Hầu hết các tài xế khi tham gia giao thông đều có khả năng bị tai nạn hoặc gây tai nạn ô tô ít nhất một lần trong đời bất kể bạn có kỹ năng lái xe giỏi đến đâu.
Do đó, nếu chẳng may dính vào một vụ tai nạn giao thông khi đang cùng gia đình đi hoặc trở về sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, bạn cần phải thực hiện các bước đảm bảo an toàn cho bản thân. Ngoài ra, còn có một số điều mà bạn không bao giờ nên làm sau một vụ tai nạn.
Rời khỏi hiện trường
Trong bất kỳ trường hợp va chạm giao thông với một chiếc xe khác dù thiệt hại không đáng kể, bạn vẫn luôn phải dừng lại, kiểm tra về tình trạng xe, sức khỏe những người khác xung quanh có liên quan, liên hệ với bên bảo hiểm và báo cảnh sát.
Còn ngược lại, nếu bỏ chạy hoặc rời khỏi hiện trường nhằm trốn tránh trách nhiệm thì bạn đã gây ra hành vi bị pháp luật nghiêm cấm theo khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008.
Pháp luật quy định người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến.
Ngoài ra, nếu ai đó bị thương, bạn phải có trách nhiệm hỗ trợ người bị thương bao gồm cả việc đưa người bị nạn đi cấp cứu nếu cần.
Vì vậy, nếu bạn ở trong trường hợp này, hãy thực hiện sự chuyên nghiệp của mình, ở lại giúp đỡ những người khác có liên quan. Hãy đặt mình vào họ bởi rồi cũng sẽ có lúc chính bạn sẽ lâm vào hoàn cảnh là người bị nạn, phải không nào.
Không gọi cho cảnh sát giao thông
Với nhiều người, khi xảy tai nạn giao thông, nếu không có ai bị thương thì không nhất thiết phải gọi cảnh sát và báo cáo về vụ việc đó. Nhưng đây thực sự là một ý tưởng rất tồi tệ, tại sao ư?
Giả sử bạn và người lái xe kia thực hiện thỏa thuận để công ty bảo hiểm giải quyết hệt mọi việc và không báo với cảnh sát giao thông về vụ tai nạn. Tuy nhiên, trong trường hợp gặp một chủ xe không mua bảo hiểm ô tô, việc thỏa thuận có thể sẽ không "xuôi chèo mát mái" như bạn tưởng.
Nếu bạn không báo cho cảnh sát ghi nhận lại hiện trường vụ việc va chạm giao thông, rất có thể người bị hại sẽ ghi lại và cáo buộc cũng như đòi bồi thường thiệt hại.
Do đó, báo cáo với cảnh sát sẽ giúp tăng tốc quá trình xác nhận sự đúng sai của sự việc, đồng thời tạo ra những điều có lợi cho bản thân trong một số trường hợp cần thiết.
Mất bình tĩnh
Khi xảy ra một vụ tai nạn ô tô, điều đó chưa bao giờ là một kinh nghiệm thú vị, ngược lại nó có thể làm tổn thương cảm xúc của bạn. Mặc dù vậy, bạn không bao giờ được mất bình tĩnh, đặc biệt là trong trường hợp bạn là người lái gây ra vụ việc.
Khi sự việc xảy ra, hãy xuống xe và tiến về xe bị va chạm, thay vì đổi lỗi hoặc la mắng người khác, điều đầu tiên cần làm với người gặp nạn là hỏi "Bạn có ổn không?", đảm bảo mọi người đều an toàn, giữ lịch sự.
Bạn cần có một tinh thần minh mẫn để đánh giá tình hình vừa xảy ra và làm mọi việc cần thiết để thiết lập hồ sơ vụ tai nạn. Bên cạnh đó, một điều khác mà bạn không nên làm tại hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng là nói với mọi người rằng đó là lỗi của bạn.
Nếu làm điều này thì bạn đang thừa nhận trách nhiệm pháp lý đối với vụ tai nạn, khiến bạn phải đối mặt với vụ bồi thường hoặc các hình phạt pháp lý khác. Mọi thứ nên để cho cảnh sát giao thông khám nghiệm và đưa ra quyết định.
Quên ghi lại những thứ cần thiết
Bạn ở lại hiện trường vụ tai nạn, gọi cho cảnh sát giao thông để không trở thành một người thiếu trách nhiệm. Vậy bạn còn cần làm gì nữa? Thứ nhất, đừng quên ghi lại chính xác quá trình va chạm và kiểm tra thông tin bảo hiểm từ của xe.
Thứ 2, cố gắng giải tỏa tâm trí và tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ việc đã xảy ra. Bạn đã làm gì ngay trước khi vụ tai nạn? Bạn đang đi theo hướng nào? Bạn đang ở trên đường nào?...
Cuối cùng, bạn cần lấy tên, địa chỉ, tên công ty bảo hiểm và hợp đồng của người lái xe bị nạn, ghi lại kiểu dáng, màu sắc, biển số của chiếc xe mà họ đang lái.
Hãy xem có nhân chứng nào không, nếu có hãy lấy tên, số điện thoại của nhân chứng. Đừng quên chụp một vài bức ảnh về hiện trường vụ tai nạn, những thứ đó có thể hữu ích trong quá trình yêu cầu bồi thường bảo hiểm sau này.
Theo Ngô Minh - vietnamnet.vn