Các chủ xe thường được khuyên mua bảo hiểm cho ôtô càng sớm càng tốt, đối với những ôtô mới thì nên mua ngay từ lúc đầu. Việc mua bảo hiểm cho xe ôtô giống như chuyển giao rủi ro, giúp chủ xe giảm được gánh nặng tài chính, đem lại cảm giác an tâm. Tuy nhiên, nếu không chú ý những điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm, vi phạm những trường hợp dưới đây thì khi xảy ra tai nạn, chủ xe sẽ bị công ty bảo hiểm giảm trừ bồi thường ôtô tai nạn.
Mức độ giảm trừ bồi thường bảo hiểm ôtô sẽ khác nhau, tùy thuộc vào từng vụ tai nạn và được chia thành 3 nhóm: Giảm trừ 10%; Giảm trừ 20 - 25%; Giảm trừ 50 - 100%.
Trường hợp giảm trừ 10%
Có 2 trường hợp chủ xe sẽ bị công ty bảo hiểm giảm trừ 10%. Một là chủ xe không thông báo cho công ty bảo hiểm trong vòng 5 ngày, kể từ ngày xảy ra tai nạn. Loại trừ trường hợp công ty bảo hiểm đã đến giảm định hiện trường và kiểm tra chiếc xe đó. Nếu xảy ra va chạm, chủ xe phải nằm viện, quá 5 ngày không có thời gian đi thông báo cho công ty bảo hiểm thì công ty bảo hiểm sẽ không thực hiện giảm trừ vì đây là trường hợp bất khả kháng.
Trường hợp thứ 2 là chủ xe, lái xe tự ý di rời khỏi hiện trường mà không thông báo cho cơ quan chức năng hay hãng bảo hiểm. Trừ trường hợp di rời để bảo vệ người, bảo vệ tài sản hoặc thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Nếu bắt buộc phải di chuyển vì trường hợp tắc đường, gây ùn ứ,... thì chủ xe, tài xế hãy ghi hình, chụp lại hiện trường tai nạn trước khi đánh xe đi. Nếu không thể giữ nguyên hiện trường thì chủ xe hãy báo ngay cho công ty bảo hiểm rồi di chuyển xe đến nơi gần nhất và chụp lại.
Trường hợp giảm trừ 20 - 25%
Mức độ giảm trừ 20% hay 25% sẽ phụ thuộc vào từng công ty bảo hiểm khác nhau.
Trường hợp áp dụng giảm trừ đầu tiên là chủ xe hoặc lái xe tự ý tháo gỡ tài sản khi chưa có ý kiến của công ty bảo hiểm. Vì khi tự ý di chuyển hoặc tháo dỡ tài sản thì công ty bảo hiểm sẽ không có căn cứ để xác định nguyên nhân tai nạn và mức độ thiệt hại.
Nếu trường hợp các chủ xe bắt buộc phải tháo gỡ một số bộ phận của xe do phải cứu người hoặc cứu hàng hóa thì đây là trường hợp bất khả kháng, do đó công ty bảo hiểm sẽ không áp dụng giảm trừ bồi thường.
Trường hợp thứ 2 liên quan đến tốc độ. Nếu lái xe chạy quá tốc độ cho phép 20% và có kết luận bằng văn bản của cơ quan chức năng thì công ty bảo hiểm sẽ giảm trừ bồi thường.
Trường hợp giảm trừ 50 - 100%
Chủ xe tự ý thỏa thuận với người thứ 3; chủ xe hoặc lái xe không trung thực trong việc khai báo và cung cấp hồ sơ của vụ tai nạn; không bảo lưu quyền đòi bồi thường đối với người thứ 3. Nói cách khác, chủ xe và người gây tai nạn tự ý hòa giải với nhau mà không thông báo với công ty bảo hiểm. Trong trường hợp này, công ty bảo hiểm sẽ giảm trừ bồi thường từ 50% - 100%.
Việc không trung thực trong việc cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng từ trong hồ sơ bồi thường; không tạo điều kiện thuận lợi cho công ty bảo hiểm trong quá trình xác minh tính chân thực của các thông tin, tài liệu trong chứng từ đó, chủ xe cũng có thể bị công ty bảo hiểm tiến hành giảm trừ từ 50% - 100% số tiền bảo hiểm tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình huống.
Ngoài ra, còn có những trường hợp giảm trừ bồi thường khác như:
- Xe chở quá tải hoặc chở quá số người từ 20% - 50%.
- Xe kinh doanh vận tải sẽ có mức bảo hiểm cao hơn xe không kinh doanh vận tải. Nếu chủ xe mua bảo hiểm và khai báo là xe không kinh doanh vận tải để giảm chi phí bảo hiểm, thì khi công ty bảo hiểm phát hiện ra cũng sẽ bị áp dụng giảm trừ bồi thường.
- Công ty bảo hiểm áp dụng giảm trừ bồi thường theo số phí thực nộp và số phí phải nộp. Ví dụ, nếu xe ôtô của bạn phải đăng ký bảo hiểm 15 triệu, nhưng bạn cố tình khai báo giá trị xe thấp hơn, mục đích sử dụng xe không đúng,... để được đóng bảo hiểm thấp hơn thì khi công ty bảo hiểm phát hiện ra cũng sẽ giảm trừ bồi thường tương ứng số phí bạn nộp còn thiếu.
Để tránh bị giảm trừ bồi thường thì các chủ xe cần yêu cầu người bán tư vấn thật kỹ các quy tắc, điều khoản hợp đồng bảo hiểm. Nếu xảy ra rủi ro, hãy gọi điện ngay cho bên bảo hiểm rồi làm theo hướng dẫn và cố gắng giữ nguyên hiện trường. Lưu ý là không tự thỏa thuận với bên thứ 3 vì có thể sẽ bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường./.