Taliban đã công bố chính phủ tạm thời ở Afghanistan, bao gồm những nhân vật theo đường lối cứng rắn của lực lượng này. Nội các mới của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan không có chỗ cho phụ nữ cũng như các thành viên đối lập, các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác.
Điều này cho thấy, Taliban đã không thực hiện cam kết trước đó về một chính phủ “bao trùm” và cũng là “điềm báo” không lành cho những ai muốn thấy một Afghanistan không còn các hoạt động khủng bố. Các chuyên gia cảnh báo, phong trào thánh chiến toàn cầu sẽ cảm thấy được khích lệ bởi những gì diễn ra ở Afghanistan.
Michael Kugelman, Phó Giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson, nói với CNBC rằng: “Trong tương lai gần, Afghanistan sẽ do các thủ lĩnh cấp cao của Taliban lãnh đạo, bao gồm cả những nhân vật tồi tệ nhất trong số những nhân vật tồi tệ”.
Ông Kugelman đặc biệt nhấn mạnh vào các thành viên của mạng lưới Haqqani, vốn là thành phần tàn bạo nhất của Taliban.
Sirajuddin Haqqani, thủ lĩnh mạng lưới Haqqani, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan, phụ trách cảnh sát và an ninh. Sirajuddin bị truy nã gắt gao nhất của FBI và bị liệt vào danh sách khủng bố toàn cầu.
Trong nhiều năm sau khi Mỹ đưa quân tới Afghanistan, Sirajuddin Haqqani với tư cách là phó thủ lĩnh của Taliban đã tiến hành các chiến dịch bạo lực, bao gồm sử dụng các nhóm “đồ tể” chuyên hành quyết và đăng tải video về các vụ chặt đầu con tin.
Cá nhân Sirajuddin và cả mạng lưới Haqqani có liên hệ với al-Qaeda. Trong khi đó, việc Taliban chứa chấp al-Qaeda những năm 1990 cũng chính là nguyên nhân khiến Mỹ đưa quân tới Afghanistan sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Lịch sử các cuộc tấn công đẫm máu
Mạng lưới Haqqani theo dòng Hồi giáo Sunni được thành lập vào những năm 1970, từng chống lại chế độ Afghanistan do Liên Xô hậu thuẫn vào những năm 1980.
Sau này, mạng lưới Haqqani chịu trách nhiệm tiến hành các cuộc đánh bom liều chết ở Afghanistan khiến hàng nghìn binh sĩ Mỹ, liên quân và lực lượng Afghanistan thương vong. Nổi bật nhất là vụ đánh bom liều chết tại khách sạn Serena ở thủ đô Kabul vào năm 2008 và cuộc bao vây kéo dài 20 giờ khuôn viên Đại sứ quán Mỹ ở Kabul năm 2011 khiến 16 người Afghanistan thiệt mạng.
Mặc dù một số đại diện của Taliban tuyên bố nhóm này hiện nay có tinh thần hòa giải hơn so với trước đây và sẽ tuân thủ các quy tắc quốc tế nhất định, nhưng bản thân Taliban không phải là một khối thống nhất, mà bao gồm nhiều phe phái với các mức độ cực đoan khác nhau và xu hướng hỗ trợ các nhóm khủng bố cũng khác nhau.
Theo ông Sajjan Gohel, Giám đốc an ninh quốc tế tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương, dù đối thủ chính của Taliban là Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), vẫn có những mối liên hệ giữa mạng lưới Haqqani với tổ chức khủng bố.
“Trên thực tế, có sự hội tụ chiến thuật và chiến lược giữa IS-K và mạng lưới Haqqani, nếu không muốn nói là toàn bộ Taliban” ông Gohel đánh giá trong một bài viết cho Tạp chí Foreign Policy vào cuối tháng 8.
Ông Kugelman tại Trung tâm Wilson cho rằng, nội bộ Taliban có nhiều phe phái, mỗi phe lại có lãnh đạo, cơ cấu và quyền kiểm soát lãnh thổ riêng ở Afghanistan. Cho dù chính phủ mới ở Afghanistan được tổ chức theo hình thức nào, nguy cơ khủng bố sẽ chỉ gia tăng vì Taliban nắm quyền kiểm soát. Taliban chưa từng từ chối chứa chấp các nhóm chiến binh trong nước, ngoại trừ IS-K.
“Bạn cần phải hiểu rõ rằng, mạng lưới Haqqani là những kẻ liên quan đến các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng gây thương vong lớn nhất ở Afghanistan trong những năm qua và một số thủ lĩnh của mạng lưới này sẽ nắm giữ những vị trí hàng đầu trong chính phủ, bao gồm Bộ nội vụ. Đây là mối lo ngại chính đáng [về chủ nghĩa khủng bố], cho dù bạn xem xét vấn đề ở góc độ nào”, ông Kugelman nói.
Các nhóm khủng bố quy tụ dưới sự bảo trợ của Taliban
Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh tối cao của Taliban, sẽ vẫn là người có quyền tối cao đối với các vấn đề tôn giáo, chính trị và quân sự của lực lượng này. Là một giáo sĩ cứng rắn có con trai là kẻ đánh bom liều chết, Akhundzada đã tuyên bố chính phủ mới sẽ theo đuổi chế độ cai trị bằng luật Sharia.
Muhammad Hassan Akhund, Ngoại trưởng Afghanistan trước khi Taliban bị lật đổ năm 2001, được bổ nhiệm làm Thủ tướng trong chính phủ mới.
Theo ông Peter Michael McKinley, cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, chính phủ mới được công bố bao gồm một loạt nhân vật cứng rắn trong giới lãnh đạo của Taliban. Trong số này, Haqqani là nhân vật mà FBI đã treo thưởng hàng triệu USD để có thể bắt giữ; còn Mullah Mohammad Yaqoob, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng là con trai Mullah Omar - thủ lĩnh sáng lập Taliban.
“Vì vậy, nếu Taliban đang muốn gửi thông điệp đến cộng đồng quốc tế rằng họ theo đuổi đường lối khác với chế độ cai trị từ giai đoạn 1996-2001, thì đây không phải là khởi đầu tốt nhất”.
Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cũng bày tỏ quan ngại về hồ sơ của một số nhân vật trong chính phủ mới của Afghanistan và nhắc lại kỳ vọng Afghanistan sẽ không đe dọa các quốc gia khác.
Nader Nadery, thành viên cấp cao của Nhóm Đàm phán Hòa bình Afghanistan, cho biết nỗi lo sợ lớn nhất của cộng đồng quốc tế là việc “quy tụ sức mạnh của tất cả các nhóm khủng bố dưới sự bảo trợ của Taliban”.
Theo ông Nadery, với một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ và một chính phủ được phương Tây tài trợ 80%, Taliban “sẽ phải để tâm đến những gì quốc tế đang lo ngại” và cần phải có những tính toán khác./.