Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 12, có tổng cộng 80 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 65.757 tỷ đồng.
Trong đó, ngân hàng và bất động sản tiếp tục là 2 nhóm ngành phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 46.926 tỷ đồng và 9.538 tỷ đồng, chiếm 71,36% và 14,5% tổng giá trị phát hành của tháng.
Đáng chú ý, tại nhóm bất động sản, doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất là huy động được là 3.560 tỷ đồng thông qua trái phiếu kỳ hạn 4 năm; theo sau là CTCP Bách Hưng Vương huy động được 2.980 tỷ đồng với trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 1 năm.
Bên cạnh đó, CTCP Wealth Power (thuộc ngành năng lượng) cũng huy động được 2.880 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn một năm.
Báo cáo của VBMA nêu rõ, 2 doanh nghiệp bất động sản CTCP Đầu Tư SunValley và CTCP Bách Hưng Vương cùng với CTCP Wealth Power đã phát hành tổng cộng gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu giai đoạn gần đây và những công ty này đều có mối liên hệ mật thiết với Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp bất động sản mới trúng thầu khu đất Thủ Thiêm với mức giá kỷ lục.
Tuy nhiên, trong báo cáo của VBMA không nêu cụ thể về các thông tin cơ bản như lãi suất trái phiếu huy động, tài sản đảm bảo, mục đích huy động cũng như các đơn vị tham gia thu xếp...
Còn nhớ, trước đó, một số đơn vị thuộc Tân Hoàng Minh cũng tích cực trong việc huy động vốn bằng kênh trái phiếu như Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt huy động được 2.700 tỷ đồng trong tháng 7 và tháng 9/2021; Công ty Soleil huy động 1.750 tỷ đồng trong tháng 7, tháng 8 và tháng 11; Công ty Cung điện Mùa Đông huy động được 450 tỷ đồng vào cuối tháng 11.
Tân Hoàng Minh huy động vốn bằng trái phiếu với giá trị huy động lớn trong tháng 12/2021 giữa bối cảnh vào ngày 10/12/2021, tập đoàn này đã thắng vụ đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá kỷ lục hơn 2,4 tỷ đồng/m2. Theo đó, giá trị tập đoàn này cần thanh toán lên tới 24.500 tỷ đồng (gấp 8,3 lần giá chào).
Trong khi công chúng đang theo dõi sát sao diễn biến vụ việc và đặt câu hỏi về việc Tân Hoàng Minh sẽ huy động vốn ra sao thì đến ngày 11/1, mạng xã hội "rúng động" với "tâm thư" của ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn này, xin tự nguyện "bỏ cọc".
Cụ thể, phía Tân Hoàng Minh muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng tiền cọc.
Trong một diễn biến khác, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua. Trong công điện, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất bảo đảm đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng.
Còn về vấn đề phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn của các doanh nghiệp, đầu tháng 12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Ủy Ban chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Văn bản nêu, trong thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế./.