Bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp tới khám tăng cao, bệnh viện quá tải

Hơn một tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) có khoảng 150 bệnh nhi tới khám, trong đó có 30 trẻ phải nhập viện, chủ yếu mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết, trong đó, một số trẻ mắc viêm phổi do Adenovirus.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) cũng ghi nhận số ca bệnh liên quan tới đường hô hấp (viêm mũi họng, phế quản, viêm phổi…) tăng đột biến, tập trung ở nhóm trẻ từ 1-3 tuổi. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng bệnh nhân tới khám tăng rất cao và có hiện tượng quá tải. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ đầu năm tới nay, bệnh viện đã ghi nhận hơn 1.400 ca mắc Adenovirus, trong đó 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội.

Theo BS Vũ Thị Mai - khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, so với cùng kỳ của những năm trước, tỷ lệ bệnh nhi mắc viêm đường hô hấp trong tháng 9 năm nay gia tăng đột biến, chiếm tỷ lệ 2/3 các bệnh lý ở trẻ em. “Số trẻ nhập viện cao như hiện nay đã và đang gây quá tải cho khoa. Khoa Nhi có 6 -7 bác sĩ điều trị, với lượng bệnh nhi hiện tại, mỗi bác sĩ đang đảm nhiệm chăm sóc, điều trị cho khoảng 20 trẻ/ngày; toàn khoa trực 24/24h. Có ca trực đêm, khoa tiếp nhận đến 20 trẻ cấp cứu, trong tình trạng khó thở, khò khè…”.

0151-1-1665049367.jpg

Trước tình hình số lượng ca mắc Adenovirus phải nhập viện tăng cao, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị cho người nhiễm căn bệnh nguy hiểm này. Trong đó, Sở Y tế yêu cầu thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trường hợp phát sinh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh phải tiến hành xử lý quyết liệt. Đặc biệt, tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành Y tế Hà Nội trong công tác điều trị người bệnh nhiễm virus Adeno.

Đặc biệt, tại khoa Nhi có một số trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng phải điều trị tích cực. Nguyên nhân chính là do ở lứa tuổi này sức miễn dịch của trẻ kém, trẻ lại hay nhiễm đồng thời cả virus RSV (virus hợp bào hô hấp) nên diễn biến bệnh thường rất nặng. Thời gian điều trị cho trẻ cũng kéo dài hơn bởi miễn dịch của trẻ năm nay có xu hướng kém hơn mọi năm, và bệnh nặng hơn. Bên cạnh đó, sau khi nhiễm virus Covid-19, trẻ bị tổn thương niêm mạc đường hô hấp, hồi phục chậm dẫn đến tạo cơ hội cho các vi khuẩn, virus khác phát triển khiến tình trạng bệnh của trẻ dễ nặng hơn.

“Chưa kể, trong 2 năm qua, trẻ bê trễ việc tiêm phòng, và dùng vitamin A, thậm chí có trẻ bỏ cả bổ sung vitamin A theo đợt nên sức đề kháng giảm, dễ bị nhiễm virus, viêm đường hô hấp” - BS Mai lý giải.

Cha mẹ không nên tự ý... làm "bác sĩ"

Có rất nhiều cha mẹ đã tự ý dùng kháng sinh cho trẻ khi trẻ bị ốm. Thực tế, có những bệnh không nhất thiết phải dùng kháng sinh. vì vậy cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ có tình trạng bệnh để được tư vấn, dùng thuốc đúng liều, hợp lý và thời gian hợp lý.

Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình không nên tự ý... làm "bác sĩ", không uống thuốc theo đơn cũ. Đặc biệt là người lớn không nên tự ý cho trẻ uống kháng sinh, tự ý mua test về để test cúm khi bị hắt hơi, sổ mũi. Những việc này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe; việc tự test cúm nhiều khi không chính xác, gây lãng phí lại không hiệu quả về điều trị.

Có một thực tế, nhiều người có thói quen tự ý uống kháng sinh để điều trị các triệu chứng thông thường như ho, sốt, ngạt mũi, sổ mũi... Việc lạm dụng thuốc kháng sinh làm gia tăng khả năng kháng thuốc, dẫn đến việc điều trị bệnh khó khăn, kéo dài, tốn kém. Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn có hại trong cơ thể nhưng cũng diệt cả những vi khuẩn có lợi. Mà sự hiện diện của những vi khuẩn có lợi này có thể ức chế sự sinh sản của vi khuẩn, đóng một vai trò khá quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh. Nếu những vi khuẩn có lợi này chết, khả năng phòng thủ của cơ thể sẽ giảm xuống.

Nguy hiểm hơn, kháng sinh nếu không được sử dụng đúng còn có thể ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, các tế bào thần kinh, khiến chúng ta càng dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hơn và có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc...

Với thực trạng bệnh nhi gia tăng như hiện nay, BS Vũ Thị Mai cho hay: Tùy theo diễn biến bệnh nếu trẻ có dấu hiệu suy hô hấp mới cho nhập viện điều trị, còn các trường hợp viêm đường hô hấp chủ yếu chỉ định theo dõi điều trị tại nhà.

Theo đó, với trẻ mắc bệnh lý hô hấp được điều trị tại nhà, cha mẹ cần lưu ý cách vệ sinh mũi, họng cho trẻ - nơi vi khuẩn, virus dễ bám đầu tiên, bằng cách xịt họng hoặc súc miệng. Nếu trẻ đã có triệu chứng nước mũi màu xanh, cha mẹ nên rửa mũi cho trẻ hằng ngày bằng nước muối. “Trường hợp trẻ không có các triệu chứng trên thì không nên rửa mũi cho trẻ, tránh tình trạng bơm rửa mũi nhiều cho trẻ nếu không biết cách sẽ vô tình đẩy các tác nhân sang các xoang bên trong như xoang mũi, vào tai giữa”- bác sĩ Mai khuyến cáo.

Cũng theo BS Mai, để phòng ngừa bệnh lý đường hô hấp trẻ cần được nâng cao thể trạng, sức đề kháng bằng cách đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất. Đồng thời, các bậc cha mẹ hãy chú ý đảm bảo vệ sinh cho trẻ, tránh tụ tập đông người; hướng dẫn trẻ rửa tay, rửa đồ chơi sạch sẽ; tránh để trẻ bị nhiễm lạnh bằng cách không cho trẻ ăn uống đồ quá lạnh; giữ ấm chân, tay và cổ cho trẻ khi thời tiết giao mùa; đảm bảo trẻ nên được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia.

Riêng với trẻ mắc Adenovirus thường kết hợp với triệu chứng viêm kết mạc, ho nhiều, khò khè và đi ngoài, BS Mai khuyến cáo cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu khò khè, thở nhanh thì có thể có biểu hiện viêm phế quản, viêm phổi thì cần đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời./.