Đền chợ Củi, hay còn gọi là đền ông Hoàng Mười (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là điểm du lịch tâm linh quen thuộc của người dân xứ Nghệ và du khách thập phương.
 
Những ngày đầu năm mới, người dân vẫn đến đền ông Hoàng Mười rất đông để cầu an, dù cơ quan chức năng khuyến cáo hạn chế đến nơi đông người để phòng, chống dịch Covid-19.
 
Cách thành phố Vinh chừng 10 km (về phía Nam) và Hà Tĩnh 40 km (về phía Bắc), đền ông Hoàng Mười nằm trên núi bên dòng sông Lam, nơi người xứ Nghệ truyền lại câu ca rằng “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/Sông Lam hết nước/Đền ông đây mới hết lộc tài”.
 
Ông Hoàng Mười là nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt. Theo nhân gian, ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần giúp đời. Theo một truyền thuyết khác, ông Hoàng Mười là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước.
 
Người vùng Nghệ An lại lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam. Đó là câu chuyện ông giáng sinh thành Nguyễn Xí, vị tướng giỏi thời Lê Lợi, người có công dẹp giặc Minh, sau được giao trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo lời kể ở vùng Hà Tĩnh, ông Hoàng Mười lại chính là Lê Khôi, một vị tướng tài khác, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh.
 
Chính những giai thoại kỳ bí ấy đã phủ lên ngôi đền thờ ông Hoàng Mười một bức màn tâm linh huyền ảo và linh thiêng nên cứ vào dịp Tết, du khách trong Nam, ngoài Bắc lại về dâng hương rất đông.
 
Mọi người cùng nhau thắp hương cầu lộc, cầu tài, mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, vợ chồng con cái hạnh phúc. Trong khói hương trầm thơm ngát, du khách được thả hồn vào cõi hư vô, xua tan đi hết những phiền muộn, âu lo.
 
Ngoài thắp hương làm lễ, người dân còn mua đủ loại vàng mã, mân lễ rồi đến đến các “ông ngựa” làm bằng giấy để làm lễ. Sau khi làm lễ, những mâm lễ bằng vàng mã, những chú ngựa, thuyền giấy... bạc triệu sẽ được mang đi hóa (đốt). Không ít người tiêu tốn từ vài triệu đồng mua sắm vàng mã để đốt. Đó là lý do khu vực hóa vàng, đồ lễ tại đây luôn hoạt động hết công suất trong những ngày đầu năm.
 

Theo tín ngưỡng thì Đức Quan Hoàng Mười là tướng trận giỏi nên người dân hóa ngựa để cho ông cùng binh lính.


 
Các “ông ngựa” được trang trí cầu kỳ, bắt mắt và có giá dao động trong khoảng từ 300.000 đến 500.000 đồng.


 
"Ông ngựa" giấy có kích cỡ 'khủng' cao từ 1-2m được đặt ngoài điện thờ trong lúc tín chủ vào bên trong làm lễ.


 
Nếu trước đây, du khách dâng hương chỉ là “lễ bạc” gồm cờ, quạt, bút sách, hương, hoa quả, hia hài, nón áo, tiền vàng... tượng trưng cho tấm lòng thành của mình trước tiền nhân, thì giờ đây nhiều người đua nhau cung tiến ngựa "khủng" để thể hiện "lòng thành”…

 
… và tùy vào tín chủ muốn cầu may, cần an, cầu duyên, giải hạn để sắm lễ nhiều hay ít, giá mỗi mâm lễ từ 500.000 đồng cho đến vài triệu đồng.


 
Không chỉ mua “ông ngựa”, nhiều người còn trả thêm tiền mua một bộ sớ và hình nhân, mang trên mình ngựa vào đền giải hạn.

 
Các “Ông ngựa” sau khi mua được đưa đến tiền sảnh đền làm lễ...

 
… vào những ngày đầu năm, đến chiều tối là các “ông ngựa” đặt kín lối lên xuống tiền sảnh đền chợ Củi…


 
… trong khi các “ông ngựa” vẫn theo chân người bán chuyển về từ các nơi sản xuất trong vùng.

 
Cùng các “ông ngựa”, nhiều loại tiền âm phủ, vàng mã cũng “đỏ lửa” mỗi ngày ở lò hóa vàng của đền chợ Củi./.