Giáp Thìn 1844: Từ Hà Nội đến Huế chịu tàn phá
Theo sử liệu của nhà Nguyễn, trong thế kỷ 19, Việt Nam đã hứng chịu nhiều trận lụt bão thảm khốc, trong đó các trận lụt năm 1844 có mức độ đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả miền Bắc và miền Trung.
Cụ thể, tại miền Bắc, nước sông Nhị (sông Hồng) dâng cao đến hơn 4 mét. Nhiều làng mạc, đồng ruộng tại Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định, Quảng Yên bị ngập chìm trong biển nước, gây thiệt hại nặng nề về người và của.
Tại miền Trung, Huế xảy ra mưa to gió lớn, nước ngập sâu 4,2 mét trong Kinh thành. Kỳ đài (cột cờ) ở phía trước Kinh thành đã bị gãy do gió mạnh, điều chưa từng xảy ra kể từ khi Kinh thành được xây dựng.
Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên có hơn 1.000 người chết, 2. 000 nhà bị sập hoàn toàn. Tại Quảng Trị nước ngập sâu 6.72 mét, 79 người chết đuối, hơn 3.000 nhà bị sụp đổ.
Giáp Thìn 1904: Miền Nam thiệt hại nặng nề
Nam Bộ vốn là vùng đất lành, hiếm khi có bão lụt nhưng năm Giáp Thìn 1904 đã xảy ra cơn bão kinh hoàng gây lụt lớn, dân gian thường gọi là "Năm Thìn bão lụt".
Trận lụt lịch sử này xảy ra từ ngày 1/5/1904, do một trận bão lớn, cùng lúc thủy triều cao gây những đợt sóng cao 10 mét ập vào bờ, càn quét khắp vùng duyên hải phía Nam đến tận Campuchia. Các địa phương chịu thiệt hại lớn nhất là Định Tường, Gò Công, Mỹ Tho, Tân An, Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhiều làng ven biển ở Gò Công bị cuốn trôi. Vì mưa lớn, nước lụt dâng nhanh, có nơi ngập sâu 3 mét.
Theo thống kê, các tỉnh Định Tường và Gò Công có 5.000 người thiệt mạng, tập trung ở các làng ven biển. Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, số người chết lên tới hơn 3.000 người.
Cũng năm Giáp Thìn 1904, lũ lụt lớn cũng xảy ở miền Trung, từ Huế cho tới Nghệ An. Tại Thừa Thiên-Huế đã xuất hiện một cơn bão cực mạnh ngày 11/9/1904 gây nhiều tổn thất về người và tài sản, nhiều công trình kiến trúc trong kinh thành và đình chùa miếu mạo bị hư hỏng, hơn 50.000 ha ruộng lúa ở vùng thấp thuộc lưu vực sông Hương và phá Tam Giang bị nước mặn tràn vào gây mất mùa liên tục những năm sau đó. Trận thiên tai này đã khiến tỉnh Thừa Thiên bị thiệt hại nặng nề: 22.027 nhà bị sập đổ, 529 tàu thuyền bị trôi dạt hoặc bị đắm, 724 người chết.
Giáp Thìn 1964: Đại hồng thủy quét qua vùng đất Quảng Nam
Năm 1964 một trận lũ lụt vô tiền khoáng hậu đã xảy ra ở Quảng Nam, ghi dấu vào tâm trí một thế hệ người dân địa phương với tên gọi là “đại họa năm Thìn”. Đây là một trong những thảm họa lụt bão nghiêm trọng nhất Việt Nam thế kỷ 20.
Thảm họa này hình thành từ những trận mưa như trút nước bắt đầu từ ngày 4/11/1964. Vào ngày 7/11/1964, hiện tượng nhật thực xảy ra, cũng là lúc mưa lớn đỉnh điểm. Mưa kéo dài không ngớt và nước lũ kéo về. Nước lũ chảy xiết, đổ xuống từ núi ầm ầm như thác, mạnh đến nỗi xé toạc từng cụm, từng mảng núi, cuốn theo những tảng đá to như cái nhà.
Dòng nước đi đến đâu, nhà cửa, ruộng vườn, tan hoang đến đấy. nhiều làng mạc dọc theo sông Thu Bồn và Vu Gia gần như bị xóa sổ. Theo thống kê, trận đại hồng thủy này đã cướp đi 6.000 sinh mạng ở Quảng Nam
Làng Đông An (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) là nơi hứng chịu đau thương nhiều nhất khi lũ đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, san bằng làng mạc và cướp đi sinh mạng của gần hết người trong làng. Ngôi làng có dân số gần 1.500 người, chỉ có 19 người sống sót sau thảm họa.