Nếu tiêu thụ quá nhiều hay không mua được nguồn đảm bảo chất lượng, những món ăn quen thuộc ngày Tết có thể "đầu độc" sức khỏe mà bạn không hề hay biết.
 
Bánh chưng: Bánh chưng là đồ ăn nhiều bột và chất béo, ¼ chiếc bánh cung cấp năng lượng tương đương 2 bát cơm đầy. Nếu nạp quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân, khiến cơ thể thiếu hụt chất xơ, vitamin và chất khoáng. Đặc biệt, những người mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu, những người muốn giảm cân nên chú ý khi ăn bánh chưng.
 
Đồ muối: Các loại dưa muối, hành muối cũng là món ăn “chống ngán” không thể thiếu ngày Tết. Dù là món ăn dễ tiêu, rất phù hợp trong ngày Tết nhưng nếu ăn nhiều đồ muối lại gân hậu quả khôn lường, đặc biệt với những người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch, ung thư dạ dày hay viêm dạ dày.
 
Nguyên nhân bởi trong quá trình muối hành sẽ gây ra hàm lượng nitrit cao, khi tác dụng với đạm protein ở trong thịt, cá càng khiến lượng nitrit trong cơ thể tăng cao, gây hiện tượng tích nước với bệnh nhân thận, hạn chế quá trình lưu thông máu.
 
Canh măng: Dù bổ sung nhiều chất xơ, nhưng lạm dụng quá nhiều canh măng cũng không tốt cho Sức Khỏe. Đặc biệt, những loại măng khô ngày càng chứa nhiều chất bảo quản, tiềm ẩn mối nguy hại khi tiêu thụ.
 
Thịt gà: Ngày Tết, nếu thịt gà cứ nấu đi nấu lại nhiều lần sẽ bị mất chất, khi bảo quản cũng dễ bị nhiễm khuẩn. Khi ăn cũng hạn chế nói chuyện để tránh bị hóc xương.
 

 
Giò chả: Giò chả bày bán ngoài thị trường rất dễ bị nhiễm hàn the. Hàn the là loại hóa chất công nghiệp thực phẩm khá phổ biến được sử dụng tương đối rộng rãi trong các nhà máy, xí nghiệp; có tính sát khuẩn và giúp kéo dài thời gian bảo quản. Sử dụng thực phẩm chứa hàn the có thể dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, gây hại thận, rụng tóc, ban đỏ, rối loạn chức năng, rối loạn kinh nguyệt…
 
Hạt dưa: Nhiều cơ sở sản xuất dùng phẩm màu công nghiệp để nhuộm màu cho hạt dưa. Loại hóa chất chủ yếu được sử dụng là rhodamine B, không chỉ ngấm vào vỏ hạt mà còn len lỏi vào bên trong ruột, gia tăng nhiều nguy cơ gây bệnh.
 
Hạt dẻ cười: Hạt dẻ cười cũng là loại thực phẩm ngày càng bị nhiễm hóa chất. Đặc biệt, những loại hạt sẻ có vỏ trắng, hạt xanh được bày bán nhiều ngoài thị trường là hạt dẻ không đảm bảo, chứa nhiều chất tẩy trắng không tốt cho sức khỏe. Hạt dẻ cười vốn phải có màu hơi ngả vàng, trong sẫm màu hơn một chút.
 

 
Quá trình tẩy trắng hạt dẻ thường dùng nhiều hóa chất như chlorine (có tính sát khuẩn cực mạnh, là thành phần trong thuốc trừ sâu, chất độc da cam…) và natri sunfit. Tiêu thụ nhiều khiến cơ thể đối mặt với nguy cơ về dạ dày, gan và rối loạn tiêu hóa.
 
Nước uống có ga: Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, nước ngọt có ga chứa rất nhiều chất tạo màu nhân tạo, trong đó có caremel. Caremel được tạo ra bằng cách đun nóng các loại siro cùng với hợp chất ammoni, axit và kiềm. Lượng ammoni xuất hiện trong quá trình sản xuất gây nên phản ứng hóa học tạo ra hai loại chất là 2- methylimidazole và 4-methylimidazol gây ung thư.
 
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, để lựa chọn thực phẩm an toàn ngày Tết, người dân chỉ chọn mua những thực phẩm rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng, không hỏng mốc, có thông tin và nhãn mác đầy đủ. Bên cạnh đó, chọn mua thực phẩm ở địa điểm uy tín, cố định, có đầy đủ giấy phép và điều kiện kinh doanh.