PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Phó trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, F0 có mặt ở các đám đông thì có thể tạo ra những chùm ca nhiễm. Khi số ca nhiễm tăng lên nhiều, mà còn nhiều người thuộc nhóm nguy cơ cao chưa được bảo vệ, chưa tiêm vaccine đủ thì có thể gây quá tải hệ thống ngành y tế.
Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 vẫn có hiệu lực, trong đó nghiêm cấm hành vi cố ý làm lây lan dịch bệnh. Đã có nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính hay hưởng án treo, nhận án tù vì cố tình làm lây lan dịch bệnh hay tung tin thất thiệt không đúng về dịch bệnh trên mạng xã hội, làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch.
Trong bối cảnh hiện nay, dù nước ta đã xác định sống chung với dịch COVID-19 nhưng vẫn xem đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đặc biệt nguy hiểm.
Những ngày qua, số ca tử vong trên cả nước vẫn ghi nhận trên dưới 100 ca/ngày, còn ca bệnh nặng hiện đang điều trị trên 4.000 ca.
Các bác sĩ và đại diện ngành y tế tại TP.HCM khuyến cáo, người mắc COVID-19 trong thời gian cách ly tại nhà cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng, tránh lây nhiễm, tuyệt đối không đi ra khỏi nhà theo quy định mới nhất của Bộ Y tế.
Liên quan về việc xử phạt người F0 nếu không tuân thủ Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho hay hiện luật này vẫn hiện hành và phát huy tác dụng dù tình hình dịch COVID-19 đã thay đổi nhiều so với cách đây khoảng một năm.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, tỷ lệ lây nhiễm bệnh COVID-19 hiện nay trong cộng đồng đang tăng cao. Nếu F0 - nguồn lây bệnh - đi ra khỏi nhà, đến nơi đông người như đi siêu thị, trường học, cuộc họp... thì rất nguy hiểm, làm tăng sự lây nhiễm. Nếu có nhiều người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm bệnh, sẽ dẫn đến quả tải hệ thống y tế, làm tăng thêm ca tử vong.
"Người dân biết rõ bản thân nhiễm COVID-19 thì phải ý thức mình có nguy cơ lây nhiễm cao cho người khác. Cần phải tuân thủ cách ly, tuyệt đối không ra cộng đồng", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay hiện TP vẫn còn một số lượng không nhỏ người chưa được tiêm vắc xin như trẻ 5 - 11 tuổi (dự kiến chuẩn bị tiêm) và trẻ từ 0 - 5 tuổi chưa có kế hoạch tiêm. Do vậy nhiệm vụ của người lớn là thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế để tránh lây nhiễm trong cộng đồng và bảo vệ trẻ và người thuộc nhóm nguy cơ cao./.