Ngày 23 và 24-12, cựu hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô Dương Văn Hòa cùng một số lãnh đạo, cán bộ trường này bị đưa ra xét xử trong vụ án cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh giả, thu lợi trên 7 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngoài những sinh viên "mua bằng", có sinh viên đã trải qua kỳ thi tuyển đầu vào, đang chứng minh mình "học thật, thi thật" và đòi lại quyền lợi cho mình.

"Yêu cầu Trường ĐH Đông Đô hoàn trả học phí"

nhieu-hoc-vien-chung-minh-khong-mua-bang-dh-dong-do-yeu-cau-hoan-tra-hoc-phi-1640395110-1640418139.jpg
Hóa đơn đỏ mà Trường ĐH Đông Đô xuất về việc thu tiền học phí của những sinh viên, học viên "học thật, thi thật" - Ảnh: PHẠM TUẤN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 24-12, bà Nguyễn Thị Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết mình được các sinh viên "học thật, thi thật" ủy quyền để yêu cầu Trường ĐH Đông Đô trả lại học phí.

Theo bà Hiền, trước khi trường vướng vào bê bối cấp bằng giả, công ty của bà là đối tác chuyên làm nhiệm vụ tuyển sinh cho trường.

"Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ tuyển sinh, việc tổ chức thi tuyển và đào tạo do trường tổ chức. Thí sinh thi 2 môn, gồm 1 môn văn hóa và tiếng Anh cơ bản để lọc đầu vào, lệ phí thi là 1 triệu đồng. 

Khi các em học được hơn 3 tháng thì cơ quan an ninh điều tra vào cuộc, vỡ lở việc trường chưa được cấp phép đào tạo. Vì vậy việc học của các sinh viên đã phải tạm dừng", bà Hiền cho biết.

Đáng nói, những sinh viên trên đã nộp đủ học phí trong vòng hơn 2 năm tại Trường ĐH Đông Đô.

"Khi bắt đầu nhập học, cán bộ quản lý lớp thông báo là nộp học phí đủ trong vòng 2,5 năm thì sẽ được giảm một chút. Tất cả các sinh viên đã nộp hơn 29 triệu đồng học phí cho nhà trường, có xuất hóa đơn đỏ, phiếu thu đầy đủ", bà Hiền nói.

nhieu-hoc-vien-chung-minh-khong-mua-bang-dh-dong-do-yeu-cau-hoan-tra-hoc-phi1-1640395110-1640418189.jpg
Các học viên, sinh viên ủy quyền cho bà Hiền yêu cầu Trường ĐH Đông Đô hoàn trả học phí - Ảnh: PHẠM TUẤN

Theo bà Hiền, hiện có gần 100 sinh viên ủy quyền cho bà để yêu cầu nhà trường hoàn trả học phí. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đi "đòi" học phí, đến nay nhà trường vẫn chưa hoàn trả.

"Tôi yêu cầu Trường ĐH Đông Đô sớm hoàn lại học phí. Không thể làm ăn bất chính, rồi thu lợi một cách đường đường chính chính mà không phải trả lại như thế. Nếu vụ việc này trót lọt thì sẽ có tiền lệ rất xấu trong ngành giáo dục, nhiều trường khác sẽ làm theo", bà Hiền bức xúc.

Bà Hiền nói thời gian tới sẽ gửi đơn lên Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân (nơi Trường ĐH Đông Đô thuê địa điểm để đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh) để khởi kiện, yêu cầu trường hoàn trả học phí cho học viên.

Là một trong những người đang chứng minh mình "học thật, thi thật", anh N.Đ.D. (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết đã đóng gần 30 triệu đồng học phí, nhưng từ lúc sự việc vỡ lở năm 2019 đến nay, trường vẫn chưa có động thái gì trong việc hoàn trả.

"Chúng tôi đã bị lừa, mất thời gian theo học tại trường, lỡ những dự định về công việc của mình, đặc biệt ảnh hưởng tới danh dự.

Chúng tôi thi đầu vào đàng hoàng, học tại 60B phố Nguyễn Huy Tưởng thuộc quận Thanh Xuân. Bây giờ chỉ yêu cầu trường trả lại tiền học phí mà chúng tôi đã nộp", anh D. nói.

Tối 24-12, Tuổi Trẻ Online liên hệ với ông Phạm Ngọc Đóa - được giới thiệu trên trang web Trường ĐH Đông Đô là chủ tịch hội đồng trường - để hỏi về kế hoạch trả lại học phí cho học viên đã nộp khi học văn bằng 2 tiếng Anh tại nhà trường. 

Ông Đóa nói: “Tôi nghỉ ở Đông Đô rồi, tôi không làm ở Đông Đô nữa”. 

Tuy nhiên, thông tin trên website chính thức của Trường ĐH Đông Đô tại địa chỉ: http://www.hdiu.edu.vn/home/ vào lúc 19h20 cùng ngày, tên ông Phạm Ngọc Đóa vẫn đang nằm trong thường trực hội đồng, nắm giữ chức vụ chủ tịch.

Trước đó, trong văn bản của Trường ĐH Đông Đô do PGS.TS Lê Ngọc Tòng - thời điểm đó là phó hiệu trưởng - ký ban hành ngày 13-11-2019 về việc đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, học viên, nêu rõ:

"Đối với những sinh viên học thật, thi thật và đã được nhà trường cấp văn bằng 2 tiếng Anh, nếu văn bằng này không được Bộ GD-ĐT công nhận thì sinh viên có thể nộp lại văn bằng và nhà trường hoàn trả lại học phí.

Đối với những sinh viên đang theo học văn bằng 2 tiếng Anh (học thật, thi thật), nhà trường tạm dừng việc đào tạo và sẽ giải quyết quyền lợi cho học sinh sau khi có kết luận của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an".

Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc với nhà trường, các học viên vẫn không nhận lại được số tiền học phí đã nộp.

Tháng 6-2020, bà Nguyễn Thị Hiền gửi đơn phản ánh lên Bộ GD-ĐT kiến nghị bộ có văn bản đề nghị Trường ĐH Đông Đô trả lại tiền học phí cho học viên.

Ngày 24-6-2020, phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Ngô Minh Hưng trả lời đơn của bà Hiền có nêu: Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo Trường ĐH Đông Đô thực hiện trách nhiệm của mình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người học.

Đến tháng 5-2021, bà Hiền có gửi đơn lên Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an về yêu cầu Trường ĐH Đông Đô thực hiện cam kết về việc giải quyết quyền lợi cho các học viên đã nộp tiền.

Trả lời đơn của bà Hiền về nội dung trên, ngày 10-5-2021, thiếu tướng Trần Văn Thiệp - phó thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an - cho biết đơn vị đã gửi công văn đề nghị Trường ĐH Đông Đô phối hợp với các tổ chức, cá nhân rà soát giải quyết quyền lợi cho các cá nhân đóng tiền để học văn bằng 2 tiếng Anh tại các cơ sở đào tạo có ký hợp đồng với nhà trường.

Được biết, tổng số tiền mà Trường ĐH Đông Đô đã thu lợi bất chính từ những học viên đang chứng minh "học thật, thi thật" này là hơn 18 tỉ đồng./.