Nhật Bản ưu tiên phân bổ vaccine Astra Zeneca cho 6 địa phương đang trong tình trạng khẩn cấp do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, nhiều nước tính đến việc tiêm mũi vaccine tăng cường để chống chọi với dịch bệnh.

Ưu tiêm điểm nóng

Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh và sự thiếu hụt của nguồn cung vaccine ngừa Covid-19, chính phủ Nhật Bản hôm 3/8 cho biết sẽ ưu tiên phân bổ vaccine AstraZeneca cho các địa phương đang trong tình trạng khẩn cấp về Covid-19.

Nhật Bản ưu tiên AstraZeneca cho 6 địa phương, nhiều nước xem xét tiêm Covid-19 mũi 3
Nhật Bản tiêm chủng Covid-19. Ảnh: Reuters.

Thông tin trước báo giới, Bộ trưởng phụ trách tiêm chủng của Nhật Bản ông Taro Kono cho biết: “Vì nguồn cung trong tháng 8 và tháng 9 tương đối hạn chế, nên vaccine AstraZeneca sẽ được ưu tiên phân bổ cho sáu địa phương đang ban bố tình trạng khẩn cấp”.

Theo ông, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sẽ cung cấp tổng cộng gần 2 triệu liều trên toàn quốc với ưu tiên cho các địa phương như Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Osaka và Okinawa. Vaccine sẽ bắt đầu được chuyển giao từ ngày 16/8, việc sử dụng vaccine AstraZeneca sẽ do chính quyền địa phương quyết định. Đồng thời kỳ vọng, loại vaccine này sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm kiềm chế lại khả năng lây lan nhanh của các chủng đột biến.

Về nguyên tắc, vaccine AstraZeneca sẽ dành cho người trên 40 tuổi, những người dị ứng với vaccine của hãng Pfizer và Modena, hoặc những người trở về Nhật Bản khi đã tiêm mũi 1 vaccine loại này ở nước ngoài.

Mặc dù đã phê duyệt vaccine của 3 hãng Pfizer, Modena và AstraZeneca nhưng hiện tại chỉ có Pfizer, Modena được đưa vào sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản. Do vậy, nếu thực hiện theo đúng kế hoạch thì đây sẽ là những mũi tiêm AstraZeneca đầu tiên được thực hiện tại Nhật Bản. Tính đến hết ngày 2/8, Nhật Bản đã có gần 52 triệu người tương đương hơn 40% dân số đã được tiêm mũi 1 vaccine Covid-19. Trong khi số người được tiêm đầy đủ 2 mũi là gần 38 triệu người chiếm gần 30% dân số.

Cân nhắc mũi vaccine thứ 3

Nhằm đối phó với biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, ngày càng có nhiều nước trong đó có Israel, Đức, Anh, Pháp hay Mỹ tính đến chuyện tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 3 ngừa Covid-19 cho những đối tượng dễ bị thương nhất. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho rằng đây không phải là ưu tiên hàng đầu lúc này, nhất là trong bối cảnh vaccine ngừa Covid-19 vẫn chưa được bao phủ toàn cầu, thậm chí tại nhiều nước người dân chưa được tiếp cận với mũi tiêm đầu tiên.

Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 3 cho những người trên 60 tuổi để tăng khả năng đề kháng đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao bệnh trở nặng và tử vong này. Đây là một trong những biện pháp được Chính phủ Israel đưa ra nhằm đối phó với làn sóng dịch mới do biến thể Delta gây ra ở quốc gia Trung Đông từng được đánh giá “đã viết nên câu chuyện thành công trong cuộc chiến chống Covid-19”.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett nhấn mạnh: “Biến thể Delta đang gia tăng mạnh mẽ trên toàn thế giới và đặc biệt nhằm vào những người cao tuổi, vốn chiếm tới 9 trên 10 bệnh nhân bị bệnh nặng. Mũi vaccine thứ 3 sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể và tăng cơ hội cứu sống những người bệnh nặng.”

Sau Israel, nhiều nước như Đức, Thụy Điển, Anh, Pháp hay Mỹ cũng đang cân nhắc việc tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường thứ 3. Lý do xuất phát từ thực tế rằng, “các biến thể mới đáng lưu tâm”, đặc biệt hiện nay là biến thể Delta đã và đang trên đà trở thành chủng trội toàn cầu. Trong những trường hợp như vậy, một số người có khả năng miễn dịch yếu hoặc suy giảm miễn dịch có thể không được bảo vệ đầy đủ bằng liều vaccine Covid-19 hiện có hoặc có thể không có kháng thể lâu dài. Sự sẵn có của các mũi tiêm tăng cường sẽ đặc biệt hữu ích khi giúp tăng mức độ bảo vệ được cung cấp. Nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu, những người phải đối mặt với tỷ lệ phơi nhiễm cao và nguy hiểm từ đại dịch cũng có thể đạt được lợi ích từ các mũi tiêm nhắc lại.

Hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNtech hồi tháng trước đã thông báo ý định yêu cầu các cơ quan y tế Mỹ và châu Âu cấp phép cho mũi vaccine tăng cường. Hai hãng này đồng thời công bố các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy kết quả đáng khích lệ về hiệu quả bảo vệ cao hơn từ năm đến 10 lần sau liều vaccine thứ 3.

Tuy nhiên đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi, trong bối cảnh vaccine ngừa Covid-19 vẫn chưa được bao phủ toàn cầu, thậm chí tại nhiều nước người dân chưa được tiếp cận với mũi tiêm đầu tiên. Theo chuyên gia dịch tễ học Catherine Hille, đây thực sự không phải là ưu tiên. Bởi vẫn còn một phần lớn dân số không được tiêm chủng trong khi thế giới đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là ở Tây Ấn. Ưu tiên thực sự là cải thiện tỷ lệ bao phủ tiêm chủng trong dân số.

Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan Dược phẩm châu Âu và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu đồng quan điểm rằng, dù hiệu quả ít nhiều bị giảm, song hầu hết các loại vaccine được cấp phép hiện nay đều cung cấp sự bảo vệ cần thiết. Điều quan trọng là đảm bảo những người đủ điều kiện đều nhận được đủ mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 và mọi người đều tuân theo, cũng như tôn trọng các quy định về phòng dịch. Khi cả hai yếu tố này được đảm bảo, thì chúng ta mới có thể giảm bớt được gánh nặng về Covid-19 cho các chính phủ./.