Hải quân Hoàng gia Australia sẽ trở thành lực lượng thứ 7 trên thế giới sở hữu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo một thỏa thuận được công bố vào ngày 15/9, trong đó, Mỹ và Anh cam kết bật đèn xanh cho việc này.

Thỏa thuận đi kèm, được hoàn tất trong 18 tháng tới, nằm trong hiệp ước quốc phòng do Thủ tướng Australia Scott Morrison đề xuất với Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Boris Johnson, liên minh Australia - Mỹ - Vương quốc Anh (AUKUS).

AUKUS được định hình nhằm chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, đồng thời bao gồm hợp tác trong nhiều lĩnh vực chiến lược như khả năng tấn công tầm xa, chiến tranh mạng, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.

Nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân khi Australia sở hữu tàu ngầm năng lượng hạt nhân
Hải quân Australia được trang bị các tàu ngầm tấn công điện diesel lớp Collins. Nguồn: Military Watch Magazine

Australia từ lâu đã vận hành các tàu ngầm tấn công chạy điện-diesel, cụ thể là lớp Collins, có thành tích ấn tượng trong các cuộc tập trận mô phỏng, bao gồm đánh chìm tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Hải quân Australia trước đó đã lên kế hoạch mua 12 chiếc Collins từ Pháp theo một thỏa thuận trị giá hơn 40 tỷ USD. Các vấn đề phát sinh đã khiến hợp đồng của Pháp tăng hơn 50% chi phí, lên tới gần 70 tỷ USD và khả năng đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghiệp Pháp đang bị đặt dấu hỏi.

Việc chấm dứt thỏa thuận với Pháp có thể khiến người đóng thuế Australia phải trả 400 triệu USD, do Paris tuyên bố có thể đòi bồi thường. Nhưng việc mua tàu ngầm từ Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Hải quân Australia những con tàu có khả năng hoạt động vượt trội hơn nhiều. Các tàu của Australia dự kiến tận dụng nhiều lợi thế từ các thiết kế lớp Astute của Anh và lớp Virginia của Mỹ.

Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể hoạt động trên biển lâu hơn, tốc độ cao hơn, nhưng khả năng tàng hình kém hơn, mức độ ồn ào cao hơn so với các tàu ngầm chạy bằng điện diesel. Điều này khiến chúng phù hợp hơn với các hoạt động tấn công hơn là phòng thủ.

Trước đó, đã có thông tin lan rộng từ năm 2019 rằng, Australia đang cân nhắc trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đứng cùng hàng với Ấn Độ, Triều Tiên, Pakistan và Israel ngoài Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, nếu thực hiện chương trình như vậy, Australia sẽ là quốc gia duy nhất không có vũ khí hạt nhân triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hiện tại, các quốc gia có vũ khí hạt nhân cũng là các quốc gia sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, ngoại trừ Israel, Pakistan và Triều Tiên. Do đó, việc cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia có thể được coi là một nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và sẽ cho phép nước này triển khai hiệu quả hơn vũ khí hạt nhân nhân danh một liên minh rộng lớn của phương Tây chống lại các nước ở Đông Á.

Trước đây, một số nguồn tin đã suy đoán rằng, Australia có thể trở thành khách hàng mua máy bay ném bom chiến lược B-21 Raider của Mỹ nhằm sở hữu một vũ khí tầm xa có khả năng tấn công Trung Quốc. Khả năng lớn hơn vẫn là việc Australia có thể huấn luyện lực lượng của mình sử dụng vũ khí hạt nhân Mỹ như nhiều thành viên NATO ở châu Âu đã làm, trên cơ sở các đầu đạn sẽ được Mỹ chuyển cho các đồng minh nếu xảy ra chiến tranh.

Trong một động thái liên quan, ngày 16/9, đề cập đến kế hoạch chế tạo tàu ngầm hạt nhân của đồng minh sát sườn Australia, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố: "New Zealand không thay đổi lập trường liên quan đến việc cấm tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân vào vùng biển của chúng tôi". Điều này có nghĩa là New Zealand sẽ không cho phép hạm đội tàu ngầm hạt nhân tương lai của Australia đi vào vùng biển của mình.

Lệnh cấm như trên được đưa ra sau khi Pháp thử hạt nhân tại khu vực Nam Thái Bình Dương tháng 10/1985. Lệnh này đã khiến hải quân Mỹ đình chỉ các chuyến thăm cảng New Zealand trong hơn 30 năm.

Khu trục hạm USS Sampson của Mỹ tới New Zealand cuối năm 2016, song được Thủ tướng New Zealand khi đó là John Key miễn trừ đặc biệt do "tin tưởng 100%" chiến hạm này không chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc mang theo vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Ardern cho biết, bà đã được người đồng cấp Australia Scott Morrison thông báo kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân mang vũ khí thông thường với sự giúp đỡ của Anh và Mỹ. Đây là lần đầu Mỹ chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân cho một quốc gia đồng minh kể từ sau lần chuyển giao cho Anh năm 1958. Thủ tướng Ardern khẳng định, thỏa thuận trên không làm thay đổi mối quan hệ an ninh và tình báo của New Zealand với Mỹ, Anh và Australia, cũng như Canada./.