Hiện tượng giật mình khi đang ngủ là một tình trạng nhiều người gặp phải, thậm chí gặp nhiều lần trong đời.
Hiện tượng giật mình khi đang ngủ là một tình trạng nhiều người gặp phải, thậm chí gặp nhiều lần trong đời.
Nguyên nhân gây giật mình khi ngủ: Mặc dù tới 60 - 70% dân số thuộc cả hai giới tính đều trải qua hiện tượng này, các chuyên gia vẫn chưa rõ đâu là nguyên nhân gây ra nó. Đa số cho rằng hiện tượng này liên quan đến việc mơ và mộng du và rằng đó là phản ứng của các cơ khi não bộ bị kích thích trong giấc mơ.
Triệu chứng giật mình khi ngủ: Triệu chứng phổ biến nhất của hiện tượng giật mình khi ngủ là cảm giác co giật đột ngột ở một phần cơ thể như tay hoặc chân khi bạn đang dần chìm vào giấc ngủ. Khi hiện tượng này xảy ra, nhiều người có thể cảm thấy như mình bị hụt chân rơi xuống. Đôi khi, hiện tượng này còn làm tim đập nhanh, thở gấp, đổ mồ hôi hoặc ảo giác.
Đối tượng dễ bị giật mình khi ngủ: Các yếu tố làm tăng nguy cơ giật mình khi ngủ bao gồm căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần, lạm dụng caffeine hoặc các chất kích thích khác, hoặc tập thể dục quá sát giờ đi ngủ. Suy nhược cơ thể hoặc thói quen ngủ kém cũng là một nguyên nhân.
Chẩn đoán: Bác sĩ thường chẩn đoán các triệu chứng giật mình khi ngủ thông qua các bài kiểm tra thể chất và tiền sử bệnh lý. Đôi khi, bác sĩ có thể dùng điện não đồ để xác định các khả năng như động kinh, rối loạn vận động hoặc rối loạn giấc ngủ.
Điều trị: Trong hầu hết các trường hợp, chứng giật mình khi ngủ không cần điều trị, trừ phi nó là triệu chứng của một chứng rối loạn giấc ngủ phức tạp hơn. Nếu bạn thường xuyên bị giật mình khi ngủ hay bị mất ngủ vì nó, hãy thử thay đổi lối sống sao cho lành mạnh hơn.
Dược phẩm: Mặc dù thường không cần điều trị, người bị giật mình khi ngủ có thể được bác sĩ kê đơn axit valproic, một loại thuốc điều trị động kinh, hoặc thuốc clonazepam để giảm tần suất giật mình khi ngủ.
Các liệu pháp tự nhiên: Cách tốt nhất để giảm nguy cơ giật mình khi ngủ là tập thói quen ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc và ngủ ngon. Bạn cũng nên tập thể dục, với điều kiện không tập trước khi đi ngủ, và giảm sử dụng caffeine sau đầu giờ chiều.
Phòng ngừa: Vì hiện tượng giật mình khi ngủ có liên quan đến sự kích thích quá độ hệ thần kinh, bạn có thể phòng ngừa hiện tượng này bằng cách thay đổi lối sống, như kiểm soát căng thẳng hoặc giảm các hoạt động trước khi đi ngủ.
Biến chứng: Nếu như nguyên nhân động kinh đã được loại bỏ, hiện tượng giật mình khi ngủ chưa gây ra biến chứng nào. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể khiến nhiều người khó chịu và căng thẳng, do đó họ sẽ cần bác sĩ trấn an rằng đây không phải là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng hơn./.