"Chủ tịch Hội đồng bệnh viện nói 'hôm nay là ngày mệt mỏi, quá nhiều người nghỉ việc, rất đau lòng’", anh V. kể lại thời điểm được gọi lên nhận quyết định nghỉ việc.
 
Bị cho nghỉ việc khi vừa hết thời gian nghỉ sinh
 
Sáng 16/4, chia sẻ với PV, chị P., một trong hơn 100 nhân viên bị buộc cho thôi việc do tinh gọn, giải thể một số đơn vị dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chị bị buộc cho thôi việc ngay sau khi chuẩn bị hết thời gian nghỉ sinh con thứ 2, vào tháng 6/2020.
 
Theo chị P., chị làm việc tại đơn vị dịch vụ của bệnh viện từ năm 2005 (đến lúc nghỉ được 15 năm), hợp đồng chính thức thời hạn 1 năm, ký lại hàng năm, được đóng bảo hiểm xã hội và trong suốt thời gian làm không có bất cứ điều tiếng gì.
 
Đến đầu năm 2020, chị sinh con và nghỉ sinh 6 tháng. Bất ngờ vào khoảng giữa tháng 6/2020, khi chuẩn bị hết thời gian nghỉ sinh (30/6/2020), chị được cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ của Bệnh viện gọi điện thông báo đã hoàn tất bảo hiểm và mời lên lấy.
 
"Trước khi lên tôi cũng chưa biết cụ thể thế nào, nhưng đến nơi mới được thông báo trả bảo hiểm, chấm dứt hợp đồng lao động và nhiều anh em làm cùng cũng bị cho nghỉ.
 
Thực sự tôi rất bức xúc khi suốt mười mấy năm làm việc đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vậy mà vừa nghỉ sinh xong lại bị bệnh viện cho nghỉ việc. Khi tôi hỏi lý do, phía Phòng Tổ chức cán bộ cũng không nói năng gì", chị P. kể.
 
Chị P. thông tin, trước khi được nghỉ chị chỉ nhận được gần 9 triệu đồng tiền hỗ trợ Covid-19 và không có thêm một tháng lương như nhiều người bị cho khác.
 
"Tôi có hỏi phía cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ thì nói tôi nghỉ sinh như thế và đã nhận được tiền hỗ trợ Covid-19 nên không được nhận thêm một tháng lương như những người khác. Phía BV cũng không hề nói gì đến việc sau này nếu có việc, có nhu cầu sẽ nhận lại tôi hay không", chị P. nói.
 
 
Nhân viên, bác sĩ BV Bạch Mai trong một buổi làm việc.
 
Người phụ nữ này cho biết thêm, từ khi bị nghỉ việc đến nay, chị vẫn ở nhà chăm con nhỏ và chưa thể xin được việc mới. Nguồn thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào tiền lương hàng tháng vài triệu đồng của chồng.
 
Anh Đ., cùng đơn vị dịch vụ với chị P. cũng cho biết, từ khi bị cho nghỉ việc tháng 5/2020 đến nay, do tuổi tác nên anh chưa thể xin được việc mới và vẫn đi làm thuê theo cách "ai thuê gì làm nấy". Thu nhập của gia đình cũng rất bấp bênh.
 
"Khị bị bệnh viện buộc nghỉ việc sau mười mấy năm làm không có điều tiếng gì, anh em trong đơn vị dịch vụ cũng buồn, tâm tư nhưng chẳng biết nói với ai, bởi lãnh đạo họ quyết thế rồi. Phía bệnh viện ngoài hỗ trợ 1 tháng lương thì cũng chẳng có hứa hẹn, trao đổi gì thêm", anh Đ. nói.
 
"Mình có đến 16 năm làm việc ở đây rồi, nhưng đến nơi mới biết, gần như tất cả đều bị nghỉ"
 
Còn anh V., một trong hơn 100 nhân viên buộc phải cho thôi việc do tinh gọn, giải thể một số đơn vị dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khi còn làm ở bệnh viện, thu nhập của anh trung bình 8-9 triệu đồng/tháng.
 
Tuy nhiên, từ khi bị cho nghỉ việc từ tháng 5/2020 đến nay, anh không xin được việc làm mới và nguồn thu cả nhà trông chờ vào mối bán hoa quả cho khách quen của vợ, đồng thời anh trở thành shipper.
 
"Trước hàng tháng còn có một khoản thu nhập cứng để lo học hành cho con, lo trả tiền nhà thuê nhưng giờ làm shipper thì thu nhập bấp bênh như đi câu vậy, hôm nhiều đơn hàng còn đỡ, hôm không có thì đành ngồi nhà chơi", vợ anh V. chia sẻ.
 
Theo anh V., anh làm việc tại bệnh viện từ những ngày đầu có đơn vị dịch vụ, hợp đồng chính thức thời hạn 1 năm, ký lại hàng năm, từng được nhận bằng khen lao động xuất sắc của giám đốc cũ.
 
Bất ngờ, vào cuối tháng 4/2020, Chủ tịch Hội đồng bệnh viện thông báo cho anh và nhiều nhân viên khác lên nhận quyết định nghỉ việc, yêu cầu mặc đồng phục đầy đủ.
 
"Lúc đi tôi vẫn tràn đầy hy vọng vì mình có đến 16 năm làm việc ở đây rồi, nhưng đến nơi mới biết, gần như tất cả đều bị nghỉ. Chủ tịch Hội đồng bệnh viện nói ‘Hôm nay là ngày mệt mỏi, quá nhiều người nghỉ việc, rất đau lòng’", anh V. kể lại.
 
Tổng cộng có 113 nhân viên như anh V. bị buộc chấm dứt hợp đồng từ ngày 1/5/2020, cách thời điểm thông báo đúng 5 ngày. Bệnh viện hỗ trợ thêm một tháng lương là hơn 3 triệu đồng.
 
"Trong khi rất nhiều người làm việc lâu năm bị cho nghỉ thì nhiều trường hợp mới làm việc 1-2 năm lại được giữ lại. Khi thông báo nghỉ là nghỉ luôn, bệnh viện cũng chưa từng hỏi nguyện vọng của anh em thế nào", anh V. nói.
 
Theo anh V., sau khi bị cho nghỉ việc đồng loạt, nhiều anh em có làm đơn kiến nghị, tuy nhiên, phía bệnh viện phản hồi phải giải thể đơn vị dịch vụ nên không cần người nữa.
 
Hiện cả nhóm của anh V. vẫn giữ liên lạc với nhau và hầu như chưa ai tìm được công việc mới, thậm chí có người bị trầm cảm.
 
"Khi bệnh viện bị phong tỏa vì dịch Covid-19, anh em trong đơn vị dịch vụ không ngại nguy hiểm, lây bệnh, sẵn sàng lăn xả, thậm chí bệnh viện chưa yêu cầu nhưng nhiều người đã chuẩn bị ba-lô, đồ đạc để vào viện chống dịch cùng mọi người. 
 
Những tưởng mình gắn bó, yêu bệnh viện như vậy thì sẽ được tạo điều kiện. Thế nhưng, dịch vừa chống xong cũng là lúc gần hết mọi người cùng nhận quyết định nghỉ việc sau bao năm gắn bó. Thực sự buồn và sốc", anh V. chua xót nói.
 
Cũng chia sẻ với PV, anh L. (một dược sĩ bị Bệnh viện Bạch Mai cho nghỉ việc vào năm 2020) cho hay, lý do anh cùng nhiều đồng nghiệp nghỉ việc bởi bệnh viện khó khăn từ ảnh hưởng dịch Covid-19 và cắt giảm từ 10 nhà thuốc xuống còn 5 nhà thuốc.
 
Anh L. nói, thời điểm anh làm việc tại nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai, thu nhập hàng tháng được khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi bị cho nghỉ đến nay, anh vẫn chưa xin được việc mới nên thu nhập chủ yếu dựa vào gia đình.
 
Theo anh L., thời điểm anh nghỉ việc đã có hơn 1 năm gắn bó với bệnh viện và trước đó, đơn vị đã họp với công đoàn, trao đổi, đưa ra giải pháp sau khi giảm nhà thuốc, bệnh viện khó khăn nhưng không được Giám đốc mới chấp nhận.
 
"Việc tinh giản nhân lực sau khi Giám đốc mới về, chúng tôi biết khá sớm, nhưng lúc bị nghỉ mọi người vẫn tiếc nuối và có nhiều điều cũng bức xúc. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là những nhân viên bình thường, nhỏ nhoi, không biết ý kiến với ai nên đành chấp nhận nghỉ việc", anh L. bày tỏ./.