Sự "hoành hành" của dịch bệnh COVID-19 đang tác động không nhỏ đến sự "sống còn" của nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, hoat động cầm chừng… đây là thực trạng mà nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An đang nỗ lực thích nghi, ứng phó trước đại dịch.
 
Tác động của dịch COVID-19 đã thể hiện rõ đối với các doanh nghiệp tại Nghệ An, kịch bản đói nguồn nguyên liệu sản xuất đang hiện hữu với nhiều đơn vị.
 
Lý do là bởi lâu nay, Trung Quốc được xem là thị trường lớn, “đại công xưởng” sản xuất nguyên liệu sản xuất của thế giới nên các chỉ số xuất nhập khẩu giảm là điều khó tránh khỏi. Điều này đã được giới chuyên gia kinh tế đánh giá kể từ khi COVID-19 xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc nhưng việc lường trước được thời điểm kết thúc của đại dịch chưa ai có thể dám chắc.
 
Ông Nguyễn Đình Sinh - Giám đốc Cty May Minh Anh - Kim Liên tại KCN Bắc Vinh (Nghệ An) cho biết hiện nay, doanh nghiệp đã lên sẵn kịch bản sản xuất cho đến hết tháng 9/2020. Đó là nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc đã được dự trữ sẵn trước đó. Chính vì vậy, tạm thời đến thời điểm nói trên, đơn vị vẫn duy trì dây chuyền sản xuất diễn ra bình thường.
 
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang xây dựng kịch bản tiếp theo là tìm mối hàng ở các nước khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Châu Âu…để không phải gặp cảnh bị động trước đại dịch COVID-19", ông Sinh cho biết thêm.
 
Không chỉ ngành dệt may, mà ngay cả mặt hàng xuất khẩu gỗ công nghiệp cũng ‘thấm đòn’ vì đại dịch, một công ty ván gỗ nhân tạo ở KCN Nam Cấm phải đóng cửa, ngừng sản xuất. Nguyên nhân là do ban lãnh đạo công ty chủ yếu là người Trung Quốc sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, vướng phải dịch bệnh nên vẫn chưa quay lại điều hành sản xuất. Trong khi đó, sản phẩm ván gỗ chất đầy kho, không tiêu thụ được nên công ty phải đóng cửa. Kéo theo đó 150 công nhân của công ty chủ yếu người Nghệ An phải tạm thời nghỉ việc.
 
Anh Võ Văn Đại, công nhân của công ty chia sẻ: “Nghỉ việc, công ty vẫn hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân và 80% lương thời gian. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống với mức trợ cấp đó là không thể, trong khi để tìm kiếm một việc làm thay thế trong thời điểm hiện tại không hề đơn giản. Thời gian này, tôi thường về quê mua thực phẩm quê xuống bán cho công nhân để đắp đổi chi tiêu qua ngày”.
 
Lý do là ban lãnh đạo công ty này chủ yếu là người Trung Quốc không thể trở lại Nghệ An điều hành sản xuất được trong một thời gian dài do dịch COVID-19. Chính vì vậy, khoảng 150 công nhân làm việc cho đơn vị này buộc phải tạm nghỉ việc.  
 
Được biết, đây là tình cảnh khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp phải đang tập hợp ý kiến qua Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An để gửi các cấp, ngành xem xét, giúp đỡ.
 
Đặc biệt, tác động do dịch COVID-19 cũng đã khiến sức khỏe của từng doanh nghiệp ở Nghệ An rơi vào cảnh “lâm sàng” nếu không được cứu vãn kịp thời từ chủ trương, chính sách.
 
“Đề nghị tỉnh có các giải pháp, các chính sách kích cầu về du lịch trong và sau dịch để thu hút khách; có chính sách hỗ trợ về các khoản thuế phải nộp cho doanh nghiệp: Thuế VAT, Thuế đất, Thuế thu nhập doanh nghiệp,…; có chính sách ưu đãi giảm tiền thuê đất hàng năm cho doanh nghiệp; Cho doanh nghiệp được chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHNT cho người lao động; giảm lãi vay ngân hàng, giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp”, đại diện Công ty CP Sài Gòn Kim Liên kiến nghị tỉnh Nghệ An.

 
Tình trạng công nhân tìm việc làm do nhiều nhà máy phải đóng cửa đã hiện hữu
 
Ông Trần Anh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tiêu biểu kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nghệ An nói với phóng viên rằng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, cần có sự chung tay kịp thời về việc triển khai chủ trương, chính sách vào thực tiễn.
 
Đặc biệt, trước khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An cũng kiến nghị các cấp, ngành địa phương nên tạm dừng thành lập các đoàn, tổ thanh kiểm tra vào thời điểm hiện nay.
 
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, trước ảnh hưởng của đại dịch Covd-19, Chính phủ và các ban ngành các cấp đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đã đáp ứng một phần nào những nguyện vọng của doanh nghiệp đề xuất.
 
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư sản xuất trên địa bàn, lãnh đạo địa phương cần sớm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương để đi vào thực tiễn hiện nay.
 
Mặt khác, đối với ngành ngân hàng, thuế, bảo hiểm… cũng phải sớm có chính sách cụ thể hơn nữa theo chủ trương chung mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay.