Ngày 28/7, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức chống độc - Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, hiện đang bắt đầu bước vào mùa của bệnh tay chân miệng ở trẻ em.
Tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn lơ là, nhầm lẫn những dấu hiệu bệnh tay chân miệng với những bệnh khác ở trẻ dẫn đến tình trạng biến chứng nặng.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 28/7, toàn tỉnh ghi nhận gần 800 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó thành phố Biên Hòa là địa phương có số ca mắc cao nhất với gần 300 ca. Trong tuần vừa qua, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng cao, tăng 40 trường hợp nhập viện điều trị so với tuần trước.
Tại khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, có khoảng gần 20 trẻ đang điều trị nội trú, chủ yếu là những trẻ dưới 3 tuổi. Các trẻ nhập viện với các triệu chứng biến chứng của bệnh tay chân miệng như sốt cao lâu ngày không khỏi, nổi mụn nước ở trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng lưng, mông... Do trẻ có biểu hiện sốt nên nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn với một số bệnh khác, đến khi bệnh tình trở nặng mới phát hiện và đưa vào nhập viện điều trị.
Chị Nguyễn Thị T, ngụ tại phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, con gái gần 2 tuổi bị mắc bệnh tay chân miệng mà gia đình không biết. Sau khi đưa bé đi tiêm ngừa vắc xin về bé bắt đầu có biểu hiện sốt cao trên 39 độ, gia đình nghĩ do ảnh hưởng của việc tiêm ngừa nên bé có sốt, do đó chỉ cho bé uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, bé sốt cao liên tục, sau 4 ngày không khỏi nên gia đình đưa bé đi khám và các bác sĩ cho biết bé bị mắc bệnh tay chân miệng.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, nhiều phụ huynh có con nhỏ trong thời kỳ mọc răng cũng thường nhầm bệnh tay chân miệng với những dấu hiệu của trẻ mọc răng như sốt cao, chảy dãi nhiều, nên không để ý, đến khi bé có những biến chứng nặng rồi mới đưa vào bệnh viện điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, những dấu hiệu để nhận biết trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng là: Trẻ bị nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân...; Trẻ bị loét miệng dẫn đến biếng ăn, không chịu ăn, không chịu bú, chảy nước miếng; Trẻ có biểu hiện sốt, sốt cao liên tục không khỏi. Do đó, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý đến trẻ, phát hiện sớm những triệu chứng bệnh ban đầu để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh lâu ngày, biến chứng nặng rất khó điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cảnh báo, để phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ, các bậc phụ huynh phải đảm bảo vệ sinh, ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh sạch sẽ trong nhà và ngoài môi trường. Đặc biệt, bệnh tay chân miệng, chủ yếu vi-rút thâm nhập từ những vật dụng bên ngoài như đồ chơi của trẻ, em bé thường xuyên đụng vào sau đó đưa tay lên miệng. Bên cạnh đó em bé ăn phải những thức ăn không được chế biến chín, đây là nguồn lây bệnh tay chân miệng cho trẻ qua đường tiêu hóa.
Chính vì vậy, để phòng ngừa được bệnh tay chân miệng, các bậc phụ huynh phải tập cho em bé rửa tay thường xuyên, tăng cường vệ sinh những vật dụng xung quanh em bé để đảm bảo ngăn chặn các nguồn lây bệnh cho trẻ.