Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Bình Định giúp doanh nghiệp tiếp cận nguốn vay để trả lương cho người lao động ngừng việc, tạm thời vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đến nay, nhiều chủ doanh nghiệp ở Bình Định đã vay được tiền theo Quyết định 23 để trả lương cho người lao động ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất.
Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Hương Việt, tỉnh Bình Định là một trong những doanh nghiệp lớn với chuỗi khách sạn, nhà hàng, quán cà phê tạo được thương hiệu uy tín. Dịch bệnh kéo dài gần 2 năm nay, doanh nghiệp này cũng lao đao. Doanh nghiệp phải dừng toàn bộ các hoạt động, 75 nhân viên trong công ty đều ngừng việc. Sau khi có Quyết định 23 ban hành ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ông Huỳnh Ngọc Châu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Hương Việt đã nộp hồ sơ và được cho vay gần 800 triệu đồng để trả lương cho người lao động bị ngừng việc.
“Đầu tháng 5 đến nay, dịch bùng phát mạnh, Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Ngành dịch vụ dừng hoạt động kinh doanh toàn bộ, người lao động không có việc làm, đời sống hết sức khó khăn. Ngân hàng chính sách tỉnh Bình Định tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi tiếp cận và được vay gói hỗ trợ trong 3 tháng để chi trả lương và giảm bớt một phần khó khăn cho cán bộ công nhân viên của Công ty. Đây là 1 chính sách rất hết sức nhân văn, rất kịp thời”, ông Huỳnh Ngọc Châu nói.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Bình Định, tính đến hết tháng 7, đơn vị đã tiếp nhận, giải ngân gần 4 tỷ đồng cho 15 doanh nghiệp trong tỉnh vay theo Quyết định 23 để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Bình Định cho biết, Ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm có được đồng tiền vay.
“Ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 23, Bình Định cũng là một trong những chi nhánh tổ chức triển khai thực hiện chính sách trên kịp thời, tích cực. Thủ tục thì chấp hành theo đúng Quyết định 23 của Thủ tướng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trên cơ sở chấp hành đúng hướng dẫn, quy định của Thủ tướng và Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương. Để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ giải ngân nhanh chóng, kịp thời gói hỗ trợ của Chính phủ”, ông Đoàn Trung Thành cho biết.
Hiện nay, tại tỉnh Bình Định, gần 29.000 người thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ với nguồn vay khoảng 42 tỷ đồng. UBND tỉnh dành 50 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện cho vay khôi phục sản xuất, cho vay tạo việc làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn.
“Ngay sau khi có Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, mọi công việc chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng đã cơ bản hoàn tất. UBND tỉnh cũng đã ban hành quy định về đối tượng, mức hỗ trợ. Mục tiêu là tất cả các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ đều được hưởng kịp thời, đầy đủ, không để người dân nào gặp khó khăn”, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin./.