Với dáng người gầy, da cháy xạm, nhiều vết xăm trổ, ít người tin anh Phan Hoài Nghĩa (39 tuổi, quê ở Bình Định) có thể làm việc thiện.

Cơ duyên với hành trình thiện nguyện

Sinh ra nơi đất võ Bình Định, anh Nghĩa có một tuổi thơ cơ cực. May rủi thế nào, với niềm đam mê cây cảnh, anh sớm bắt nhịp và gây dựng được tiếng tăm trong giới sinh vật cảnh.

Những chuyến xe cấp cứu 0 đồng của chàng trai phố núi
Chuyến xe 0 đồng của anh Phan Hoài Nghĩa đã trở thành người bạn của bệnh nhân nghèo ở mọi lúc, mọi nơi

Hơn 20 tuổi, anh trở thành “đại gia” sau những mùa vụ bán cây, sinh lời. Nhưng không may, sau đó chuyện làm ăn không thuận lợi, anh rơi vào cảnh thua lỗ rồi nợ nần.

Năm 2010, anh Nghĩa phải rời quê lên Đắk Lắk lập nghiệp, thuê trọ ở cuối hẻm Nguyễn Khuyến (TP Buôn Ma Thuột). Công việc vất vả lận đận nhưng thu nhập cũng không đủ sống.

Vài năm sau, anh bất ngờ gặp người quen trong giới cây cảnh, gọi đến nhà để cắt tỉa, chăm sóc vườn cây.

“Lúc đó, khi chuyển chỗ trọ lên nhà vườn làm việc, tôi còn không đủ tiền trả phòng nhưng được chủ nhà thương tình, miễn luôn cho luôn 9 tháng thuê phòng. Tôi vừa cảm phục, vừa dặn lòng phải cố gắng để trả ơn nghĩa này”, anh Nghĩa tâm sự.

Quay lại với nghề cây cảnh, làm chưa được 10 ngày đã được chủ vườn trả 10 triệu đồng, anh vội sắm chiếc xe máy cà tàng làm kế sinh nhai, cứ vào thứ 7 và chủ nhật đi cắt tỉa cây cảnh cho nhà dân.

Dần dần, anh tích góp được một số vốn, rồi qua sự giúp đỡ của người thân, anh lại thuê được mặt bằng trên đường Trần Quang Khải, với giá 2 triệu đồng/tháng (chỉ bằng 1/5 giá thị trường) để trưng bày, buôn bán bán cây cảnh.

“Được 2 năm đầu làm ăn ổn định, về sau cây cảnh lại rớt giá. Cả vườn cây hơn 1 tỷ đồng nhưng tôi bán được 300 triệu, chỉ vừa trả hết nợ và dư được ít tiền để kiếm kế sinh nhai khác”, anh Nghĩa kể.

Từ đó, anh quyết tâm bỏ đam mê cây cảnh, chuyển sang đủ nghề kiếm sống, kinh doanh tự do… và chỉ “phất lên” từ công việc môi giới bất động sản và làm gỗ mỹ nghệ.

Năm 2019, anh dành dụm mua một chiếc xe ô tô 4 chỗ để tiện cho công việc. Và rồi tình cờ, anh đến với hành trình thiện nguyện một cách khá bất ngờ.

Một ngày cuối tháng 10/2019, anh đến thăm bố một người bạn nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, bất ngờ gặp một số người dân tộc Ê Đê đứng khóc quanh thi thể một cháu bé. Họ khóc vì mất con cháu, vì không có tiền thuê xe đưa thi hài về nhà. Bất giác, anh đến gần, bày tỏ muốn chở mọi người về nhà.

“Mọi người nhìn tôi ngạc nhiên, có người không tin, tôi nài nỉ mãi, họ mới đồng ý lên xe. Hình ảnh về căn nhà cũ, khắc khổ của họ từ đó cứ ám ảnh tâm trí, thôi thúc tôi về những mảnh đời cần sự chia sẻ”, anh Nghĩa bộc bạch.

Sau một thời gian, anh quyết định bán xe ô tô cũ, rút thêm tiền tiết kiệm để mua xe ô tô đời mới 5 chỗ, giá 700 triệu đồng. Đồng thời, dán thêm dòng chữ “Chuyến xe 0 đồng cho bệnh nhân nghèo và khó khăn, cho đồng bào dân tộc” hai bên xe, công khai số điện thoại của mình.

Tiếp sức nhiều mảnh đời bất hạnh

Cứ thế, 2 năm nay, anh Nghĩa không nhớ hết những “hành trình xe 0 đồng” của mình. Chỉ biết dù đêm hay ngày, mưa hay nắng, anh đều lên đường bất cứ khi nào có người cần đến sự giúp đỡ của mình.

“Hành trình gần vài ba chục km, xa thì 100 - 200km. Chỉ tiếc, có nhiều ngày nhận đến 2 - 3 cuộc xin hỗ trợ nhưng tôi không thể chở nổi vì đang chở bệnh nhân khác”, anh Nghĩa nói.

Mới đây, khi nhận được tin báo người phụ phụ nữ đi xe máy tử vong vì TNGT trên đường đi làm thuê về, anh Nghĩa trực tiếp đến nơi, vận động người quen chung tay mua áo quan và trực tiếp chở thi thể nạn nhân về nhà.

Hay trường hợp chị Hồ Thị Út (40 tuổi, ngụ ở huyện M’drắk, tỉnh Đắk Lắk) trở thành “hành khách” thường xuyên của chuyến xe 0 đồng mỗi khi lên và về viện.

Gần năm trước, trong lúc đi làm phu keo, chị không may bị cây keo đè gãy cột sống. Sau khi điều trị ở bệnh viện, cả hai vợ chồng không còn tiền thuê xe để về.

Nhiều bệnh nhân là đồng bào, người nghèo có hoàn cảnh rất khó khăn. Khi về viện, nếu đi xe dịch vụ thì số tiền quá lớn đối với họ, nên chúng tôi lưu số anh Nghĩa để giới thiệu cho họ. Khó mà đếm hết, nhưng thực tế anh Nghĩa giúp rất nhiều và bất kể thời gian, 1 - 2h sáng anh cũng không quản ngại. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên

Được bệnh viện giới thiệu, chị điện thoại chuyến xe 0 đồng của anh Nghĩa.

Ngay lập tức, hành trình gần 100km về đến nhà chị Út được anh Nghĩa thực hiện. Trước lúc chia tay, anh không quên dặn dò người nhà nếu cần đi về viện cứ điện thoại.

Chị Út xúc động: “Lúc đầu chúng em sợ không được nhận lời, nhưng anh Nghĩa rất nhiệt tình. Gần 1 năm qua, em vẫn bị liệt nửa người, khi cần đi viện, anh Nghĩa lại lặn lội đến nhà chở. Cả gia đình chỉ biết cảm ơn chứ không biết lấy gì đáp đền”.

Theo anh Nghĩa, những ngày đầu tiếp xúc với thi thể, người bệnh, anh cũng có phần ái ngại, song nhìn hoàn cảnh đáng thương của họ, anh quên đi sợ hãi.

“Cuộc sống mình thăng trầm, có nhiều người đưa tay giúp đỡ, nay làm được việc gì trả ơn nghĩa cuộc đời thì cứ cố gắng, không chờ đến khi giàu”, anh nói. Theo anh Nghĩa, mỗi chuyến xe mất chừng 1 triệu đồng để chi phí xăng, ăn dọc đường, đều từ tiền túi và một số sự giúp sức của người thân, bạn bè.

Ngoài ra, anh Nghĩa còn tham gia các hoạt động từ thiện, tặng quà cho người nghèo trong mùa dịch Covid-19, chia sẻ với những trẻ em bị bệnh tật bẩm sinh.

Theo nhiều bạn bè của anh Nghĩa, anh “đam mê từ thiện” đến quên cả lấy vợ. Phần mình, anh cười bảo: “Chắc vì cái duyên với đời còn nhiều nên chưa dành cho riêng ai!”.