Những bình luận với ngôn từ thiếu đứng đắn đang làm xấu đi các bài giảng được thầy cô đầu tư tâm huyết.
Từ ngày 9/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức các chương trình dạy học thông qua hệ thống kênh Hà Nội 1. Lớp 9 và lớp 12 là đối tượng của loạt chương trình này.
Cụ thể, học sinh lớp 9 có 3 môn học gồm: Ngữ văn, toán, tiếng Anh; học sinh lớp 12 có 9 môn học: Ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và tiếng Anh.
Sau 1 tuần triển khai, chương trình được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh và học sinh vì đây là cách học an toàn, hiệu quả trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó, học sinh có thời gian ôn tập cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Tiết học Ngữ văn được phát sóng trên kênh Hà Nội 1
Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực của các bài giảng trên truyền hình, thì việc một bộ phận học sinh bình luận với ngôn từ phản cảm trong các video được đăng tải trên Youtube trở thành vấn đề đáng lưu tâm. Nhiều học sinh đã sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn mực, thậm chí là tục tĩu để tham gia trò chuyện trong khi các bài giảng được phát livestream qua kênh Youtube của Đài truyền hình Hà Nội.
Trừ những bình luận với mục đích xây dựng bài giảng, nhiều học sinh vẫn chưa cho thấy ý thức khi phát ngôn thiếu suy nghĩ và gây khó chịu cho người xem. Hình ảnh này khiến Đài truyền hình Hà Nội phải vào cuộc trong thời gian tới. Ban lãnh đạo của Đài sẽ phối hợp với Công an thành phố để xác minh những trường hợp có hành vi xấu nêu trên.
Thiết nghĩ, với môi trường học đường, văn hóa trong sử dụng internet và ngôn từ cần được nhiều học sinh cũng như các bậc phụ huynh chú ý nhằm mang đến một môi trường giáo dục chuẩn mực, hoàn thiện.
Hiện nay ngoài Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã bắt đầu triển khai mô hình học qua truyền hình cho học sinh cuối cấp như Đồng Nai, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế,... Hoạt động này dự kiến sẽ duy trì đến khi học sinh được trở lại trường sau đợt nghỉ kéo dài vì dịch Covid-19.