Trong bối cảnh các vụ án ngày càng gia tăng, tình hình tội phạm phức tạp, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến quá trình giải quyết án đối mặt với nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ bị chậm trễ, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu đã chỉ đạo, đôn đốc TAND hai cấp Hà Tĩnh quyết tâm vượt qua khó khăn hoàn thành và đạt các chỉ tiêu đã đề ra.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng với quyết tâm trong việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33 được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong năm 2022 của TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh.
Chánh án Phan Thị Nguyệt Thu cho biết: “Ngay từ đầu, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo các đơn vị khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến; đồng thời phối hợp với các đơn vị kỹ thuật nghiên cứu các phương án sử dụng và các thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc xét xử trực tuyến".
"Do tình hình dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án của các đơn vị nên việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là giải pháp phù hợp với xu hướng, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan tố tụng trong đại dịch”, Chánh án Nguyệt Thu cho hay.
Trên thực tế, từ những văn bản chỉ đạo đến khâu giải quyết các vướng mắc đều được Chánh án Nguyệt Thu nhanh chóng giải quyết, bản thân chị cũng trực tiếp thị sát tại các đơn vị cơ sở để nắm bắt công tác thực hiện phiên tòa trực tuyến, từ đó có những điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng các phiên tòa trực tuyến.
Với những nỗ lực đó, theo thống kê của Trung tâm Tin học TANDTC, Hà Tĩnh là địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện phiên tòa trực tuyến và có 3 tập thể, cá nhân được Chánh án TANDTC tặng cờ, Bằng khen.
Cùng với đó, Chánh án Phan Thị Nguyệt Thu cũng đã chỉ đạo các đơn vị kịp thời xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được người dân quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong năm 2022, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã thụ lý 3.445 vụ việc, giải quyết 3.316 vụ, việc, đạt tỷ lệ 96,3%; tăng 747 vụ, việc (27,7%) so với năm 2021. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan là 0,2%, thấp hơn trung bình cả nước 0,7%, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội và Tòa án đề ra.
Cũng trên cương vị “người thủ lĩnh”, Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên – Trần Thị Minh Tâm đã thể hiện xuất sắc vai trò bản lĩnh và trí tuệ của mình thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.
Tốt nghiệp đại học năm 2000, chị Trần Thị Minh Tâm bắt đầu bước vào nghề, làm việc tại TAND tỉnh Hà Tĩnh. Sau 14 năm phấn đấu, trải qua nhiều vị trí công việc để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh, chị được bổ nhiệm làm Phó Chánh án (năm 2015) rồi Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên (năm 2018).
Là Chánh án, vừa đảm nhiệm vai trò Thẩm phán trực tiếp xét xử các loại án, chị phải “rèn” cho mình tinh thần “thép”. Liên tục trau dồi kiến thức, rèn luyện lập trường kiên định, tỉnh táo, kiên trì theo đuổi sự thật vụ việc, thậm chí là “lì lợm” để khuất phục được đương sự.
Gạt đi những định kiến về “phụ nữ làm việc của đàn ông”, phụ nữ “chân yếu tay mềm”, tiếp nhận vụ án nào chị cũng làm việc hết sức, hết mình, tận tâm. Có những vụ án, đương sự không hợp tác, dọa dẫm gây khó khăn, chị phải dùng bản lĩnh của người “cầm cân nảy mực” để tiếp cận, khuất phục và giải quyết vụ việc một cách “tâm phục, khẩu phục”.
Về cá nhân, Chánh án Minh Tâm không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động xét xử mà còn tham gia nghiên cứu khoa học với đề tài: “Khắc phục những khó khăn vướng mắc trong giải quyết án hôn nhân gia đình”, được đánh giá cao trong việc đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm nhằm phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng các vụ án phức tạp, đảm bảo giải quyết vụ án trong hạn luật định, tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian xác minh. Năm 2019, chị được vinh danh “Thẩm phán giỏi toàn quốc năm 2019”.
Cũng từ bản lĩnh đó, chị đã dẫn dắt đơn vị gặt hái được nhiều thành công trong hoạt động chuyên môn lẫn nhiệm vụ chính trị địa phương. Đưa đơn vị TAND huyện Cẩm Xuyên đạt được những kết quả cao hơn mong đợi.
Trong năm 2022, TAND huyện Cẩm Xuyên là một trong những đơn vị tiến hành hoạt động hòa giải, đối thoại đạt được kết quả cao của TAND hai cấp Hà Tĩnh (đạt 89,8%, vượt chỉ tiêu 24%).
Một trong những “bông hồng thép” khác của TAND hai cấp Hà Tĩnh thường được nhắc đến với cụm từ “tài sắc vẹn toàn” là Chánh án TAND huyện Can Lộc - Nguyễn Thị Bích Đào.
Mặc dù mới được bổ nhiệm chức vụ Chánh án TAND huyện Can Lộc vào tháng 9/2022, nhưng chị Đào đã gắn bó với Tòa án hơn 24 năm và 16 năm làm Thẩm phán. Bản thân chị đã giải quyết hàng trăm vụ án các loại, trong đó bao gồm án dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình…
Các vụ án chị giải quyết đều đảm bảo chất lượng, đúng người, đúng tội, thấu tình đạt lý, không có án oan sai, án hủy, không có đơn thư khiếu nại của công dân về tư cách đạo đức, năng lực, phẩm chất hay thái độ của Thẩm phán khi tiếp công dân.
Quá trình công tác, chị đạt nhiều danh hiệu như “Thẩm phán giỏi”, “chiến sỹ thi đua ngành” cùng nhiều Bằng khen, giấy khen các cấp vì có thành tích xuất sắc trong chuyên môn.
Về tập thể đơn vị, TAND huyện Can Lộc trong năm qua đã có những kết quả khả quan. Các tổ chức đoàn thể đều đạt vững mạnh, chi bộ, cơ quan đạt vững mạnh, tập thể lao động xuất sắc, đơn vị 100% đạt lao động tiến tiến, có 1 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đề nghị tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, 3 đồng chí được đề nghị Chánh án tỉnh tặng Giấy khen.
Đồng thời đề nghị khen thưởng 04 Hội thẩm nhân dân trong đó có 01 cá nhân được đề nghị Chánh án TANDTC tặng Bằng khen, 03 cá nhân đề nghị Chánh án tỉnh tặng Giấy khen.
Chia sẻ về công việc, Chánh án Nguyễn Thị Bích Đào cho biết, nhiều lúc cũng gặp áp lực với nghề, tuy nhiên với sự kiên định bảo vệ công lý tới cùng, chị luôn trau dồi kiến thức để nâng cao bản lĩnh, trí tuệ và đặc biệt là phải giữ “một cái đầu lạnh và một trái tim nóng” để đưa ra những phán quyết công tâm, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, đúng pháp luật. Hạnh phúc nhất là bản thân chị luôn nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo ngành cũng như đồng nghiệp trong đơn vị.
Một số người vẫn nói phụ nữ không hợp với nghề Thẩm phán bởi nghề này đòi hỏi bản lĩnh “thép”, mà phụ nữ hay bị điều khiển bởi cảm xúc thay vì lý trí, nhưng qua thực tiễn đã minh chứng được rằng phụ nữ có lợi thế là sự mềm mại, thấu hiểu, nhạy cảm hơn nam giới, quá trình giải quyết án vừa đảm bảo thượng tôn pháp luật và cũng “trọn tình”.
Theo Bá Mạnh - congly.vn