Khi dịch bùng phát khốc liệt, ai ai cũng lo mạng sống cho mình, cho người thân trong gia đình mình nhưng họ - Nhân viên y tế đã không ngại khó khăn lao vào tâm dịch.
Họ làm việc ngày đêm không có thời gian nghỉ, thậm chí có rất nhiều người đã ngất lên ngất xuống. Nhưng tất thảy họ vẫn đứng dậy, cùng chúng ta vượt qua đại dịch.
Tôi chắc chắn rằng, họ “đánh đổi” những điều trên không phải chỉ để trông chờ vào mấy đồng phụ cấp. Mà nên nhớ rằng đây là số tiền ít ỏi mà Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết 16 để động viên, chia sẻ kịp thời với họ.
Ý nghĩa KỊP THỜI là vậy nhưng khi dịch được kiểm soát gần 1 năm nay thì số tiền phụ cấp phòng chống dịch phần lớn nhân viên y tế vẫn chưa được nhận.
Báo chí lên tiếng, nhân viên y tế có ý kiến, tôi ngỡ như họ đang phải “ngả tay” để xin. Họ “xin” đúng số tiền mà đương nhiên họ được nhận. Tại sao vậy?
Đừng để, đừng biến chủ trương đúng đắn của Chính phủ thành điều ngược lại, động viên chẳng thấy đâu mà cảm thấy “miếng ăn là miếng nhục”. Hỗ trợ người là lúc người ta cần chứ không phải để đến lúc người ta “kêu rát họng” rồi mới cho!
Trả lời báo chí, ông Lê Duy Sỹ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP Vinh thông tin hiện đã chi trả được 1,4 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho nhân viên y tế, còn khoảng hơn 12 tỷ đồng chưa được chi trả.
Đại diện Phòng Tài chính UBND TP Vinh thì giải thích, số tiền còn lại do kinh phí phòng, chống dịch quá lớn, trong khi đó ngân sách địa phương hạn hẹp nên chưa thể chi trả sớm cho các nhân viên y tế.
Nực cười, xin nhắc lại khi mà đại dịch lên cực điểm, “người về đất vô kể” thì có ai nghe nhân viên y tế than thở không? Trong khi họ có quyền từ chối: gia đình em neo đơn; nhà em có mẹ già, chồng em đang công tác ở đảo xa, em bị bệnh hiểm nghèo hay nhà em kinh tế quá khó khăn… để từ chối ra “tiền tuyến” hay không?
Cần một sự chia sẻ, giải quyết kịp thời có tâm từ Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú!