Giới chức Nhật quan ngại việc các công ty nước ngoài mua đất gần căn cứ quân sự đang gia tăng.
 
Liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến vậy?
 
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), trong 1 thập kỷ qua, có ít nhất 80 mảnh đất gần các căn cứ quân sự của Nhật được bán cho công ty Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Những giao dịch kiểu này có xu hướng tăng.
 
SCMP dẫn lời một quan chức nội các Nhật Bản cho biết: "Nhật bắt đầu theo dõi sát sao các thoả thuận mua bán kiểu vậy từ 7 năm trước. Nhưng vài năm gần đây, tình hình quay trở về như cũ” .
 
Cũng theo quan chức giấu tên: “Chúng tôi chưa rõ mục đích của bên mua nhưng chắc chắn việc mua bán đất gần những khu vực quân sự nhạy cảm không chỉ là trùng hợp”.
 
Chẳng hạn, cuối năm 2016, một tập đoàn Trung Quốc có ý định mua 2,4 hecta đất (24.000m2) trên đảo Taketomi – một trong những hòn đảo ở xa khu vực phía Nam quần đảo Okinawa, cách đảo Senkaku (mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật và gọi là Điếu Ngư). Ý định này không thành hiện thực vì hội đồng thị trấn đã nhảy vào mua ngay phút chót.
 
Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác, nhiều thương vụ mua bán diễn ra thành công. Một công ty Trung Quốc đã mua được hơn 8 hecta đất, chỉ cách căn cứ không quân Chitose ở Hokkaido của Lực lượng Tự phòng vệ Hàng không của Nhật 3km.
 
Năm 2013, một công ty Hàn Quốc đã mua mảnh đất nằm gần cơ sở vận hành radar của Lực lượng Tự phòng vệ Biển Nhật Bản trên đảo Tsushima. Hòn đảo này nằm cách bờ biển Hàn Quốc khoảng 50km và là địa điểm trọng yếu nên mới được lực lượng phòng vệ Nhật chọn làm căn cứ quan trọng.
 
“Chúng tôi không thể trả lời liệu chính phủ Trung Quốc có đứng sau các thoả thuận này hay không. Thường rất khó theo dõi thương vụ mua bán đầu tư hoặc tìm đường dây kết nối giữa họ với chính phủ vì ở giữa hay có những lớp công ty vỏ bọc để che đậy” – quan chức nói thêm.
 
Khi được hỏi liệu các công ty của Nga có tìm cách mua đất ở những khu vực nhạy cảm hay không, giới chức chính phủ Tokyo từ bối bình luận. Song, theo ông Garren Mulloy, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka, nếu có ý định mua, các công ty của Nga sẽ tập trung vào khu vực phía Nam Hokkaido, giáp với Nga.
 
Có khoảng 5.000 m2 đất gần trạm radar của một lực lượng tự phòng vệ, có nhiệm vụ giám sát căn cứ ngoại ô Tp.Wakkanai, được bán cho một công ty nước ngoài muốn phát triển khu vực này thành khu điện gió. Nhưng sau thời gian dài, đến nay vẫn chưa thấy dự án này được thực thi.
 
Ông Mulloy cho rằng, chắc chắn quân đội Nhật sẽ để ý về vấn đề này. Họ không thích các dự án tua-bin điện gió nằm gần căn cứ quân sự vì chúng có thể tạo điều kiện để can thiệp vào radar tầng thấp – ông nói.
 
Nếu thực sự có một lực lượng hay thế lực nước ngoài đứng sau các thương vụ mua đất gần căn cứ quân sự thì lý do lớn nhất có thể là nhắm đến giám sát tín hiệu tầm gần – ông Mulloy nhận định.
 
Nhật sẽ điều tra khả năng có thế lực ngầm đằng sau các thương vụ mua bán
 
Giáo sư Garren Mulloy, cũng là một chuyên gia quốc phòng cho rằng, không phải vô duyên mà giới chức Nhật lo lắng. “Đối với bất cứ quốc gia nào, khi có công ty nước ngoài mua đất gần các căn cứ quân sự, chính phủ nước đó chắc chắn sẽ lo ngại” – ông nói.
 
Để ngăn chặn rủi ro, nguồn tin của SCMP cho biết, Tokyo đã thành lập một hội đồng chính phủ để giám sát và giải quyết vấn đề. Hội đồng này sẽ đánh giá bản chất các dự án mua đất dựa trên 2 yếu tố đó là: Có hợp pháp hay không và đằng sau người mua có thực thể hay chính phủ khác hay không.
 
Hiện nay, “Nhật đang phác thảo chính sách quản lý cơ bản, dự kiến hoàn thành trong cuối năm nay”. Trong đó có đề xuất kiểm định toàn diện lý do mua đất của các công ty nước ngoài - khía cạnh chưa được coi là yêu cầu đặc biệt”./.