Cụ thể, các mặt hàng nhu yếu phẩm đóng gói như mì gói, cháo gói, miến, phở, hủ tiếu… tại các đại lý lớn, siêu thị mini đều hết hàng.
“Mấy ngày nay, nhiều hộ dân đặt mua các mặt hàng nói trên nhưng các đại lý lớn đều hết sạch”, chị Huỳnh Ngọc Trân, cán bộ xã Mỹ Hoà, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Theo chị Trân, một số nơi còn hàng thì giá cũng rất cao, điển hình như mì 3 Miền loại 30 gói có giá 90.000 đồng/thùng, 300.000 đồng/thùng loại 100 gói, mì Hảo Hảo loại 30 gói/thùng có giá 150.000 đồng/thùng.
“Bình thường thì mì 3 Miền loại 30 gói chỉ 60.000 đồng, loại 100 gói giá chỉ 180.000 đồng/thùng…”, chị Trân cho biết thêm.
Tình trạng khan hiếm hàng nhu yếu phẩm cũng xảy ra tại các hệ thống siêu thị mini Bách Hóa Xanh. Các nhân viên siêu thị cho hay, hiện các loại nhu yếu phẩm đóng gói bị khan hiếm hàng do ảnh hưởng dịch bệnh, việc vận chuyển từ kho đến điểm phân phối gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể các mặt hàng như mì gói, cháo, phở, hủ tiếu đóng gói… hiện đã hết sạch hàng trên kệ. Trong khi nhu cầu của người dân đặt hàng qua online rất lớn, nhưng không có hàng giao.
Nhiều nhà nông ở Vĩnh Long cũng phản ánh tình trạng phân bón giá hiện tại cũng tăng rất cao, chưa từng thấy từ trước đến nay. Qua khảo sát, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp cho biết từ đầu năm đến nay phân bón không xảy ra tình trạng khan hiếm nhưng ngược lại giá tăng liên tục, nhiều loại giá tăng cao kỷ lục.
Cụ thể, so với đầu năm, giá phân bón DAP, NPK, Kali đã tăng từ 60-80%, các loại phân Urê cũng tăng hơn 80%. Các chủ cửa hàng giải thích nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, thêm vào đó, do thực hiện giãn cách xã hội nên vấn đề lưu thông hàng hóa, vận chuyển khó khăn, dẫn đến các loại chi phí đều tăng lên.
Giá phân bón tăng mạnh trong khi lúa, nhiều loại trái cây, rau màu bị rớt giá, khiến chủ cửa hàng lẫn nông dân gặp khó. Trong đó người nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Và nhiều chủ cửa hàng gặp khó trong việc thu hồi tiền nợ vật tư nông nghiệp của nông dân, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Trong khi nông dân gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất.