Trong đợt bùng phát này, nhiều trường hợp còn trẻ, không mắc bệnh lý nền nhưng khi nhiễm nCoV, họ có diễn biến nặng, phải thở máy.
Đây là thông tin được đưa ra trong buổi hội chẩn quốc gia sáng 21/5. 4 bệnh viện xin ý kiến hội chẩn của Tiểu ban điều trị và Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Bệnh nhân trẻ diễn biến nặng
Trong số đó, BN3207, 37 tuổi, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 vào 18h ngày 18/5 trong tình trạng suy hô hấp tăng dần. Vì vậy, người này được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực để can thiệp ECMO cấp cứu lúc 22h cùng ngày.
Bệnh nhân không có tiền sử gì, tiếp xúc F0. Hiện tại, trường hợp này đang bị sốt cao, lúc vào viện giảm hơn nhưng vẫn phải điều tị an thần, giãn cơ. Các thông số khác tạm ổn định. Người bệnh cũng bắt đầu có ý thức, ho khạc đờm nhưng phổi vẫn còn đông đặc.
Một trường hợp khác cũng 37 tuổi có diễn biến nặng là bác sĩ, không bị bệnh nền. Ông được đặt nội khí quản và thở máy. Hiện tại, bệnh nhân đỡ sốt và có những tiến triển khá lên.
Trường hợp thứ 3 là BN3721, 36 tuổi, ở Lạng Sơn, tiếp xúc F0 vào ngày 5/5. Người phụ nữ này trước đó làm việc trong khu công nghiệp ở Bắc Giang. Hiện tại, bệnh nhân phải thở máy qua ống nội khí quản.
Với các bệnh nhân không có bệnh nền, tình trạng nhiễm trùng chưa nhiều, các chuyên gia khuyến cáo nơi điều trị không sử dụng kháng sinh phổ rộng.
Ngoài ra, theo Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, nhiều bệnh nhân khi chưa mắc Covid-19 đã có tình trạng sức khỏe kém, tiên lượng tử vong như BN3153, 3780 (bị ung thư phổi lâu năm), BN3019 (ung thư phổi di căn xương). Do đó, việc điều trị với những trường hợp này là hành trình khó khăn.
Hàng chục bệnh nhân phải thở máy
Trong buổi hội chẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho biết nơi này đang điều trị cho 61 người có triệu chứng, trong đó, 20 ca phải thở oxy, 3 trường hợp thở máy HFNC, một bệnh thân thở máy xâm nhập và lọc máu liên tục.
Trong đó, BN3760, 67 tuổi, trú tại xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành, Bắc Ninh, được hội chẩn lần 3. Trường hợp này bị viêm phổi nặng, suy hô hấp, tiểu đường, suy giáp, suy thượng thận. Hiện tại, bệnh nhân được điều trị an thần, thở máy xâm nhập, cân bằng điện giải, chăm sóc hô hấp, dinh dưỡng, kiểm soát đường huyết, huyết áp; kháng sinh chống nấm.
Tại buổi hội chẩn, ông Lương Ngọc Khuê cho biết sáng nay, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã đề nghị Bệnh viện Bạch Mai xuất cấp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh vay một số vật tư, hóa chất để sử dụng hệ thống ECMO, máy lọc máu liên tục để đảm bảo công tác điều trị.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình cho hay nhiều bệnh nhân khi chưa mắc Covid-19 đã có tình trạng sức khỏe kém, tiên lượng tử vong nên nCoV làm trầm trọng hơn tình trạng của họ. Ảnh: Phạm Thắng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 360 người, trong đó, khoảng 20% bệnh nhân nặng, 37 người phải thở oxy, 87 trường hợp có bệnh lý nền. Đặc biệt, nhiều ca đã được hội chẩn nhiều lần như BN3015, được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do O. Anthropi, tiền sử uống rượu nhiều năm gây xơ gan. Hiện tại, ông bị xuất huyết tiêu hóa, phù não, an thần thở máy, nguy cơ tử vong cao.
BN3153 bị dị dạng cột sống, viêm cột sống dính khớp, chức năng hô hấp kém vàlà một trong những người được hội chẩn nhiều lần. Hiện tại, bệnh nhân thở máy qua ống nội khí quản, lọc máu liên tục.
Trường hợp thai phụ (BN3263) ở Thanh Xuân, Hà Nội, 35 tuổi, có liên quan ổ dịch tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Chị phát hiện dương tính với nCoV hôm 9/5. Hiện tại, hàng ngày, các bác sĩ sản khoa siêu âm, kiểm tra sức khỏe thai nhi. Sức khỏe của chị có nhiều cải thiện hơn so với buổi hội chẩn 18/5.
Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, hai ca xin hội chẩn gồm một bệnh nhân người Hàn Quốc, 67 tuổi, bị tăng huyết áp, béo phì. Ông đang được điều trị an thần, giãn cơ, thở máy xâm nhập.
Trường hợp ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk là BN3836, nam, 50 tuổi. Người đàn ông này nhiễm virus do từng đến Bắc Ninh. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, nhịp thở vẫn còn cao.
Các chuyên gia đề nghị bệnh viện tăng cường dinh dưỡng, cho đặt nội khí quản, đề xuất sớm những trang thiết bị, máy móc còn thiếu để đảm bảo công tác điều trị.
Thứ trưởng Sơn nhận định tình hình bệnh nhân trong đợt dịch này cũng khác ở Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, phần lớn bệnh nhân ở giai đoạn nặng của suy thận mạn hoặc mắc bệnh mạn tính diễn biến đã lâu.
"Tuy nhiên, ở đợt dịch này, biến chủng có nguồn gốc ở Ấn Độ ngoài việc lây lan nhanh, một số trường hợp bệnh nhân trẻ, không có bệnh lý nền nhưng diễn biến nặng, được hỗ trợ thở oxy, thở máy. Có ca bệnh nặng được dùng ECMO", Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ./.