Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang chia sẻ, tỉnh đang thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Do vậy rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị.
 
Bắc Giang đang thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho các BV dã chiến, khu cách ly
 
Theo thông tin từ báo Bắc Giang, ngày 30/5, tỉnh Bắc Giang tiếp tục nhận được nhiều ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm về tiền mặt, nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
 
Trong đó có thể kể đến sự giúp đỡ của các đơn vị gồm: Công ty cổ phần Sản xuất dịch vụ thương mại Hoàng Gia Việt (30 triệu đồng và 10 tấn gạo); Lớp quản lý K45 - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và những người bạn (1,4 nghìn bộ kít xét nghiệm); Câu lạc bộ golf Ciputra cùng quỹ cư dân CDF (1 xe cứu thương); Công ty TNHH Phúc Gia Hà Nội (600 khẩu trang N95 và 300 bộ bảo hộ y tế, 300 bộ kít, 100 thùng nước điện giải); Tập thể cán bộ nhân viên và đối tác của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, TP Hồ Chí Minh (10 nghìn khay thử xét nghiệm trị giá hơn 1,3 tỷ đồng)...
 
Cùng với đó, rất nhiều tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ qua tài khoản của Ủy ban MTTQ tỉnh tại Ngân hàng Agribank Bắc Giang.
 
 
Ông Trần Công Thắng (Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang) cảm ơn tấm lòng hảo tâm của các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đã ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời khẳng định đây là nguồn động viên to lớn để Bắc Giang sớm đẩy lùi dịch bệnh.
 
Ông bày tỏ, Bắc Giang hiện đang thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Do vậy rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp ở trong, ngoài tỉnh và những người con xa quê.
 
"Khi nào Bắc Giang hết dịch mới trở về"
 
Chia sẻ trên VnExpress, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói, 700 nhân viên y tế liên tục đi lấy mẫu test nhanh hàng ngày cho người dân Bắc Giang, nắng nóng khắc nghiệt khiến nhiều người ngất. Đơn vị đã yêu cầu thực hiện lấy mẫu vào sáng sớm và buổi tối để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế và đảm bảo công việc.
 
Chị Hoàng Thị Hằng (giảng viên Khoa Xét nghiệm, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) chia sẻ với VnExpress, đoàn tình nguyện đã có 14 ngày làm việc tại những điểm nóng nhất về dịch ở Việt Yên, mỗi ngày chia làm 2 ca. Chị cho biết, khó khăn lớn nhất là mọi người làm việc trong thời tiết nắng nóng, mặc đồ bảo hộ chỉ chịu được khoảng 4-6 tiếng đồng hồ.
 
"Lúc đầu, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang chỉ đề nghị đoàn Hải Dương chi viện, hỗ trợ chống dịch 3 ngày. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp, tất cả thành viên trong đoàn đồng lòng xác định khi nào Bắc Giang hết dịch mới trở về.
 
... Có những hôm mọi người trở về nơi đóng quân, đồng hồ đã điểm gần 1h sáng, do quá mệt mỏi, nhiều thành viên không ăn nổi cơm, chỉ uống nước cho đỡ khát rồi tranh thủ ngủ 2-3 tiếng đồng trước khi tiếp tục công việc ngày mới. Mọi người đều lạc quan, tin tưởng Bắc Giang sẽ sớm khống chế và chiến thắng dịch bệnh", VnExpress dẫn lời giảng viên Hằng.
 
 
Nhân viên y tế ngất xỉu khi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Giang. 
 
Theo ghi nhận của báo Quảng Ninh, tính tới ngày 30/5, đoàn thầy thuốc tình nguyện của tỉnh Quảng Ninh tại Bắc Giang đã "chia lửa" chống dịch Covid-19 được 10 ngày. Tất cả đều làm việc với khối lượng công việc lớn, áp lực cao, mỗi ngày làm có thể kéo dài tới mười mấy tiếng hoặc có thể phải tiến hành trong đêm.
 
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hương, người được anh chị em trong đoàn đặt biệt danh "Điều dưỡng viên thép", chia sẻ trên báo Quảng Ninh, để bảo đảm các yêu cầu an toàn khi làm nhiệm vụ các y, bác sĩ phải mặc trang phục phòng hộ đúng tiêu chuẩn phòng chống dịch, kín khí suốt một khoảng thời gian dài, trung bình khoảng 6 giờ, có khi là 8 đến 10 giờ đồng hồ liên tục, giữa thời tiết mùa hè oi bức.
 
Còn bác sĩ Vũ Trí Tuệ, một trong những thầy thuốc của đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh dí dỏm chia sẻ: "Kết thúc ca làm, sau khi thực hiện đúng các quy trình khử khuẩn, cởi bộ đồ phòng hộ ra thì quần áo bên trong đã ướt sũng, vắt ra nước được. Những ai nhiều mồ hôi thì găng tay như cái túi đựng nước, mồ hôi lõng bõng bên trong… Nói vui vui, anh chị em chúng tôi ngày nào cũng được xông hơi và tắm trong mồ hôi của chính mình ấy".