Thông tin Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế đấu thầu khiến chuyên gia và nhà đầu tư lo lắng về số phận của điện gió khi nhiều dự án có thể không kịp tiến độ để về “đích” trước ngày 31/10/2021 nhằm hưởng giá FIT kéo dài 20 năm. Muốn được hưởng giá ưu đãi, các dự án điện gió phải vận hành trước ngày 1/11, sau thời điểm này cơ chế giá sẽ thay đổi.
Loạt dự án không kịp về “đích”
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay có 130 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, trong đó số dự án đã đưa vào vận hành thương mại là 12 dự án với tổng công suất là 581,93 MW.
Dự kiến, đến hết ngày 31/10/2021 sẽ có thêm khoảng 105 dự án vận hành thương mại (tương đương với 5.000 MW điện gió) kịp hưởng giá FIT (giá cố định) 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (khoảng 2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng. Ngoài ra, có 13 dự án sẽ không kịp vận hành trước ngày 1/11 năm nay.
Tuy nhiên, đây chỉ là báo cáo từ phía nhà đầu tư, còn thực tế triển khai được ghi nhận có nhiều dự án còn chưa giải phóng xong mặt bằng. Hay tại các tỉnh ĐBSCL như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre... hàng loạt dự án điện gió đang gặp khó khăn do không thể vận chuyển vật tư, trang thiết bị đến chân công trình. Một số nhà thầu còn cho biết, do dịch Covid-19 nên tình trạng các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam phải cách ly theo quy định nên phần nào làm trễ tiến độ...
Vì thế, con số không kịp vận hành thương mại trước thời điểm hết giá FIT sẽ còn nhiều hơn dự báo.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, hiện Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế đấu thầu cho điện gió sau khi giá FIT theo Quyết định 39/2018 hết hiệu lực. Trong khi đó, mới cuối năm ngoái, Bộ này vẫn còn giữ quan điểm “kéo dài giá FIT điện gió đến hết năm 2023”.
Việc Bộ Công thương xây dựng cơ chế đấu thầu chưa được công bố chính thức, nên giới chuyên gia và doanh nghiệp không hề được biết. Khi nghe phong thanh về thông tin này, họ không khỏi lo lắng.
Sẽ đánh giá tác động
Trao đổi với PV, đại diện Bộ Công thương cho biết, cuối năm 2020, Bộ có xin ý kiến các bộ, ngành về đề xuất kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá cố định điện gió đến hết năm 2023 (với mức giá giảm so với Quyết định 39).
Tuy nhiên, gần đây có nhiều quy định pháp luật mới đã được ban hành và có hiệu lực như Luật Đầu tư 2020, Nghị định 31/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Nghị định 25/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Với những quy định mới này, việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió cơ bản sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu (trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định).
“Vì vậy, việc kéo dài cơ chế giá FIT đã không còn phù hợp với các quy định của pháp luật”, đại diện Bộ Công thương khẳng định, đồng thời cho rằng, theo kinh nghiệm thế giới, khi thị trường đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý và tăng độ minh bạch, cạnh tranh.
Khẳng định cơ chế đấu thầu là điều tất yếu phải hướng đến, song theo TS. Đinh Văn Nguyên, Giám đốc dự án Quy hoạch phát triển năng lượng ngoài khơi Toàn quốc Cộng hòa Ai-len 2020 - 2050, muốn làm được sẽ phải thực hiện các quy hoạch liên quan đến ngoài khơi/gần bờ như quy hoạch không gian biển, quy hoạch cảng, dữ liệu biển cơ bản, quy định đánh giá tác động môi trường xã hội (ESIA)... mà hiện Việt Nam chưa có.
Theo ông Nguyên, việc chuẩn bị các quy hoạch trên trong thời gian ngắn không dễ thực hiện. Vì vậy, song song với việc xây dựng cơ chế đấu thầu, cần xem xét tiếp tục thực hiện giá FIT như hiện nay.
Đón nhận thông tin chưa chính thức nêu trên, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, cơ chế đấu thầu là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nếu áp dụng ngay sẽ khiến nhà đầu tư gặp không ít rủi ro và việc thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này gặp khó.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía Bộ Công thương.
“Sau cơ chế FIT sẽ là gì? Chính sách và lộ trình không rõ ràng, nhất quán sẽ có tác động tới thị trường và làm tăng rủi ro, nản lòng các nhà đầu tư tương lai đối với điện gió”, bà Khanh nói và cho rằng, mốc thời hạn của giá FIT trước đây được đưa ra trong bối cảnh không có dịch Covid-19. Nhưng Covid-19 đã xảy ra trong suốt gần 2 năm qua, gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp.
Riêng đối với những dự án không kịp về “đích” trước ngày 1/11/2021, một chuyên gia cho biết, con số thiệt hại của nhà đầu tư là vô cùng lớn khi phải chờ quyết định chính thức được đưa ra, khi bài học cũng đã từng xảy ra với điện mặt trời sau ngày 30/6/2019...
“Mỗi dự án điện gió đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nếu vay vốn tới 80% thì tính riêng tiền lãi đã thiệt hại nhiều tỷ đồng. Chưa kể, phải trả lương cho bộ máy hàng trăm công nhân, rồi công tác bảo trì...”, vị chuyên gia nhẩm tính.
Trước băn khoăn, lo lắng của giới chuyên gia và các nhà đầu tư, đại diện Bộ Công thương cho biết: “Nếu không có cơ chế giá chính thức, phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ không ký hợp đồng mua bán điện, không nghiệm thu đưa vào vận hành. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế mới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan để đánh giá tác động đối với từng đối tượng tham gia phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để có cơ chế xử lý phù hợp”.
Theo đại diện của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), gợi ý giải pháp trước mắt là cần có giai đoạn chuyển tiếp trên cơ sở thực hiện cơ chế hỗ trợ. Ví dụ như ban đầu thực hiện theo giá FIT cho khoảng 4 - 5GW đầu tiên, sau đó mới chuyển dần sang đấu thầu. Điều này sẽ tháo gỡ khó khăn cho những dự án bị “mắc cạn”, cũng đủ thời gian để học hỏi, làm quen và chuẩn bị mọi nguồn lực với cơ chế mới.