Thông tin từ Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngày 26/11/2021, anh Đ.C.T. (trú tại huyện Đại Từ) đến Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Thái Nguyên) trình báo về việc bị một đối tượng giả danh trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp gọi điện cho anh thông báo về việc nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Sau đó, đối tượng gửi một tin nhắn vào điện thoại di động anh T. với nội dung: “Bạn đã đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp”, kèm một đường link, yêu cầu anh T. truy cập và khai báo tài khoản ngân hàng qua đường link do đối tượng cung cấp.

tro-cap01-19443651-1638245349-1638246084.jpg
Một bị hại trong một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trình báo sự việc với cơ quan công an (Ảnh: CA).

Khi anh T. nhấn vào đường link trên điện thoại di động thì xuất hiện website giả mạo Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV). Tiếp đó, khi anh T. điền thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu ngân hàng và nhấn đăng nhập để website này kiểm tra thông tin ngân hàng của anh T. rồi tiếp tục yêu cầu anh gửi mã OTP.

Tuy nhiên, ngay khi anh T. gửi mã OTP theo hướng dẫn, chỉ chưa đầy 2 phút sau số tiền gần 2 tỷ đồng của anh có trong tài khoản ngân hàng đã bị rút toàn bộ.

Trước đó, xuất phát từ nhu cầu kiếm tiền online, khoảng cuối tháng 8/2021, chị N.T.H. (trú tại TP. Thái Nguyên) vào mạng xã hội Facebook để tìm các trang tìm kiếm việc làm. Sau đó, chị nhận được một đường link gửi vào Zalo với nội dung tham gia vào ứng dụng kiếm tiền online trên sàn CoiNex.

Tiếp đến, chị H. được một số đối tượng hướng dẫn cách thức cài ứng dụng trên điện thoại di động, đăng ký tài khoản, hướng dẫn nạp tiền và tham gia các gói nhiệm vụ của ứng dụng, với cam kết 100% hoàn thành nhiệm vụ và nhận phần thường. Ban đầu, với số tiền tham gia ít, khi hoàn thành các nhiệm vụ, chị nhận được tiền gốc và tiền thưởng theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, khi chị nạp số tiền từ 5 triệu đồng trở lên để tiếp tục tham gia, lúc này ứng dụng liên tục báo lỗi, yêu cầu chị nạp thêm một số khoản tiền khác để nhận tiền gốc và tiền thưởng trước đó, song càng nộp thêm tiền, chị càng bị chiếm đoạt số tiền lớn hơn. Tổng cộng, chị H. bị các đối tượng lừa mất gần 1 tỷ đồng.

tro-cap02-19454996-1638245377-1638246118.jpg
Tin nhắn mạo danh BHXH gửi kèm các đường link lừa đảo trên sẽ hiển thị giao diện giao dịch giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng người dân đang sử dụng để chiếm dụng tiền trong tài khoản của người dân.

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Thái Nguyên), từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 10 vụ, 10 bị hại đến trình báo về việc bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 8 tỷ đồng.

Thượng tá Vương Phạm Hoà- Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Thái Nguyên) cho biết, khi thực hiện các giao dịch tài chính ngân hàng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, người dân hết sức thận trọng, tỉnh táo và cảnh giác.

Đặc biệt, người dân không nên truy cập vào đường link, trang web độc hại do các đối tượng cung cấp. Khi cơ quan công an, cơ quan nhà nước có yêu cầu làm việc với người dân thì sẽ gặp trực tiếp, không liên hệ bằng cách gọi hay nhắn tin qua mạng xã hội, mạng viễn thông.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn ngày càng biến tướng của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao, đồng thời tích cực tố giác tội phạm tới cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng có hành vi phạm tội để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn./.