Ngày 6-9, TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo: Lê Thanh Hải (1983) và Lê Kiên Trung (1979, cùng trú TP Vinh, Nghệ An) về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; Trần Diễn Thương (1976, trú TP Vinh) về tội: “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Theo cáo trạng, do biết Thương có mối làm giả các loại giấy tờ nên Lê Thanh Hải nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn của Hải là nhận làm hồ sơ sang tên bìa đất, tách thửa đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhận tiền đặt cọc giữ chỗ cho những người có nhu cầu mua đất quy hoạch bán đấu giá tại xã Nghi Yên và Nghi Xuân (H. Nghi Lộc, Nghệ An).
Biết Lê Kiên Trung (là anh con bác) từng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều mối quan hệ nên Hải bàn bạc và giao cho Trung tìm những người có nhu cầu làm các thủ tục về đất đai, có nhu cầu mua đất thông qua đấu giá để giới thiệu cho Hải và sẽ được trả tiền công. Để tạo dựng niềm tin và lừa được nhiều người, sau khi nhận tiền và hứa hẹn làm các thủ tục như người dân yêu cầu, Hải thông qua Thương đã làm các bìa đất giả rồi đưa cho người dân. Về phần Thương, thông qua mạng xã hội đã thuê người làm bìa đất giả rồi giao lại cho Hải. Sau đó, Hải giao cho Trung để đưa cho các bị hại nhằm chiếm đoạt tiền của họ.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 12-2021 đến tháng 4-2022 Hải đã thuê Thương làm 6 tài liệu giả là các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đất giả) để thực hiện 9 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và 12 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức lừa nhận tiền đặt cọc giữ chỗ đất quy hoạch bán đấu giá.
Cụ thể, biết mẹ vợ của anh Nguyễn Bá Đ. (trú tại TP Vinh, Nghệ An) muốn tách thửa đất của gia đình, Lê Kiên Trung giới thiệu rằng có người nhà làm ở cơ quan nhà nước. Sau đó, Trung giới thiệu Hải đến nhà anh Đ. để hỏi thông tin và làm thủ tục nhưng anh Đ. không đồng ý, chỉ muốn làm việc với Trung. Hải liên hệ với Thương hỏi giá làm bìa giả, Thương cho biết chi phí 20 triệu đồng/bìa, làm trong thời gian 10 ngày. Sau khi thống nhất chi phí làm bìa giả với Thương, Hải nói với Trung ra giá 60 triệu đồng/bìa. Giữa tháng 12-2021, anh Đ. chuyển trước cho Trung 20 triệu đồng. Sau khi làm được bìa, anh Đ. chuyển tiếp 40 triệu đồng còn lại. Số tiền này, Trung giữ lại 10 triệu đồng và chuyển cho Hải 50 triệu đồng. Hải chuyển cho Thương 40 triệu đồng, còn lại mình giữ tiêu xài. Đến ngày 15-6-2022, anh Đ. đọc báo thấy Lê Kiên Trung và Lê Thanh Hải bị bắt về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức làm bìa đất giả nên đã đến cơ quan Công an tố cáo.
Với thủ đoạn tương tự, giữa tháng 12-2021, Trung liên lạc với Hải thông báo có anh T. (trú xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên) muốn tách bìa. Hải liên lạc và gửi thông tin cho Thương làm giả bìa đất với giá mỗi bìa giả 15 triệu đồng. Biết là mảnh đất của anh T. nhờ tách thửa là đất trước 1980 và dính đất quy hoạch nên Hải bày cho Trung ra giá 730 triệu đồng. Khi được khách hàng đồng ý và chuyển trước 580 triệu đồng, sau đó chuyển tiếp số tiền còn lại, Hải chuyển thông tin cho Thương làm giả 3 bìa đất. Sau khi nghi ngờ bìa đất là giả, anh T. nói với Trung sẽ tố cáo đến cơ quan chức năng nên Trung nói Hải trả lại số tiền 220 triệu đồng cho nạn nhân. Hiện Hải và Trung đang chiếm đoạt của anh T. 510 triệu đồng.
Cũng với thủ đoạn trên, Trung, Hải và Thương đã câu kết với nhau chiếm đoạt của nhiều nạn nhân khác, người nhiều nhất gần 1 tỷ đồng, người ít nhất 60 triệu đồng. Ngoài ra Hải và Trung còn thực hiện 12 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức nhận tiền cọc chỗ đất quy hoạch và phân lô ở xã Nghi Yên và xã Nghi Thuận (H. Nghi Lộc). Trong đó, Hải và Trung ra giá mỗi lô đặt cọc 50 triệu. Khi thấy nhiều người có nhu cầu, hai người này tăng lên 70-120 triệu đồng tùy mỗi lô. Cụ thể, với thủ đoạn này, Trung và Hải đã chiếm đoạt tiền đặt cọc của anh Nguyễn Thái Tr. (xã Nghi Yên) 11 lô đất với số tiền 715 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền Hải và Trung lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại là gần 7,3 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Các bị cáo khai nhận do nhận thấy nhu cầu của người dân nên đã cấu kết với nhau lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền chiếm đoạt được các bị cáo chia nhau tiêu xài cá nhân. Cả 3 bị cáo đều thuộc trường hợp nhân thân xấu, tái phạm nhiều lần. Đây là tình tiết tăng nặng của vụ án. Đồng thời, các bị cáo đưa ra một số tình tiết để xin giảm nhẹ hình phạt như ra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội và đã khắc phục một phần hậu quả cho bị hại. Các bị hại cũng yêu cầu các bị cáo trả lại số tiền đã chiếm đoạt.
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Lê Thanh Hải 20 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 4 năm tù về tội: “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; tổng hình phạt chung là 24 năm tù. Bị cáo Lê Kiên Trung 16 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội: “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; tổng hình phạt chung là 19 năm tù. Bị cáo Trần Diễn Thương lĩnh án 4 năm 6 tháng tù về tội: “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.