Cùng chung mua con giống, vật tư để giảm chi phí đầu vào; thỏa thuận giãn thời gian nuôi để tránh nguồn cung dôi dư cục bộ... là cách làm được nông dân Nghi Lộc (Nghệ An) áp dụng để "cắt lỗ", giảm thiểu khó khăn về đầu ra cho con tôm do tác động của dịch Covid-19.
Nhiều cách làm hay gỡ khó đầu ra cho con tôm ở Nghệ An
Từ một vùng cát trắng ven biển, nhiều người dân Nghi Tiến đã biết tận dụng để nuôi tôm trên cát, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Nguyễn Văn Hào, một hộ dân nuôi tôm ở bãi Hải Đồn, xóm Bắc Thắng, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) cho biết: "Gần 10 năm trong nghề, chưa năm nào, người nuôi tôm lại gặp khó khăn chồng chất như năm nay. Thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài kèm theo những đợt mưa bất ngờ khiến tôm mắc bệnh, chết nhiều. Giá đầu vào như: con giống, thức ăn, thuốc men… cho tôm tăng giá. Vậy nhưng, khi tôm cho thu hoạch thì giá cả lại “lao dốc”, bí đầu ra. Trung bình, mỗi 1kg tôm, người nuôi phải bù lỗ 30.000 - 50.000 đồng”.

Nhiều cách làm hay gỡ khó đầu ra cho con tôm ở Nghệ An
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đầu ra cho con tôm gặp khó, giá cả xuống thấp, người nuôi tôm thua lỗ. Ảnh: Thanh Phúc

“Cái khó ló cái khôn”, vào vụ tôm 2021, các hộ nuôi tôm ở Nghi Tiến đã liên kết lại với nhau, cùng bàn bạc để đưa ra phương án tối ưu, hạn chế các rủi ro về thị trường, giá cả. Theo đó, các hộ nuôi tôm thống nhất cùng lấy giống, thức ăn, vật tư nuôi tôm ở cùng một đại lý để giảm giá thành đầu vào vì bao giờ lấy sỉ, số lượng lớn cũng rẻ hơn là mua lẻ.

Tùy vào nhận định thị trường và bàn bạc với nhau để quyết định thời điểm bán “cắt lỗ”. Cụ thể, vụ tôm năm nay, khi liên hệ với các đầu mối thu mua phía Bắc, nắm được tình thế khó khăn, khó tiêu thụ, giá giảm sâu nên các hộ đã bàn với nhau chọn lọc và kéo bán khi tôm chưa đủ trọng lượng.

Nhiều cách làm hay gỡ khó đầu ra cho con tôm ở Nghệ An
Các hộ nuôi tôm thỏa thuận với nhau về giãn cách thời gian thả tôm để thu hoạch xen kẽ, tránh thu hoạch đồng loạt khiến nguồn cung dư cục bộ, khó cho tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc

Nếu như bình thường, đúng trọng lượng thì 1kg tôm sẽ chỉ khoảng 30-40 con/kg thì mới kéo bán nhưng do giá cả xuống thấp, càng nuôi càng thua lỗ nên các hộ sẽ kéo bán khi tôm mới chỉ đạt 70-80 con/1kg. “Đây là kiểu bán “cắt lỗ”, tiết giảm chi phí đầu tư. Đồng thời, thu hoạch dần dần theo lứa cũng sẽ giảm áp lực nguồn cung dư thừa”, ông Phan Doãn Cương cho biết.

Ngoài ra, các hộ nuôi thỏa thuận với nhau trong việc giãn thời gian nuôi theo hình thức cuốn chiếu, gối nhau để tránh thu hoạch cùng lúc giúp điều chỉnh nguồn cung, tránh bị ép giá. Ví dụ như hộ này thả tôm giống vào đầu tháng thì hộ kia sẽ thả vào cuối tháng, cách nhau tối thiểu 15-20 ngày.

“Mục đích là để tôm Nghi Tiến duy trì nguồn cung ổn định, luôn sẵn để cung cấp ra thị trường nhưng không để dôi dư cục bộ. Bởi đầu ra khó thì sẽ bị tư thương ép giá, càng thêm thua lỗ”, ông Lưu Đình Việt, một hộ nuôi tôm cho biết.

Nhiều cách làm hay gỡ khó đầu ra cho con tôm ở Nghệ An
Vụ tôm vừa rồi, cơ bản 10 tấn tôm của các hộ đã bán hết, hiện người dân đang thau dọn ao nuôi, chuẩn bị cho vụ kế tiếp. Ảnh: Thanh Phúc

Mặc dù gặp khó khăn chung là tắc đầu ra, giá tôm xuống thấp nhưng như vụ tôm vừa rồi, hàng chục tấn tôm của các hộ nuôi đã được tiêu thụ hết. Hiện, các hộ đang thau dọn ao nuôi, chuẩn bị cho vụ nuôi tôm kế tiếp. Xác định, khó khăn do dịch bệnh mang lại còn dài, vụ tôm kế tiếp cũng nằm trong bối cảnh đó nhưng các hộ nuôi tôm ở Nghi Tiến vẫn vững vàng bám trụ.

“Chúng tôi đã thành lập tổ hợp tác nuôi tôm trên cát với 11 hộ nuôi tham gia. Theo đó, các hộ đã cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về kỹ thuật nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tạo điều kiện giúp nhau ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, chia sẻ thông tin giá cả thị trường, "cộng sinh" cùng nhau để nâng năng suất, chất lượng, giá trị con tôm thương phẩm”.

Ông Lưu Đình Trợi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Tiến