Trong thời gian ba mươi năm (1911-1941) đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc) đã chứng kiến biết bao nỗi thống khổ cùng cực của những người lao động, của dân nghèo, dân nô lệ và sự áp bức bóc lột tàn ác, dã man của chủ nghĩa thực dân.
Từ thực tế bất công ấy, Nguyễn Ái Quốc đã viết báo, viết sách lên án chế độ thực dân, đòi tự do, độc lập cho dân tộc Việt Nam và các nước thuộc địa. Người đã gửi những kiến nghị, những yêu sách cho Chính phủ Pháp, trong đó có bản yêu sách 8 điểm gửi tới Hội nghị quốc tế hòa bình Vecxay năm 1919.
Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18-6-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh đã họp Hội nghị tại Vecxay, nước Pháp. Hội nghị này còn gọi là Hội nghị hòa bình Paris, nhưng thực chất đó là nơi chia phần giữa các nước đế quốc thắng trận và trút hậu quả chiến tranh lên đầu nhân dân các nước thua trận và các dân tộc bị áp bức. Các nước thắng trận bao gồm Anh, Pháp, Nga, Italia, Mỹ. Các nước bại trận bao gồm Đức, Áo, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ thực tế bất công ấy, Nguyễn Ái Quốc đã viết báo, viết sách lên án chế độ thực dân, đòi tự do, độc lập cho dân tộc Việt Nam và các nước thuộc địa. Người đã gửi những kiến nghị, những yêu sách cho Chính phủ Pháp, trong đó có bản yêu sách 8 điểm gửi tới Hội nghị quốc tế hòa bình Vecxay năm 1919.
Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18-6-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh đã họp Hội nghị tại Vecxay, nước Pháp. Hội nghị này còn gọi là Hội nghị hòa bình Paris, nhưng thực chất đó là nơi chia phần giữa các nước đế quốc thắng trận và trút hậu quả chiến tranh lên đầu nhân dân các nước thua trận và các dân tộc bị áp bức. Các nước thắng trận bao gồm Anh, Pháp, Nga, Italia, Mỹ. Các nước bại trận bao gồm Đức, Áo, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Rất đông các nhà ngoại giao tụ tập ở Phòng Kính trong cung điện Versailles rộng lớn tại Hội nghị hòa bình kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất,năm 1919.
Tại Hội nghị Versailles này, bên cạnh các đoàn đại biểu chính thức, còn có đại diện các dân tộc bị áp bức, đến dự Hội nghị để yêu cầu độc lập và tự do cho dân tộc mình, như đại diện cho người Ailen, người Ấn Độ, người Triều Tiên, người Arập… Thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam hay còn gọi là Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam gửi tới Hội nghị Vecxay. Dưới bản Yêu sách, Người ký tên: NGUYỄN ÁI QUỐC. Bản Yêu sách gồm tám điểm:
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5 Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.
Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vecxay-bản tiếng Pháp. (Ảnh tư liệu Bảo tàng LSQG)
Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, được viết bằng tiếng Pháp, toàn bộ nội dung là do Nguyễn Ái Quốc thảo ra, nhưng hồi bấy giờ Nguyễn Ái Quốc chưa thành thạo tiếng Pháp nên đã nhờ Luật sư Phan Văn Trường, một người có uy tín trong giới Việt kiều yêu nước ở Pháp và đã cùng Phan Chu Trinh giúp đỡ anh Nguyễn hoạt động đã viết bản Yêu sách này. Trong cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, đã kể: “Bản Yêu sách do ông Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp” cũng chính vì nhược điểm này và cũng là một trong những lý do anh Nguyễn bắt tay ngay vào việc học tiếng Pháp và học làm báo.
Nguyễn Tất Thành, đại diện cho Hội những người yêu nước Việt Nam, đến cung điện Versailles. Người thanh niên trẻ đi dọc theo các hành lang của cung điện Versailles, cố gắng trao tận tay cho các đoàn đại biểu Bản thỉnh nguyện thư của nhân dân An Nam, được ký tên bởi Nguyễn Ái Quốc. Anh cũng gặp được đại tá House, cố vấn của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson và trao cho ông văn bản này. Để có thêm tiếng nói ủng hộ của nhân dân Pháp (đặc biệt là các trí thức cấp tiến thuộc đảng xã hội) đối với những đòi hỏi đúng đắn của người An Nam, Bản thỉnh nguyện được in ra 6000 bản, được Nguyễn Tất Thành phân phát trong các cuộc hội họp, mít tinh, phát đi nhiều nơi, phát trên đường phố Paris và bí mật gửi về Việt Nam, được đăng trên tờ Nhân đạo (L’Humanité) - một tờ báo cấp tiến ủng hộ chủ nghĩa xã hội.
Nội dung của Bản Yêu sách không được bàn đến trong Hội nghị Versailles, nhưng văn bản này đã tạo được tiếng vang lớn, cái tên Nguyễn Ái Quốc được nhắc đến nhiều trên báo chí và được mật thám thăm dò kỹ hơn. Tổng thống George Clémenceau yêu cầu Bộ trưởng phụ trách thuộc địa và Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut lưu ý đến Nguyễn Ái Quốc.
Bản Yêu sách 8 điểm nêu ra các quyền cơ bản của con người mà xứ An Nam phải được hưởng, đây là các quyền phổ quát trong đó các quyền như tự do ngôn luận, tự do đi lại, quyền bình đẳng đã được Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1789 ghi nhận. Ngoài ra các đòi hỏi chính đáng khác như quyền tự do giáo dục và sáng tạo bằng cách cho phép mở các trường học ở khắp các tỉnh nhằm nâng cao dân trí và đào tạo ra những người có chuyên môn để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội ở An Nam.
Bản Yêu sách 8 điểm không đặt vấn đề đòi độc lập, tự chủ, tự quyết, giải phóng vì những người thảo ra biết trước rằng điều cơ bản ấy không thể giải quyết được ở bàn hội nghị của các nước thắng trận mà phải được giải quyết ở chỗ khác, bằng phương pháp khác; cho nên bản yêu sách của người Việt Nam mở đầu, đã nói rõ là trong khi quyền tự quyết của các dân tộc chưa được thực hiện thì các nước thắng trận phải thực hiện những cải cách mà họ đã từng hứa hẹn trong lúc còn chiến tranh, những cải cách mà các dân tộc thuộc địa cần có và có quyền đòi hỏi ở nhà cầm quyền.
Tầm quan trọng lịch sử của bản Yêu sách 8 điểm đã thức tỉnh nhiều người, và cung cấp cho giới thượng lưu tiến bộ một chương trình hành động; nó mở đầu cho cuộc đấu tranh lâu dài đòi hỏi cải cách dân chủ, để thức tỉnh, tập hợp nhân dân, điều mà trước đó chưa ai làm, cũng chưa có đoàn thể nào nghĩ tới: Đòi cải cách mà không bị rơi vào chủ nghĩa cải lương, khẩu hiệu đòi lợi ích từng phần mở đường cho việc đưa ra những khẩu hiệu cơ bản.
Bản Yêu sách đã có ảnh hưởng khá sâu rộng trong các giới ở Pháp. Dư luận Pháp hết sức chú ý bản yêu sách này. Bản yêu sách được nhân dân trong nước đón nhận nhiệt thành và thực sự có tiếng vang ở các nước thuộc địa của Pháp.
Lê Khiêm (tổng hợp)
- Hồng Hà, "Pháo hiệu", Thời thanh niên của Bác Hồ, H.: Thông tấn, 2007, tr. 34-42;
- Đặng Xuân Kỳ, "Tháng 6, ngày 18", Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Tập 1: 1890-1929, H.: Chính trị quốc gia, 2006, tr. 62-65;
- Trần Văn Giàu, "Bản yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc", Hồ Chí Minh vĩ đại một con người, H.: Chính trị quốc gia, 2010, tr. 37-39.