực về nhà, mà đó là khi đã đẩy lùi được dịch bệnh, khi thành Vinh trở về với bình yên. Lúc đó bố sẽ về...