Hàng loạt khu vực bị phong toả, nhiều nhà máy dừng hoạt động sau khi TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 để chống dịch nhưng nhiều công trường thi công những dự án lớn vẫn nhộn nhịp nhờ áp dụng “3 tại chỗ”.
Thi công tại chỗ, chống dịch tại chỗ, ăn ở tại chỗ
Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 có ý nghĩa quan trọng, kết nối trung tâm quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mặc dù khởi công từ năm 2017, gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB, thủ tục pháp lý nhưng dự án cũng đã hoàn thành 70% khối lượng.
Khi những khó khăn đang từng bước được tháo gỡ, Thành phố lại vướng phải đợt bùng phát dịch Covid - 19, phải áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn.
Thế nhưng, ngày 14/7 khi đến công trường thi công cầu Thủ Thiêm 2, chúng tôi chứng kiến không khí thi công vẫn rất nhộn nhịp. Cả trăm kỹ sư, công nhân tất bật với công việc của mình.
Chỉ tay về phía công trường, ông Koscher Xavier - Giám đốc dự án cho biết, công nhân đang vận hành thiết bị để lắp đặt đốt dầm số 14.
Ngay gần đó, các công nhân cũng đang căng bó cáp số 45, 46. Ở khu vực khác đang lắp đặt đốt trụ tháp số 31. Vị giám đốc dự án cũng cho biết, phần cầu chính đã hoàn thành lắp đặt 13/17 đốt dầm thép nhịp S2 đến S1, căng 44/56 bó cáp dây văng, hoàn thành 30/34 đốt trụ tháp.
Trên công trường hiện có 120 kỹ sư, công nhân làm việc ngày đêm. Để hoàn thành mục tiêu kép, Ban QLDA cầu Thủ Thiêm 2 tổ chức thi công theo mô hình 3 tại chỗ: Thi công tại chỗ, chống dịch tại chỗ, ăn ở tại chỗ. Công trường kiểm soát nhân sự ra vào nghiêm ngặt, hạn chế tối đa các nhân sự không thật sự cần thiết. Nhà đầu tư và nhà thầu trao đổi công việc online, các công nhân ngoài công tác bảo hộ đều được trang bị khẩu trang, bố trí dung dịch khử khuẩn tại văn phòng công trường, định kỳ khử khuẩn công trường…
Một trong những dự án quan trọng khác là thi công các đường lăn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi hoàn thành bước 1 là nâng cấp đường băng 25R và đã đưa vào khai thác an toàn, các nhà thầu đang tiếp tục thực hiện bước 2.
Theo đó, tiếp tục xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu…
Hiện tại, các nhà thầu huy động cùng một lúc 15 mũi thi công với trên 100 thiết bị máy móc. Trên công trường có hơn 600 công nhân, lái máy và khoảng 150 kỹ sư làm việc ngày đêm.
Ông Trần Bình An, Trưởng phòng Điều hành dự án 1, (Ban QLDA Mỹ Thuận) cho biết, bước 2 của dự án bắt đầu thi công đồng loạt đầu tháng 3, tiến độ hiện đạt gần 47%.
Từ khi dịch bùng phát trở lại cách đây hơn 1 tháng, Ban QLDA đã áp dụng “3 tại chỗ” chứ không phải đợi đến khi TP HCM áp dụng Chỉ thị 16. Toàn bộ cán bộ nhân viên, lái máy, công nhân được tập trung bố trí ăn ở và làm việc trong dự án.
Không cho người ra vào, mỗi đơn vị chỉ cho phép cử người được cấp phép ra ngoài thực hiện các công việc trọng yếu, cung cấp nhu yếu phẩm… phục vụ công trường.
“Phòng dịch là yếu tố then chốt để đảm bảo tiến độ, vì vậy Ban QLDA cũng như các nhà thầu thực hiện rất nghiêm quy định phòng dịch. Mặc dù cũng có nhiều khó khăn trong việc huy động nhân sự, bố trí một lúc nơi ăn ở cho hàng trăm công nhân, kỹ sư nhưng chúng tôi động viên nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn”, ông An nói.
Không lùi tiến độ
Giữa lúc TP HCM áp dụng Chỉ thị 16, ngày 13/7 hai đoàn tàu số 6, 7 thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cập cảng Khánh Hội. Trong ngày 15, 16/7, hai đoàn tàu được đưa về Depot Long Bình (TP Thủ Đức).
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến không lường, đặc biệt là khu vực châu Á, Đông Nam Á, ảnh hưởng lớn đến việc di chuyển và giao thương giữa các quốc gia, sự kiện trên cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của Ban Quản lý Đường sắt đô thị, nhà thầu Hitachi để có thể đưa được đoàn tàu về Việt Nam đúng tiến độ.
Tổng tiến độ của dự án metro số 1 đến nay đã đạt 87%, trong đó gói thầu CP1 (nhà ga Bến Thành) dù thi công sau nhưng đã đạt gần 92%.
Cũng trong ngày 13/7, Ban Quản lý Đường sắt đô thị cùng các đơn vị liên quan đã chính thức đóng điện Trạm biến áp 110kV Bình Thái. Ông Nguyễn Bùi Minh Quân, quyền Giám đốc Ban 1 (Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM) cho biết, đây là dấu mốc quan trọng, chuyển giai đoạn từ sử dụng điện tạm sang sử dụng điện vĩnh cửu (lưới điện quốc gia), chuẩn bị cho các hoạt động kiểm tra và vận hành thử trong thời gian sắp tới.
Tiếp theo đó, các đơn vị nhà thầu sẽ thử nghiệm thiết bị tại khu vực Depot, sau đó đến các nhà ga, tiến đến đóng điện tại trạm Tân Cảng vào cuối năm 2021 để có đầy đủ nguồn điện vĩnh cửu, cung cấp cho công tác chạy tàu và vận hành tuyến metro số 1.
Ông Quân cũng cho biết, để đảm bảo “3 tại chỗ”, Ban QLDA và các nhà thầu thống nhất duy trì thi công những hạng mục thiết yếu tại công trường.
Nhà thầu tận dụng những khu vực nhà ga, depot đã hoàn thành cơ bản, bố trí nơi ăn ở cho công nhân. Đến ca là lên làm việc, hết ca về nghỉ, không ra khỏi công trường. Việc vận chuyển vật tư, thiết bị vào công trường cũng được kiểm soát chặt công tác phòng dịch.
Trong khi đó, tại dự án cầu Thủ Thiêm 2, ông Koscher Xavier, Giám đốc dự án cho biết, đối với cầu chính nhịp dây văng, các phân đoạn phụ của dầm thép được gia công, tổ hợp tại nhà máy ở Hải Phòng.
Sau đó được vận chuyển đến nhà máy tại Vũng Tàu bằng đường biển, cự ly khoảng 1.500km để tổ hợp các phân đoạn phụ thành đốt dầm thép hoàn chỉnh rồi vận chuyển về công trường lắp đặt. Nhịp cầu chính dây văng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành.
“Vượt qua những khó khăn do dịch, chúng tôi phấn đấu đến 2/9 hợp long nhịp chính và trụ tháp, nối liền quận 1 và TP Thủ Đức. Quý II/2022, hoàn thành cơ bản công trình, tổ chức thông xe phần cầu chính”, ông Koscher Xavier khẳng định.
Trong khi đó, ông Trần Bình An cũng cho biết, nhờ tổ chức tốt công tác phòng dịch, hậu cần, các nhà thầu tham gia dự án nâng cấp đường cất/ hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất đều là những đơn vị “thiện chiến”, có năng lực và nhiều kinh nghiệm nên tiến độ dự án đến nay vẫn đảm bảo yêu cầu đề ra. “Mục tiêu là hoàn thành tất cả các hạng mục vào cuối năm 2021 như cam kết với Bộ GTVT”, ông An nói.
Trong chuyến kiểm tra tiến độ thi công các dự án trọng điểm vào ngày 14/7, ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch UBND TP HCM đánh giá cao việc thực hiện phương châm “3 tại chỗ” của Ban quản lý các dự án để vừa đảm bảo chống dịch, vừa đảm bảo tiến độ thi công. Đây là điều quan trọng nhằm mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển KT-XH của thành phố trong năm 2021.