“Những tác phẩm của đồng chí Sơn Tùng có ý nghĩa hết sức sâu sắc, được Hội Nhà văn và đặc biệt là được độc giả hoan nghênh. Có những tác phẩm được xuất bản nhiều lần, 19 - 20 lần với số lượng lớn. Điều đó nói lên sự mến mộ, tin yêu của độc giả...”, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu tại buổi lễ trao danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng vào dịp cuối năm 2011.
Trong suốt cuộc đời mình, nhà văn Sơn Tùng (sinh 1928, tại Diễn Châu, Nghệ An) đã xuất bản 28 tác phẩm tập trung vào 2 đề tài chính, chiến tranh và các danh nhân cách mạng. Riêng đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh có 16 tác phẩm, bao gồm: Tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, ký, kịch bản phim, truyện tranh.
Theo dấu chân Người
Những tác phẩm giá trị viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Nhớ nguồn” (tập truyện, 1974), “Kỷ niệm tháng năm” (truyện, 1976), “Búp sen xanh” (tiểu thuyết, 1982, tái bản nhiều lần), “Bông sen vàng” (tiểu thuyết, 1990); “Trái tim - quả đất” (tiểu thuyết, 1990); “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (kịch bản phim, 1990); “Từ làng Sen” (truyện tranh, 1990); “Hoa dâm bụt” (tập truyện, 1999); “Bác về” (truyện ký, 1990); “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh” (2004); “Bác ở nơi đây” (ký, 2005), “Nguyễn Ái Quốc trong ký ức bà mẹ Nga” (tập truyện, 2007); “Chung một tình thương Bác” (tập truyện ngắn, 2008).
Ông Bùi Sơn Định, con trai nhà văn tặng sách do nhà văn viết cho bạn đọc là GS.TS Nguyễn Trung Việt (Đại học Thủy Lợi). Ảnh An Thanh
Để có được khối lượng đồ sộ các trang viết như thế, nhà báo, nhà văn xứ Nghệ Bùi Sơn Tùng đã tìm đến gần hết những người thân, từng sống và làm việc bên Bác để đối chiếu, lấy tư liệu. Nhà văn Sơn Tùng đã lặn lội tìm về hầu hết các địa danh mà Bác Hồ đã từng sinh sống, trực tiếp gặp gỡ, ghi chép lại các tư liệu quý này.
Trong hành trình làm báo (báo Nông Nghiệp, báo Tiền Phong) và đi chiến trường ông bị thương nặng trong 1 trận càn ở chiến trường Tây Nam Bộ (ngày 15/4/1971) bị liệt tay phải, vỡ vai trái, mắt phải còn thị lực 1/10, mất 81% sức khỏe. Ông được ra Bắc điều trị, ban đầu Trung ương định đưa ông sang Đông Đức điều trị nhưng ông lại chọn Trung Quốc. Các bác sĩ Trung quốc yêu cầu phải nằm điều trị dài hạn 2 đến 3 năm nhưng chỉ 3 tháng ông đã đòi về Việt Nam và tiếp tục hành trình viết văn, viết báo.
Ngày 26/6/2010 nhà văn Sơn Tùng bị tai biến não, cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, tháng sau phải chuyển sang Bệnh viện Đông Y T.Ư. Thầy và thuốc, Đông và Tây y kết hợp chỉ cứu được ông qua cơn hiểm nghèo, không thể cứu nổi nhà văn Sơn Tùng trở về với Chiếu Văn trong ngõ Văn Chương. Vết thương sọ não tái phát làm chảy máu não, khiến ông liệt toàn thân không thể tiếp tục sáng tác được nữa. Bạn bè, người thân và đồng hương xứ Nghệ khi biết tin đều luyến tiếc cho một nhà văn, nhà “Hồ Chí Minh học” hiếm hoi về đề tài Bác Hồ.
Ngày 14/7/2011, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 1083/QĐ-CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tự hào: “Nhà văn Sơn Tùng đã trở thành nhà văn Việt Nam đầu tiên được nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động”. Đến thời điểm này, ông là nhà văn duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này khi còn sống.
Tại Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu: “Những tác phẩm của ông chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Đặc biệt, tác phẩm "Búp sen xanh" được tái bản đến thời điểm này đã hơn 20 lần tái bản với 60 vạn cuốn đã nói lên thành công vang dội của Sơn Tùng đối với công chúng yêu văn học”.
''Tại Chiếu Văn chật hẹp này, chồng tôi và các bạn văn đã đàm đạo văn chương suốt mấy chục năm qua...'' - bà Mai chia sẻ.
Làm theo tâm nguyện của cha
Tâm nguyện là viết thêm một cuốn tiểu thuyết về Bác của nhà văn Sơn Tùng đã không thể nào còn thực hiện được nữa. Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Hồng Mai (vợ- sinh 1940) và anh Bùi Sơn Định (1955) - con trai nhà văn chia sẻ: “Sau biến cố xảy ra với nhà văn Sơn Tùng, gia đình có nguyện vọng bằng mọi cách để tập hợp và xuất bản tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh mà ông đã dày công sưu tầm suốt 50 năm qua”. Thậm chí, khi trả lời phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bà Phan Hồng Mai còn khẳng định: “Tôi và các con xác định, nếu khó khăn quá, gia đình sẽ tạm lấy số tiền dành dụm lo cho việc hậu sự của ông để in sách rồi tính sau”.
Với quyết tâm như vậy, người con trai thứ Bùi Sơn Định, ngoài thời gian chăm sóc cha đã ngồi đúng căn phòng nhà văn Sơn Tùng từng ngồi viết mấy chục năm qua để sưu tầm và tuyển chọn “Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh” do cha mình sáng tác. Ông nói: “Tôi không phải là nhà văn, nhưng mấy chục năm qua đã hầu trà các đồng nghiệp của cha tôi tại Chiếu Văn này, tôi đã thấu hiểu những về cách nghĩ, cách viết của cha tôi nên việc biên soạn lại không gặp nhiều khó khăn”.
Đã mấy năm nay, ngày ngày ngoài giờ chăm sóc cha, ông Bùi Sơn Định ngồi trước hàng đống sách, bản thảo, tư liệu ghi chép của người cha thân yêu sưu tầm để bắt đầu công việc của một biên tập viên. Những điều còn băn khoăn, ông phải tra cứu, điện hỏi nhưng người liên quan, nhiều khi phải chờ đến 2 giờ khuya, thời điểm duy nhất trong ngày nhà văn Sơn Tùng có thể hồi tỉnh để xác minh.
Sự làm việc nghiêm túc, đầy nhiệt huyết của “biên tập viên” Bùi Sơn Định đã đến tai nhà báo Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong một lần đến thăm nhà văn Sơn Tùng, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ đã cảm kích và nhiệt tình chắp nối cho ý nguyện của nhà văn và gia đình sớm thành hiện thực.
Ngay sau đó, TS. Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học đã trực tiếp đến thăm nhà văn Sơn Tùng và bàn bạc cùng với gia đình việc xuất bản “Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh”. Nhà xuất bản (NXB) Văn học đã phối hợp với anh Bùi Sơn Định - con trai nhà văn để thực hiện công tác biên tập. Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh, được chia làm 2 quyển, khoảng 1.800 trang.
Quyển 1 gồm 829 trang đã được NXB Văn học đưa vào danh mục Xuất bản phẩm Nhà nước đặt hàng năm 2019 gồm 47 truyện, ký tiêu biểu, lưu nhiệm trong các tác phẩm của ông: Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm, Cuộc gặp gỡ định mệnh, (hay Mẹ về, NXB Phụ nữ), Bác ở nơi đây, Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức bà mẹ Nga, Hoa râm bụt, Bác Hồ - biểu tượng kiệt xuất tình yêu thương con người, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Những ngày bên Bác, Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn (báo Sức khỏe và Đời sống, năm 2002)...
Đây là tập hợp những câu chuyện giản dị về Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác. Theo ông Bùi Sơn Định con trai nhà văn thì quyển 1 này sử dụng rất nhiều bút pháp khác nhau, có hồi ký, ký ức và những tự bạch của tác giả khi tiếp cận các nguồn tư liệu lịch sử mà nhà văn đã cất công xác thực... Để có những trang bản thảo của quyển 1, ông Bùi Sơn Định đã mất thời gian hơn 2 năm, ghi chép, hiệu đính lại những sự kiện liên quan đến cuộc đời của Hồ Chủ tịch.
Nhà văn Sơn Tùng và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh An Thanh
Quyển 1 đã được NXB Văn học ra mắt đúng dịp kỷ niệm 130 năm kỷ niệm Ngày sinh Hồ chủ tịch (19/5/1890 - 19/5/2019) như một món quà đầy ý nghĩa giới thiệu đến công chúng và được bạn đọc đón đợi một cách khá nồng nhiệt. Khi tiếp chuyện chúng tôi, ông Bùi Sơn Định chia sẻ: “Sở dĩ tôi lựa chọn trong hàng ngàn bản chép tay, hồ sơ của cha tôi để ra 50 tác phẩm kỷ niệm quãng thời gian suốt nửa thế kỷ, cha tôi bắt đầu tìm hiểu về thân thế, cuộc đời Hồ Chủ tịch. Nếu như quyển 1 gồm 47 bài viết thì quyển 2 là tập hợp 3 tiểu thuyết”.
Trong 1 căn phòng chật hẹp, sơn đã ngả màu 2 cha con nhà văn Sơn Tùng miệt mài ngày đêm, thu nhập tư liệu, biên soạn, sắp xếp để có 1 bộ sách quý. Đã nhiều lần nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến đây thăm nhà văn tại chính Chiếu Văn này. Cái Chiếu Văn chỉ là một căn phòng rộng 16m2 nằm trong một ngõ nhỏ nằm trong khu tập thể Văn Chương cũ kỹ của Hà Nội. Đây là nơi Văn Cao, Văn Như Cương, Phan Hữu Phúc, Hồ Sĩ Bằng… đã thường xuyên đến đây đàm đạo văn chương. Dù là người có cống hiến, có tiêu chuẩn được cấp nhà nhưng ông lại phải ở trong một căn phòng nhỏ dựa vào tiêu chuẩn của vợ.
Biết ông còn bị thiệt thòi nhiều, sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhã ý sẽ cấp nhà cho ông, nhưng Sơn Tùng đã cám ơn Thủ tướng và nói rằng "Nếu được Bác giải quyết nhà ở cho cháu thì không tránh khỏi cái tiếng cháu viết sách về Bác Hồ để rồi lần đến cửa Thủ tướng Phạm Văn Đồng để xin nhà!". Đầu những năm 90, chính quyền Hà Nội quyết định cấp nhà tình nghĩa cho ông. Một lần nữa, nhà văn Sơn Tùng lại từ chối nhận nhà tình nghĩa mà nhường lại cho người khác khó khăn hơn.
Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc…
Trong buổi đàm đạo với ông Nguyễn Đình Lương (nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA), một người con của Nam Đàn cũng đang dành nhiều thời gian để nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, ông Bùi Sơn Định nuối tiếc về ý nguyện của nhà văn Sơn Tùng khi muốn viết thêm một cuốn tiểu thuyết về Bác. Nhà văn Sơn Tùng đã dành nhiều thời gian cho cuốn sách: Bông huệ trắng, kể về mối tình của cô gái miền Nam - Lê Thị Huệ với Bác Hồ thời trẻ có tên là Nguyễn Tất Thành. Nhưng tiếc rằng căn bệnh tái phát đã không cho ông Đồ Nghệ 93 tuổi có thể hoàn thành được tác phẩm mà ông hằng mong muốn.
Mấy năm qua ngoài giờ chăm sóc cha, ông Bùi Sơn Định đã tranh thủ biên soạn, sưu tầm các bài viết của nhà văn để xuất bản ''Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh''. Ảnh An Thanh.
Sắp tới Nhà xuất bản Văn học sẽ tiếp tục cho ra mắt bạn đọc quyển 2 “Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh”, gồm 3 tiểu thuyết nổi tiêng: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim - Quả đất. Trong đó, Búp sen xanh nói về nguồn gốc dòng họ nội, ngoại và quãng đời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước; Bông sen vàng, chủ yếu nói về nói về thời ấu thơ của Bác với tên gọi Nguyễn Sinh Côn sống với cha mẹ ở Huế - một trung tâm văn hóa, chính trị thời bấy giờ...
Sở dĩ nhà văn dành hẳn 1 cuốn tiểu thuyết để đề cập tới quãng đời này bởi, trong nhiều lần đàm đạo tại Chiếu Văn Văn Chương với các bạn văn, tác giả Sơn Tùng đều nhận định: “Đây là quãng thời gian rất quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến nhân cách và tư tưởng của Bác sau này”.
Trái tim - Quả đất, là cuốn tiểu thuyết mà đến nay ít người biết đến chủ yếu đề cập đến nhân sinh quan của vị Cha già dân tộc trong một chiến dịch quân sự mà Bác Hồ là nhân vật trung tâm. Tác phẩm là những ghi chép về Bác Hồ mà do điều kiện công tác nhà văn Sơn Tùng đã có dịp trực tiếp cảm nhận hoặc nghe chính những đồng chí giúp việc quanh Bác kể lại. Đọc tiểu thuyết chúng ta sẽ bắt gặp một trái tim lớn của nhân loại, chứa chan tình yêu thương lớn cho những người vì nhiều hoàn cảnh, lý do khác nhau đã tham gia cuộc chiến.Trong chiến dịch Bác nhớ chiến sĩ hành quân ra trận trong giá lạnh:
“Đêm khuya móc tựa mưa thu trút
Sương sớm dày như mây biển dăng
Áo rét gửi mau cho chiến sĩ
Trời loe nắng ấm báo Xuân sang”
Vị anh hùng dân tộc giữa mặt trận Cao - Bắc - Lạng vẫn thể hiện một hoài bão văn hóa lớn nhất của Người là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đến giờ “Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh” của nhà văn Sơn Tùng đều là ấn phẩm do Nhà nước đặt hàng, số lượng không nhiều. Không ít bạn đọc, các nhà nghiên cứu, nhà văn đều rất muốn có tuyển tập trong tay để hiểu hơn về thân thế, cuộc đời của Hồ Chủ tịch, vị lãnh tự vô cùng kính yêu của dân tộc.