Nghệ nhân – Nghệ sỹ Nguyễn Viết Hoài, sinh năm 1946, tại xã Đức Thuận, huyện Đức Thọ, hiện sống tại phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh.
Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Minh, Nguyễn Viết Hoài không những suốt ngày được nghe những câu hò, điệu ví của các đôi nam thanh nữ tú vẳng lên từ hai bên bờ sông vào những đêm trăng sáng, mà ông còn được tiếp nhận cả một nguồn văn hóa dân gian giàu có của vùng quê Núi Hồng – nơi có 99 con chim phượng hoàng đến đậu và để lại nhiều huyền thoại. Từ nhỏ, ông đã đắm say với lời ru của mẹ, tiếng ru ấy cứ theo ông lớn lên cùng năm tháng. Mẹ ông là một cô gái Thành Sen lấy chồng về làng Vân Chàng (làng rèn Đức Thuận), bà có giọng hát hay nổi tiếng một thời. Tiếng hát, lời ru của mẹ đã nhiễm sâu vào tâm hồn người nghệ nhân từ thuở thiếu thời. Hàng chục năm khi đã bôn ba khắp mọi miền đất nước, Nguyễn Viết Hoài không bao giờ quên được những tiếng ru ầu ơ cất lên từ lũy tre làng, nơi chôn ra cắt rốn của mình. Phải chăng điều đó khiến cho tâm hồn Nguyễn Viết Hoài trẻ mãi không già và cây bút của ông viết hoài, viết mãi không cạn mực.
Ông là cây bút trưởng thành trong chống Mỹ cứu nước. Trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật của mình, ông được anh em bạn bè đồng nghiệp ví là một người Nghệ nhân - Nghệ sỹ đa tài. Nói thế, quả không sai bởi thời gian tham gia quân đội cũng như khi về nghỉ hưu tại địa phương, từ một thủ lĩnh các đoàn nghệ thuật của quân khu IV đến Chủ nhiệm các Câu lạc bộ thơ văn Ngạn Sơn – Xuân Diệu – Hồng Sơn, nghệ nhân Nguyễn Viết Hoài vừa sáng tác, vừa đạo diễn và nhiều lúc kiêm luôn cả diễn viên biểu diễn; có khi còn tự thiết kế mỹ thuật sân khấu, trình bày các tập san của các câu lạc bộ và các tập sách của mình. Lĩnh vực nào ông cũng thể hiện rất xuất sắc và tinh tế.
Nguyễn Viết Hoài từng tốt nghiệp Lớp viết kịch trẻ khóa 1 do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa tổ chức tại Hà Nội những năm 1969 - 1970. Được trang bị kiến thức cũng chỉ là một phần, điều quan trọng là Nguyễn Viết Hoài đã sáng tạo nên những công trình, tác phẩm của mình bằng sự trải nghiệm cuộc sống, sự cảm nhận tinh tế bằng tình yêu quê hương, đất nước cháy bỏng. Ông là người có công sưu tầm, lưu giữ những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh lời cổ (hò, vè, ví, giặm, hát ru…) Và ông đã dày công trao truyền vốn quý của cha ông cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn nghệ. Đặc biệt, ông là cộng tác viên đắc lực của Đài tiếng nói Việt Nam trong chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền qua hàng chục năm nay, với trên 100 tiết mục được phát sóng, trong đó có nhiều tiết mục được bạn đọc gửi thư yêu cầu phát đi phát lại nhiều lần. Được sự tin yêu và mến mộ của người nghe như vậy là nhờ ông biết chắt lọc, sáng tạo trong việc dùng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh cổ để phát triển thành các tổ khúc dân ca lời mới mang hơi thở đương đại về cả nội dung và nghệ thuật (dân gian gọi là “tân cổ giao duyên”), để tác phẩm của mình không hề bị khô khan, “hô khẩu hiệu” như một số trường hợp khác khi sử dụng dân ca phục vụ các chủ đề Nông thôn mới, An toàn giao thông, Dân số kế hoạch hóa gia đình...
Công trình âm nhạc tiêu biểu của ông về sáng tác âm nhạc đã được xuất bản là Tập Ca Khúc tuyển chọn, Tập kịch "Bình minh trên đảo" . Dự kiến, sắp tới ông sẽ tiếp tục xuất bản Tập Tổ khúc dân ca và Bến thuyền hẹn đợi và một số thể loại khác…
Hơn 40 năm “vừa cầm bút, vừa cầm súng”, Nguyễn Viết từng là diễn viên kiêm sáng tác, đạo diễn, chỉ huy các đoàn văn công như: Tỉnh đội Hà Tĩnh, Đoàn 22B Quân khu 4, Tỉnh đội Nghệ Tĩnh…Sau nhiều năm lăn lộn với phong trào văn hóa nghệ thuật (kể cả chuyên và không chuyên), Nguyễn Viết Hoài trở về sống bình lặng tại khối phố 3, thị xã Hồng Lĩnh, ông gặp được người anh đồng nghiệp của mình là kịch tác gia Phan Lương Hảo, hai người cùng nung nấu một ý nguyện làm sao để cho phong trào văn hóa văn nghệ của thị xã Hồng Lĩnh (thời kỳ mới thành lập) phải nổi bật lên. Ít lâu sau, cụ Phan Lương Hảo cho ra mắt vở ca kịch Trăng soi nỗi oán (ca ngợi Bùi Cầm Hổ), trường ca Huyền thoại Núi Hồng và Nguyễn Viết Hoài cũng liên tục cho ra đời nhiều công trình Dân ca Nghệ Tĩnh khác nhau.
Nhờ tài năng sẵn có cộng với vốn tích lũy qua nhiều năm trải nghiệm đường đời nên các tiết mục của Nguyễn Viết Hoài sáng tác, đều mang đậm hơi thở đương đại, trữ tình và sâu lắng. Bên cạnh đó ông có lối hát ngọt ngào, tinh tế và cách dàn dựng sáng tạo, nên tham gia thường đạt giải cao tại các liên hoan, hội thi, hội diễn. Tiêu biểu như các tiết mục kịch hát dân ca sau đây: Tấm khăn hồng – Giải A tại Hội diễn toàn quân 1974; Lên quê mới, Xây hồ nước ngọt - Giải A Hội diễn Quân khu IV, 1978, 1980; Bình minh trên đảo – Giải A Liên hoan Tiếng hát làng Sen toàn quốc, 1985…và nhiều giải thưởng khác. Trong quá trình thực hành nhiệm vụ chuyên môn của mình, nghệ nhân – nghệ sĩ Nguyễn Viết Hoài đã trực tiếp truyền dạy kỹ năng hát dân ca và ngâm thơ cho nhiều thế hệ diễn viên trong các đoàn văn công mà mình phụ trách, có người nay đã thành danh như NSUT. Lệ Thanh, Bích Tuyển, Hồng Huệ, Hồng Doãn,…Nhiều năm nghỉ hưu rồi nhưng vẫn như con tằm mải miết nhả tơ. Cho đến hôm nay ông vẫn cảm thấy chưa trả hết “món nợ” cho quê hương và ông lại tiếp tục viết, đúng như cái tên cha mẹ đặt cho “Viết Hoài”. Mà đâu chỉ có viết, sáng tác rồi còn phải dạy hát, rồi dàn dựng hoàn chỉnh cho anh chị em trong Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm của phường, xã đi thi nữa. Ông đã dành nhiều thời gian truyền dạy cho lớp trẻ quê của mình tất cả những vốn liếng về dân ca Ví, Giặm mà ông đã tích lũy được trong nhiều năm công tác tại đoàn văn công chuyên nghiệp.
Nhờ tài năng sẵn có cộng với vốn tích lũy qua nhiều năm trải nghiệm đường đời nên các tiết mục của Nguyễn Viết Hoài sáng tác, đều mang đậm hơi thở đương đại, trữ tình và sâu lắng. Bên cạnh đó ông có lối hát ngọt ngào, tinh tế và cách dàn dựng sáng tạo, nên tham gia thường đạt giải cao tại các liên hoan, hội thi, hội diễn. Tiêu biểu như các tiết mục kịch hát dân ca sau đây: Tấm khăn hồng – Giải A tại Hội diễn toàn quân 1974; Lên quê mới, Xây hồ nước ngọt - Giải A Hội diễn Quân khu IV, 1978, 1980; Bình minh trên đảo – Giải A Liên hoan Tiếng hát làng Sen toàn quốc, 1985…và nhiều giải thưởng khác. Trong quá trình thực hành nhiệm vụ chuyên môn của mình, nghệ nhân – nghệ sĩ Nguyễn Viết Hoài đã trực tiếp truyền dạy kỹ năng hát dân ca và ngâm thơ cho nhiều thế hệ diễn viên trong các đoàn văn công mà mình phụ trách, có người nay đã thành danh như NSUT. Lệ Thanh, Bích Tuyển, Hồng Huệ, Hồng Doãn,…Nhiều năm nghỉ hưu rồi nhưng vẫn như con tằm mải miết nhả tơ. Cho đến hôm nay ông vẫn cảm thấy chưa trả hết “món nợ” cho quê hương và ông lại tiếp tục viết, đúng như cái tên cha mẹ đặt cho “Viết Hoài”. Mà đâu chỉ có viết, sáng tác rồi còn phải dạy hát, rồi dàn dựng hoàn chỉnh cho anh chị em trong Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm của phường, xã đi thi nữa. Ông đã dành nhiều thời gian truyền dạy cho lớp trẻ quê của mình tất cả những vốn liếng về dân ca Ví, Giặm mà ông đã tích lũy được trong nhiều năm công tác tại đoàn văn công chuyên nghiệp.
Với những cống hiến của mình, năm 2012, nghệ nhân Nguyễn Viết Hoài đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian. Và năm 2018, ông là một trong 7 nghệ nhân của tỉnh Hà Tĩnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, đợt II.
Mặc dù năm nay Nguyễn Viết Hoài đã bước qua tuổi 70, nhưng tác phẩm của ông vẫn rất trẻ trung, sung sức và quyến rũ. Với cái đà này, chắc chắn nghệ nhân – nghệ sỹ Nguyễn Viết Hoài sẽ tiếp tục dâng hiến cho đời nhiều câu hò, điệu ví, góp phần để Dân ca Nghệ Tĩnh mãi mãi ngân vang, ngân xa hơn nữa khắp mọi miền tổ quốc.