Chưa bao giờ nghề báo ở Việt Nam đối diện với những phân hóa và lựa chọn khốc liệt đến như vậy.
 
(Dù biết rằng chính bản thân mình và nơi mình làm việc còn nhiều khiếm khuyết phải sửa đổi, nhưng người viết bài này vẫn muốn được nhìn thẳng, nói thẳng nhân ngày đặc biệt của những người làm báo).
 
"Hồn Trương Ba, da nhà báo"
 
Trong mấy năm qua, một số bạn bè báo chí của tôi thường hay thở dài: Lòng tin của xã hội vào báo chí, chưa bao giờ xuống thấp đến như vậy. Càng ngày, người dân càng ít nói những cụm từ trước đây vẫn được xem như bảo chứng về sự tin cậy trong thông tin: "báo viết thế, đài nói thế, ti vi đưa thế"…
 
Nhiều người làm báo có lương tâm cảm thấy bị tổn thương khi độc giả trên các diễn đàn gọi đồng nghiệp của mình là: Bọn nhà báo! Bọn lều báo! Lũ kền kền!
 
Chưa bao giờ, các "hiệp hội nhà báo đếm tầng và bới rác" lại xuất hiện dưới nhiều hình thức như vậy.
 
Chưa bao giờ số lượng phóng viên báo chí bị bị tước thẻ, bị bắt quả tang, phải vào tù vì vi phạm pháp luật, nhiều như bây giờ.
 
Chưa bao giờ tình trạng "hồn Trương Ba, da hàng thịt" đến nhiều như vậy trong làng báo. Vô số phóng viên không viết nổi một cái tin hay, chưa từng thực hiện một bài phỏng vấn ra hồn, lại cực kỳ xuất sắc trong vai "đồ tể" – đưa doanh nghiệp và cá nhân lên thớt.
 
"Có tờ tạp chí lạ hoắc mà chúng em chưa hề biết tên, tổng hợp những sai sót đã được khắc phục từ nhiều năm trước của doanh nghiệp, đăng lên trang. Vì trang này không ai truy cập, họ liền nảy ra sáng kiến có một không hai: Trực tiếp gửi bài viết "đánh đập" vào số điện thoại của chủ tịch HĐQT và TGĐ của em để gây sức ép.
 
Khi chúng em dùng công cụ đo đếm, thì mới biết rằng: Tổng lượt truy cập của bài báo đó chỉ là 33 views. Nhưng trong số 33 lần đọc đó, có 2 lãnh đạo của chúng em, nên bọn em vẫn phải gặp phóng viên để xử lý khủng hoảng".
 
"Em mới chuyển sang làm truyền thông cho công ty bất động sản một tháng mà tưởng dài như một năm, không chịu nổi. Trước đây em cũng nghe nói về những nhóm phóng viên bới rác, nhưng đúng là trăm nghe không bằng một thấy. Bọn em kinh sợ nhất là khi phải xử lý khủng hoảng truyền thông. Sự kiên nhẫn và kìm nén được thử thách đến tận cùng.
 
Công ty chỉ dính một lỗi nhỏ mà trong mấy ngày, em nhận được 40-50 cuộc điện thoại đòi gặp của phóng viên, chủ yếu từ các tờ báo, tạp chí em chưa bao giờ đọc, chưa bao giờ biết. Kịch bản của những cuộc gặp gỡ ấy giống nhau như đúc: Nửa đầu cực rắn, nửa sau cực mềm. Tất nhiên là người ta chỉ mềm khi đã "được ăn, được nói, được gói mang về".
 
Đó chỉ là vài trong số hàng ngàn câu chuyện về một kiểu làm báo khiến nhiều tổ chức và cá nhân vừa coi thường vừa sợ hãi.
 
Có một điều dễ thấy: Những phóng viên "da hàng thịt" chỉ xuất hiện ở những tòa soạn mà lãnh đạo thích "mổ xẻ". Nơi ấy, người đứng đầu không biết làm gì để tăng thêm độc giả cho báo mình, nhưng rất sành sỏi trong việc gia tăng không ngừng số bài gỡ xuống và số bài không bao giờ lên báo.
 
"Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" đã trở thành một phương châm đen được các cơ quan quản lý báo chí cảnh báo và cảnh cáo bằng cả một phần mềm thống kê tin bài bỗng nhiên bị gỡ xuống từ các báo.
 
Nhưng phần mềm ấy, dù là một nỗ lực tuyệt vời, vẫn không thể nhận diện hết những phương án tác chiến mới: "Sáng dọa đăng, trưa đòi gặp, chiều bắt tay". Làm báo nhưng không đăng báo, hóa ra không phải là chuyện lạ.
 
Đối phó với những biến tướng, thậm chí cơ quan quản lý báo chí đã tiếp tục làm một việc chưa từng có: Thống kê những tờ báo bị khiếu nại nhiều nhất trong giai đoạn 2018-2020.
 
Tất nhiên, nếu chỉ nhìn vào số lượng đơn thư, rất khó đánh giá chất lượng và độ tin cậy của một tờ báo. Bởi trong số đó, có những cơ quan báo chí mạnh mẽ, dũng cảm đấu tranh với những điều xấu, ác. Mạnh mẽ thì đương nhiên dễ bị phản ứng.
 
Nhưng mặt khác, đơn thư cũng là chỉ dấu cho thấy, trong thời đại lốc xoáy thông tin rất nhanh này, có rất nhiều nhà báo và tòa soạn đã vô tình không còn giữ được những nguyên tắc tối thiểu trong việc kiểm chứng khách quan.
 
Và cuối cùng, các vụ khiếu nại, tất nhiên đến từ nạn nhân uất ức của "lều báo".
 
Sự lựa chọn và những câu hỏi khó
 
Ở một số nghề khác làm công ăn lương, người ta không phải trăn trở quá nhiều trước những sự lựa chọn. Nhưng nghề báo thì khác.
 
Báo chí là nghề có nhiều cơ hội đối mặt với cám dỗ, nên người làm báo tử tế luôn phải suy nghĩ để lựa chọn hướng đi, lựa chọn đứng về phía nào. Những câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng lại có thể đấu tranh thường trực trong mỗi nhà báo:
 
Làm báo đếm sự tử tế hay đếm tầng, đếm lỗi, bới rác?
 
Đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp hay vặt lông doanh nghiệp?
 
Làm báo có lý tưởng, phụng sự công chúng hay chỉ đơn thuần là một nghề để kiếm cơm như bao nghề khác?
 
Khi có bê bối tiêu cực, nhà báo đứng về nhân dân, về phía người bị hại hay phía những người có "ệ" – quan hệ, tiền tệ?
 
Nên sống chết với nghề hay chuyển nghề, nhảy việc?
 
Luyện tâm sáng, lòng trong, bút sắc trước hay kiếm tiền trước?
 
Dưới những bài báo, nên ký bút danh đàng hoàng hay bút danh ẩn mặt?
 
Tờ báo nên thu phí hay miễn phí?
 
...
 
Trong tất cả những câu hỏi 2 vế này, muốn làm được vế đầu đòi hỏi một hành trình không dễ dàng, cần cả chăm chỉ, yêu nghề, tâm huyết, công phu và sáng tạo. Còn vế hai thì ngược lại, dễ hơn nhiều và "no ấm" hơn nhiều.
 
Đổi lại, nếu làm được vế một, thì anh có thể tự hào mình là "nhà báo". Ngược lại, anh chỉ là "lều báo" như vế hai. Nhưng không phải ai cũng nhận thức rõ: Nhà thì đàng hoàng kiên cố, lều thì làm nhanh nhưng dễ đổ, dễ nát, dễ thủng.
 
Giống như cuộc đời, người ta luôn đổ xô vào việc dễ, việc nhanh, chứ mấy ai húc đầu vào việc khó.
 
Chính vì thế nên ngay cả những tờ báo lớn nhất nước, 4-5 năm qua, trầy trật mãi không thể tuyển đủ nhân sự cho mảng thời sự. Nhiều phóng viên đã bỏ thu nhập hơn chục triệu để đi làm kênh youtube, thu nhập 25 – 80 triệu/ tháng. Không ít phóng viên, trưởng ban, thậm chí phó tổng biên tập báo cũng lựa chọn "ra đi đầu không ngoảng lại" – chuyển sang làm truyền thông, dù đau đầu nhưng lại nặng túi.
 
Một đồng nghiệp nhiều năm của tôi đã từng thở dài:"Cùng đi làm báo 7 năm, chuyên môn thì như nhau, mà thằng bạn em giờ đã có nhà đẹp, xe đẹp, còn em thì vẫn lóc cóc nhà thuê. Cao thủ không bằng tranh thủ…"
 
Giữa một đời sống mà không ít người giàu lên, xênh xang nhờ dạy làm giàu, đa cấp, lướt sóng đất đai, quan hệ, chạy chọt, bảo kê, chụp giật, lách luật… thì nỗ lực "làm báo tử tế mà sống được" là lựa chọn thật sự không dễ dàng.
 
"Thập diện mai phục"
 
Mấy năm trước, Trúc Nhân đã khiến công chúng vừa bất ngờ vừa không bất ngờ khi tung ra ca khúc "Thật bất ngờ". Bất ngờ ở chỗ, giới showbiz – vốn luôn ve vuốt nhà báo - đã dám đưa báo chí câu views nhảm nhí lên thớt. Không bất ngờ ở chỗ, sự thật đáng buồn ấy ai cũng biết.
 
Nguyên nhân khiến gương mặt báo chí có nhiều nét đượm buồn như vậy, không hoàn toàn xuất phát từ tư cách đạo đức của nhà báo.
 
Không một trường báo chí nào dạy sinh viên ra trường để làm bậy. Không một ông ông bố bà mẹ của nhà báo nào muốn con trở thành "kền kền", mất danh dự, vào tù ra tội.
 
Sự ảo tưởng về một nghề cao quý và quyền lực thứ 4, đã khiến không ít bạn trẻ và gia đình họ chọn nghề báo để xác lập cho mình một vị thế "cao" hơn các nghề khác trong xã hội.
 
Chẳng có nghề nào cao quý hơn nghề nào. Sự cao quý xuất phát từ lựa chọn suy nghĩ và hành động của mỗi người, chứ không đến từ nghề họ chọn. Chị công nhân vệ sinh môi trường tận tụy, tử tế chắc chắn cao quý và có ích hơn rất nhiều "đại nhà báo" chuyên dọa dẫm, bới móc, đếm tầng.
 
Sự phát triển của mạng xã hội, cả mặt phải và mặt trái, đã đẩy vị thế thông tin báo chí, thậm chí vai trò của nhà báo, xuống thấp hơn đáng kể. Tầm ảnh hưởng của một KOLs trên mạng xã hội, thậm chí còn gấp cả trăm, nghìn lần một tờ báo ít lượng truy cập. Cả áp lực và sự hấp dẫn ấy, khiến dòng báo chí câu views và báo chí đếm tầng, bới rác nở rộ.
 
Mặt khác, có quá nhiều tờ báo, tạp chí ra đời với mục đích…không phải để làm báo, nên lực lượng nòng cốt nhất của những tòa soạn kiểu này, đều không cần giỏi nghề mà phải giỏi "ra uy", giỏi làm truyền thông, quảng cáo. Trong tòa soạn ấy, người có địa vị thấp nhất chính là phóng viên, biên tập viên, thay vì ngược lại.
 
Nguồn thu báo in ngày càng eo hẹp. Nhiều quy định pháp luật chưa thực sự công bằng, thị phần quảng cáo báo điện tử ngày càng chảy về túi những ông lớn nước ngoài (google, facebook). Điều này khiến các tòa soạn khốn đốn. "Cơm áo không đùa với khách thơ". Đây chính là một phần nguyên nhân khiến đầu gối của những người làm báo phải bò theo nhiều cách. Khi phải bò, họ rất khó thẳng được lưng và ngẩng được đầu!
 
Trong khi những người làm báo thạo nghề, thực sự muốn làm nghề và sống được bằng nghề, ngày càng ít đi, thì số lượng báo tạp chí mới ra đời ngày càng nhiều. Cuộc chiến giành giật nhân sự diễn ra gấp gáp hơn. Nhiều phóng viên chưa thực sự cứng cáp đã được một tòa soạn mới đôn lên vị trí trưởng ban, thư ký tòa soạn.
 
Những cơ hội quá dễ dàng này, vừa khiến cho sự ảo tưởng bản thân tăng lên, vừa khiến cho thị trường báo chí chất lượng bị pha loãng. Khi tòa soạn thiếu nhân sự giỏi và thiếu tiền, người làm báo khó có thể sống bằng cách làm nghề lương thiện.
 
Sự "sung túc" của nhiều người làm báo lắt léo chính là mảnh ghép cuối trong thế trận "thập diện mai phục" làm không ít người muốn làm báo tử tế lựa chọn thỏa hiệp. Nhà báo dấn thân và những bài báo gây chấn động xã hội ngày càng thưa vắng…
 
Nghề và nghiệp
 
Đã mang lấy nghiệp vào thân
 
Đừng nên trách lẫn trời gần đất xa
 
Hai câu thơ ấy của Nguyễn Du, nếu vận vào nghề báo thì rất trúng.
 
Nếu chỉ hiểu NGHIỆP là NGHỀ, chắc chắn người làm báo sẽ khó có được sự cân nhắc tỉnh táo khi đặt bút. Nếu hiểu nghiệp còn là nhân quả, thì mỗi lời viết ra sẽ khác, động cơ làm báo sẽ khác.
 
Lời nói đọi máu. Một bài báo xuất bản lên trang, có thể nhanh chóng chìm nghỉm giữa biển thông tin, thậm chí tác giả cũng quên nó sau dăm bữa nửa tháng, nhưng lại có thể khiến một số phận, một gia đình tan vỡ; một doanh nghiệp lụn bại; một cộng đồng tổn thương và giận dữ.
 
Người xưa dạy: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Tốc độ chạy đua thông tin hiện nay khiến cho nhà báo quên rằng có nhiều thứ trong nghề cần phải chậm lại để khách quan, xác tín.
 
Trong đời sống, lời nói gió bay, nhưng trên internet, lời nói không tan theo gió. Nó sẽ lại hiện nguyên hình nhức nhối sau mỗi cú kích chuột, khiến cho tác hại của bài báo và nỗi đau của người bị hại đều kéo dài mãi như vết thương không thể lành.
 
Trong đời sống, một lời nói ra, tứ mã nan truy. Trên báo chí, một lời nói ra, tên lửa siêu thanh không đuổi được. Chỉ vài giây sau khi ấn nút xuất bản, bài báo đã đến 5 châu.
 
Báo chí ẩu và tiêu cực có thể tạo ra cả một biển KHẨU NGHIỆP.
 
Thế hệ những người làm báo 15 – 20 năm trước, tự hào lắm khi tên mình xuất hiện dưới một bài báo. Tôi còn nhớ tác phẩm đầu tiên của mình được đăng tải, không phải là bài báo, mà là một chùm truyện cười trên tờ Tiền Phong. Sung sướng đến nỗi nhuận bút chỉ được 45 ngàn nhưng đi khao bạn bè hết 60 ngàn.
 
Thời nay, mỗi tháng, một phóng viên có thể viết cả trăm tin bài, nhưng bao nhiêu phần trăm trong số đó khiến họ có thể tự hào?
 
Nhiều chục năm trước, nhà báo chỉ ký bút danh giấu mặt khi làm bài điều tra, bài phản biện có thể gây nguy hiểm cho mình. Thời nay khác, không ít người sử dụng tới 3- 4 bút danh. Đương nhiên, bút danh chính thức chỉ xuất hiện trong số rất ít những bài báo mà họ thấy không ái ngại.
 
Khi chính người làm báo không dám khoe những tác phẩm của mình, thì cũng là lúc cái "nghiệp" của họ có thể thấy nhãn tiền. Ngày càng nhiều ngôi sao, doanh nhân, người bình thường không ngại lôi tổng biên tập báo ra trước công đường luận tội.
 
Một nhà giáo dục đã đặt cho tôi câu hỏi dễ mà khó: "Không biết những người viết báo nhảm nhí, sốc sex có dám cho con nhỏ của họ đọc tác phẩm của chính họ? Nếu không dám, tại sao họ vẫn cứ viết cho con người khác đọc?".
 
Những tháng năm này, hơn bao giờ hết, người làm báo đang ngụp lặn trong dòng thác sinh tồn với danh dự, lương tâm và nghề. Thậm chí rồi đây cơ hội việc làm của nhiều phóng viên, biên tập viên không còn nữa, khi robot viết báo và trí tuệ nhân tạo trong báo chí được ứng dụng rộng rãi.
 
Khi báo chí được viết bằng robot, sự công tâm, chính xác sẽ được nâng cao. Robot không nói dối, không khuất tất.
 
Nhưng may mắn thay, có những thứ robot không bao giờ có thể làm tốt như con người. Robot có thể có sự công tâm, nhưng lại rất khó thay thế hoàn hảo lương tâm của người làm báo. Robot biết nhiều thứ, nhưng lại khó có được sự sắc bén cá thể - mỗi người một khác.
 
Với người có lương tâm thì bài báo được xuất bản, chỉ là bước khởi đầu. Số phận con người, cộng đồng, đất nước, nhân loại ra sao phía sau những bài báo, sẽ là điều mà lương tâm những người làm báo chân chính không bao giờ bỏ rơi.
 
Với người làm báo sắc bén, thì bài báo còn mạnh hơn những khẩu súng thần công!
 
Nhưng lương tâm luôn phải ở trước sắc bén.
 
Giống như trong "nhân tài", chữ "nhân" phải đứng trước chữ "tài"? Tài đến như bác học mà thiếu nhân, thì cũng đều gánh nghiệp, gánh nhân quả xấu.
 
Nhà báo – nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, một người nhận được cả vinh quang và cay đắng trên con đường làm báo, đã có những câu thơ tuyệt hay về nghề báo trước khi anh gặp nạn:
 
Giờ này
 
Bên cạnh chiếc máy chữ của anh
 
Đất đai đang cày xới
 
Những hạt giống được ngâm ủ trong bùn
 
Để sinh ra thứ ánh sáng tốt tươi
 
Và anh
 
Kẻ nông phu cần mẫn
 
Thức dậy mỗi sớm mai trên cánh đồng ngôn ngữ
 
Bởi niềm tin lành lặn
 
Ở con người
 
Một nhà báo không thể gieo niềm tin lành lặn ở con người, nếu chính họ còn chưa lành lặn....