Ngày 7/10/2022, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn. 

Về việc này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

NHNN khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền tại SCB.
NHNN: Se dam bao quyen loi nguoi gui tien va giu on dinh SCB

nhnn-se-dam-bao-quyen-loi-nguoi-gui-tien-va-giu-on-dinh-scb-1665196660.jpg

Về các chỉ số tài chính, tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của SCB ở mức 761.177 tỷ đồng, tăng 8,2% so đầu kỳ.Trong đó cho vay khách hàng chiếm 389.792 tỷ đồng, tăng 8,1%. Tiền gửi của khách hàng tại SCB cũng tăng 16% lên mức 594.630 tỷ đồng.

Về tình hình nhân sự, từ tháng 8 tới nay, tại SCB đã có biến động nhân sự chủ chốt khá nhiều.

Cụ thể, ngày 12/08/2022, SCB đã miễn nhiệm chức danh Quyền Tổng Giám đốc của ông Trương Hoàng Khánh và bổ nhiệm ông Diệp Bảo Châu làm Phó Tổng giám đốc phụ trách.

Ngày 30/08, SCB bổ nhiệm ông Trương Ngọc Lũy vào vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Đến ngày 15/09, bà Trần Thị Mỹ Dung bị miễn nhiệm khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc. Cùng ngày, bà Nguyễn Kim Hằng được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng của Ngân hàng.

Trong tháng 9, SCB liên tiếp bổ nhiệm thêm 3 phó tổng giám đốc khác là ông Bùi Nhân, ông Hoàng Minh Hoàn và bà Đặng Thị Bảo Châu.

Gần đây nhất, ngày 04/10, SCB bổ nhiệm ông Đoàn Trung Kiên vào vị trí Phó Tổng Giám đốc./.