Điển hình là “Dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long” (TP Thanh Hóa), được khởi công từ năm 2015, có quy mô diện tích trên 286ha, với tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng. Đây là khu công nghiệp đa ngành gắn với đô thị công nghiệp, tập trung đầu tư các loại hình công nghiệp sạch, ít ô nhiễm môi trường. Dự kiến, đến năm 2017 sau khi hoàn thành sẽ tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động. Tuy nhiên, đến nay dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long vẫn đang là bãi đất trống. Một số hạng mục hàng rào bảo vệ, cổng ra vào... đang có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Tại thời điểm dự án khởi công, Khu công nghiệp FLC Hoàng Long được định hướng trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu cả về đầu tư hạ tầng, về cảnh quan kiến trúc xanh, sạch, đẹp... Theo một lãnh đạo TP Thanh Hóa, dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long nằm trên địa bàn của TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa, dự án đến nay vẫn chưa triển khai, hiện đang xin điều chỉnh quy hoạch.
Tại Nghệ An, Tập đoàn FLC cũng đã khảo sát đầu tư nhiều dự án, có tổng mức đầu từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng sau đó cũng chỉ nằm trên giấy, không thấy triển khai. Theo tìm hiểu, trong 6 năm qua, UBND tỉnh Nghệ An đã kêu gọi Tập đoàn FLC khảo sát, trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án lớn tại các huyện Nghi Lộc, Tân Kỳ và TP Vinh. Tuy nhiên, các dự án kinh doanh này đều chưa được triển khai trên thực tế. Cụ thể, ngày 19/2/2017, Tập đoàn FLC và UBND tỉnh Nghệ An đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát đầu tư “Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại khu vực bãi Tiền Phong và bãi Hải Đồn, Bãi Lữ thuộc xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc”. Theo đó, diện tích khảo sát, quy hoạch trên 600ha, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh so với trước, dự tính hơn 12.000 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí GPMB). Khi hoàn thành, dự án có quy mô dự án bao gồm các hạng mục: Khách sạn 5 sao; resort bãi biển 5 sao; biệt thự cao cấp; trung tâm hội nghị quốc tế quy mô 1.500 chỗ; sân golf 18 lỗ; khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế; vườn thú tương tác, khu đô thị thương mại giải trí,...
Tập đoàn FLC đưa ra mục tiêu xây dựng dự án thành một tổ hợp quần thể nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí ven biển. Đồng thời tạo nên điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, dịch vụ du lịch cho huyện Nghi Lộc nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Nhằm triển khai dự án nhanh chóng, Tập đoàn FLC đề nghị UBND tỉnh Nghệ An giải phóng mặt bằng (GPMB) vào quý IV/2018. Dự kiến, dự án này sẽ đưa vào hoạt động sau 2 năm triển khai xây dựng. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, dự án vẫn đang “án binh bất động” sau các cuộc khảo sát, thực tế tại địa phương ở huyện Nghi Lộc.
Ông Nguyễn Bằng Phi, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc) cho biết, Tập đoàn FLC khảo sát từ năm 2017 đến nay mới chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát, nghiên cứu mà chưa bàn đến GPMB hay đền bù tái định cư cho người dân. “Đến nay xã chúng tôi chưa nhận được một văn bản hồ sơ pháp lý, quy hoạch nào nào liên quan đến Tập đoàn FLC đầu tư. Dự án nếu triển khai thì khoảng 700 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng. Người dân mất 2 đến 3 năm chờ đợi vì không dám xây dựng nhà cửa. Đến nay, vì chờ đợi quá lâu nên người dân ở khu vực này đã tiến hành xây dựng”, ông Phi cho hay.
Dù dự án trên chưa “động tay, động chân” nhưng năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn FLC tạihai dự án nông nghiệp công nghệ cao trị giá 300 tỷ đồng và dự án khai thác và chế biến đá tự nhiên cùng ở huyện Tân Kỳ. Cũng như dự án trước, chủ đầu tư FLC cũng bỏ hoang không triển khai gì tại hai dự án tại huyện Tân Kỳ. Thông tin từ UBND huyện Tân Kỳ, địa phương này đang nghiên cứu, chuyển 2 dự án trên của FLC cho doanh nghiệp khác.
Cách đây 3 năm, tháng 4/2019, UBND tỉnh Nghệ An ký tiếp với Tập đoàn FLC khảo sát Khu đô thị nghỉ dưỡng phía Nam TP. Vinh. Dự án nằm trên địa phận xã Hưng Hòa, quy mô 1.177ha, với tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng. Đây là khu đô thị bao gồm các hạng mục: Biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn tiêu chuẩn 5 đến 6 sao, biệt thự và liền kề, trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm hội nghị 1.200 chỗ ngồi... Thế nhưng, mấy năm qua dự án vẫn dang “giẫm chân tại chỗ”.
Có thể thấy, các dự án được lập, quy hoạch và trao chứng nhận cho các nhà đầu tư nếu để quá lâu không được triển khai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của các địa phương. Đặc biệt, nếu dự án nằm trên khu vực có đất ở, đất nông nghiệp của người dân nếu dự án chậm triển khai sẽ khiến cho người dân có đất chịu nhiều thiệt thòi, vì không được đầu tư xây dựng mới nhà cửa dù có hư hỏng.
Do vậy, đối với các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong vòng 12 tháng hoặc 18 tháng, nếu nhà đầu tư không triển khai, các địa phương cần có biện pháp tháo gỡ, nếu doanh nghiệp xin gia hạn chỉ kéo dài thêm 6 tháng, nếu không sẽ chuyển giao dự án cho nhà đầu tư mới. Không thể để các dự án kéo dài nhiều năm, các nhà đầu tư “găm đất” không triển khai, trong khi các nhà đầu tư khác muốn thực hiện dự án lại không có đất!