Bé gái bị bỏ rơi ở nghĩa trang

Tranh thủ lúc con ngủ, anh Nguyễn Văn Hà (SN 1993, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) chạy vội đi mua hộp sữa. Con gái anh vẫn đang nằm phòng hồi sức do nhiễm Covid-19.

Nhìn con thiêm thiếp trên giường bệnh, Hà lại nhớ đêm anh vô tình phát hiện bé bị cha mẹ ruột bỏ rơi dưới gốc tre trong nghĩa trang lạnh lẽo. Đó là một đêm tháng 10/2015 mưa phùn mờ mịt, lạnh giá.

Đêm ấy, sau bữa rượu chiều, Hà trở về nhà trong chếnh choáng hơi men. Đi qua nghĩa trang lạnh lẽo, anh nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc ngặt. Hà sợ hãi, nổi gai ốc vì nghĩ mình “bị ma trêu”.

Anh kể: “Có lẽ duyên trời run rủi, sau ít phút sợ hãi, tôi lại quyết định lội mương nước vào nghĩa trang, đi về phía phát ra tiếng khóc. Từ xa, tôi thấy một cái giỏ xách. Tiếng khóc phát ra từ vị trí có cái giỏ ấy”.

“Trời tối lại mưa phùn nên tôi nhìn không rõ. Dù vẫn còn sợ nhưng tôi vẫn đánh liều đến gần để xem. Đến nơi, tôi nhìn thấy một đứa bé, dây rốn còn chưa cắt nằm trong cái giỏ. Thương quá, tôi cởi áo, chùm cho con rồi ôm bé về nhà”, anh nhớ lại.

nhat-duoc-dua-be-o-nghia-trang-chang-trai-bac-ninh-quyet-o-vay-nuoi-con-61428dc50656426aa06365918819e21c-1650083253.jpg
Sau 7 năm nuôi dưỡng, anh Hà yêu thương, chăm lo cho bé Hoa như con ruột của mình.

Đến nhà, Hà thông báo sự việc cho cơ quan chức năng. Sau đó, đứa bé được cắt dây rốn và chăm sóc tại nhà của anh. Giữa đêm, khát sữa, bé khóc không dứt. Đêm hôm, mưa gió, mọi hàng quán hầu như đã đóng cửa, Hà chỉ mua được cho bé một hộp sữa thường.

Vậy mà khi có sữa, bé nín khóc rồi thiêm thiếp ngủ. Thấy Hà có duyên với đứa bé, cơ quan chức năng đề nghị anh tạm thời nhận nuôi dưỡng. Hà đồng ý bởi anh cũng từng bị cha mẹ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng.

Hà tâm sự: “Khi tôi đem bé về, trong giỏ xách có một mảnh giấy nhỏ. Trong giấy chỉ có một chữ Vy. Tôi không biết đó là tên bé hay tên mẹ của bé. Thế nên tôi lấy từ ấy làm họ và đặt tên cho bé là Vy Thị Hoa”.

Ngày nhận nuôi đứa bé không cùng máu mủ, Hà nhận về vô số lời đàm tiếu. Người đời ném về phía anh những ánh mắt dò xét, nghi hoặc. Họ không thể hiểu vì sao “trai chưa vợ mà nhận nuôi con người khác”.

Nhiều người còn cho rằng anh che giấu mục đích xấu đằng sau việc nhận nuôi đứa trẻ sơ sinh vừa bị cha mẹ vứt bỏ. Thế nhưng Hà bỏ mặc tất cả, quyết nhận nuôi và xem đứa bé sớm chịu thiệt thòi như con ruột của mình.

“Có lẽ là duyên số trời định nên chúng tôi mới gặp nhau. Tôi sinh ra cũng bị cha mẹ bỏ rơi và được một người nhặt về nuôi. Năm tôi 12 tuổi, người ấy qua đời, tôi lại “mồ côi” thêm lần nữa. Thế nên khi gặp bé, tôi đồng cảm và thấy rằng mình có duyên nợ với bé nên sẽ nhận nuôi cháu như con ruột của mình”, Hà chia sẻ.

Sẽ trả con nếu cha mẹ ruột bé quay về

Bất ngờ trở thành “bố đơn thân”, Hà vấp phải vô vàn khó khăn. Anh học cách làm bố, làm mẹ trên mạng internet. Anh cũng học cách pha sữa, cho con bú bình, tắm gội, đút bột, thay tã và dỗ con nín khóc…

Thế nhưng, đó chỉ mới là những khó khăn ban đầu.

Có con nhỏ, Hà không thể làm việc như lúc sống một mình. Giữa lúc cần tiền để nuôi con, anh bị nơi làm việc thanh lý hợp đồng vì không đảm bảo tiến độ công việc.

Mất việc, Hà tạm thời đi mua bán ve chai. Con lớn hơn một chút, anh xin được việc ở một khu công nghiệp gần nhà. Ngoài giờ làm việc tại khu công nghiệp, anh chạy xe ôm, đi bốc vác để kiếm thêm thu nhập…

Năm 2018, anh làm thủ tục để bé Hoa nhập vào hộ khẩu của mình và lo cho bé ăn học, không thua sút bạn bè. Để có thể nuôi con, cho con ăn học, Hà làm ngày làm đêm. Những ngày công ty có nhiều hàng, anh xin được tăng ca để có thêm tiền “nuôi heo đất cho con”.

nhat-duoc-dua-be-o-nghia-trang-chang-trai-bac-ninh-quyet-o-vay-nuoi-con-879bf8198f174dddb7cf22261c1b9a52-1650083305.jpg
Dưới sự nuôi dạy của anh Hà, bé Hoa lớn lên rất ngoan và học giỏi. 

Anh dự định, đến khi Hoa lớn lên, lấy chồng, anh sẽ đập số heo đất này làm của hồi môn cho con. Khó khăn, vất vả là thế nhưng chưa bao giờ anh mắng chửi hay có ý định từ bỏ đứa bé.

Thay vào đó, tình phụ tử giữa anh và bé Hoa lớn lên theo năm tháng. Được bên con là những giây phút Hà cảm thấy hạnh phúc nhất.

Anh chia sẻ: “Bé Hoa nay đã 7 tuổi và đi học rồi. Hiện tại, cháu vẫn được hưởng chính sách hộ nghèo và bảo hiểm. Cháu chỉ phải đóng 30% tiền học phí. Sách vở, cháu cũng được mạnh thường quân gửi tặng. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, chính quyền địa phương cũng đến thăm hỏi, tặng quà, động viên cháu”.

“Tôi thương bé như con ruột nên khổ mấy cũng chịu được. Chỉ có điều, tôi cảm thấy chạnh lòng khi cháu hỏi: "Mẹ con đâu bố?". Bây giờ, bé còn nhỏ quá, tôi chưa dám nói hết sự thật. Thế nên mỗi khi bé hỏi, tôi đành nói dối là mẹ mất rồi”, anh nói thêm.

Đó là câu nói dối đau đớn. Bởi thực lòng, anh vẫn mong cha mẹ ruột của con mình quay về, nhận lại con. Anh vẫn tin rằng không ai nỡ bỏ rơi con mình và nếu có thì “người ta hẳn phải gặp nỗi đau hay hoàn cảnh éo le nào đó”.

“Dù rất thương con nhưng nếu một ngày, cha mẹ ruột của con quay về, xin lại tôi sẵn lòng làm giấy tờ trao lại bé cho họ. Tuy nhiên, họ phải cho tôi thấy rằng, họ yêu thương bé như tôi đã từng”, anh Hà nói.

Anh Nguyễn Văn Hữu, Trưởng thôn Bất Lự, xã Hoàn Liên Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh xác nhận việc anh Nguyễn Văn Hà phát hiện và nhận nuôi bé gái bị bỏ rơi ở nghĩa trang từ khi bé mới lọt lòng.

“Tại địa phương, anh Hà được nhận định là người tốt bụng, sống chan hòa với mọi người. Hoàn cảnh anh Hà cũng khó khăn nhưng anh luôn cố gắng lao động chăm chỉ để nuôi sống bản thân, chăm lo tốt nhất cho bé gái mình nhận nuôi”, anh Hữu chia sẻ thêm./.