Theo Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh trong thời gian lâm bệnh đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc. Lễ truy điệu, an táng ông sẽ được thông báo sau.

Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh tên thật là Nguyễn Ngọc Khánh, quê ở xã Hạ Hồi, huyện Thường tín, TP Hà Nội. Ông là Bí thư Trung ương Đảng khóa 6; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 5 (dự khuyết), 6, 7; đại biểu Quốc hội từ khóa 8 đến 10.

Sau khi được bầu Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng năm 1982, ông Khánh được cử làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Năm năm sau, ông làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Tháng 10/1992, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 9, ông được phê chuẩn Phó thủ tướng.

444-1689822303.jpg
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh. Ảnh: VGP

Khi còn đương chức cũng như về hưu, ông Nguyễn Khánh luôn trăn trở với nhiều vấn đề thời cuộc. Ông từng chia sẻ, từ năm 1990 có tổ chức khoa học và một số công ty Pháp vào Việt Nam thiết lập mối quan hệ hợp tác khoa học, kỹ thuật, trong đó có kinh doanh máy tính. Lúc đó, Việt Nam chưa có Internet và còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng ông với tư cách Phó thủ tướng phụ trách văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, ông đã đồng ý đề nghị trang bị máy tính cho Văn phòng Chính phủ.

Từ năm 1990-1997, Chính phủ và các cơ quan nghiên cứu khoa học tích cực chuẩn bị về mọi mặt để đưa Internet vào Việt Nam, nhất là giải quyết vấn đề tư tưởng, nhận thức. Bên cạnh đa số ý kiến ủng hộ, có người cho rằng "phải làm nhưng rất cẩn thận, thận trọng".

Chính phủ nhận thấy không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nếu không có công nghệ thông tin, Internet. Năm 1996, Chính phủ đồng ý mở hoạt động công nghệ thông tin ở mức độ "quản lý được đến đâu thì làm đến đó". Ông Khánh tán thành chủ trương này. Một năm sau, khi sự chuẩn bị chín muồi, Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu.

Năm 2002, thảo luận tại Quốc hội, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh trăn trở "các cơ quan cần thấy mối đe dọa lớn hơn từ tham nhũng, vi phạm kỷ cương, bởi đó là sự trì trệ, thiếu trách nhiệm trong bộ máy nhà nước". "Thực tế ít quan chức dám trái lệnh trên, nhưng họ không thực hiện được do vướng hệ thống cơ quan đoàn thể, ban bệ... Những thành tố này níu kéo nhau, gây sức ỳ cho cả bộ máy, làm hao tổn sức lực của mỗi cán bộ, lãng phí con người", ông Khánh nói tại phiên thảo luận tổ tại Quốc hội này 18/3/2002.

Theo Viết Tuân - vnexpress.net