Tưởng “việc nhẹ, nương cao” hóa ra… “địa ngục trần gian”
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về vụ 40 người trốn khỏi casino ở Campuchia bơi qua sông về Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, qua vụ việc đau xót trên cho thấy, đời sống của nhiều người dân còn quá khó khăn.
“Họ đã phải tìm mọi cách để kiếm việc làm nhằm có thu nhập. Và họ rất hi vọng rằng con đường sang nước ngoài làm thuê (ở đây là sang Campuchia) sẽ giúp họ "đổi đời", hoặc chí ít cũng thoát cảnh đói nghèo. Và họ chấp nhận đi bằng mọi giá, chấp nhận mọi sự bấp bênh”, đại biểu Nga nêu ý kiến.
Thực tế thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều lời chào mời hấp dẫn tuyển lao động làm việc tại Campuchia với mức lương từ 700 – 1000 USD/ tháng. Tin tưởng lời đường mật này, nhiều người dân bị lừa sang Campuchia lao động, làm “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí đe dạo đến tính mạng đang diễn ra ngày càng phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước.
Em N.Q.C (SN 2005, cư trú phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) được các đối tượng làm sẵn hộ chiếu rồi đưa sang Campuchia, muốn trở về Việt Nam, gia đình C đã phải nhiều lần chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng với tổng số tiền 160 triệu đồng. Được trở về với vòng tay của gia đình, C vẫn cảm thấy bàng hoàng khi nhớ về những ngày tháng kinh hoàng xứ người.
“Chúng kêu bảo vệ còng tôi vào giường và kêu tôi liên hệ với ba mẹ để lo tiền…ba mẹ tôi đã chuyển hết 160 triệu, nhưng chúng lại đòi chuyển thêm 200 triệu nữa. Nhưng tôi biết gia đình không còn đủ khả năng chuyển tiền nữa, nên tôi không đồng ý và bọn chúng đã bán tôi vào công ty khác”, C kể.
Từ ước mơ về một công việc ổn định, lương cao, anh L.Đ. H, cư trú tỉnh Gia Lai cùng nhiều người khác chấp nhận vượt biên trái phép sang Campuchia. Tuy nhiên, thực tế, chẳng có việc nhẹ, không có lương cao mà nạn nhân bị đưa vào các đường dây thực hiện hành vi lừa đảo, mỗi ngày làm việc 15 giờ, hoặc bị bán vào các sòng bài, bị đánh đập, tra tấn đòi tiền chuộc nếu muốn trở về Việt Nam.
“Tôi sang làm việc ở bên đó được 4 tháng rồi. Công việc hằng ngày là lên các trang mạng thực hiện các hành vi lừa đảo. Chúng cho chỉ tiêu ví dụ trong vòng 5 ngày phải tìm được 2 khách và 10 đến 15 triệu, những ai không làm được thì sẽ bị đưa vào danh sách đen, 5 ngày tiếp theo mà không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị chích điện và nếu 5 ngày sau vẫn không tìm được khách nào thì sẽ bị đem đi bán. Tôi đã bị 2 lần chích điện với thủ đoạn 3 thanh niên còng tôi vào một cái ghế, giữ chặt tôi lại và bắt đầu chích điện đến khi nào mình gần ngất xỉu mới ngưng”, anh H kể lại.
Thượng tá Nguyễn Hữu Thơ, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh An Giang khuyến cáo: “ Qua các vụ việc trên, Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh An Giang khuyến cáo người dân không nên nghe theo những thông tin tuyển dụng việc làm trên các trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo. Nếu người dân muốn có nhu cầu về việc làm hay đi lao động ở nước ngoài thì nên tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp để được hướng dẫn cụ thể.”
Vì sao lao động trình độ thấp dễ thành nạn nhân đường dây mua bán người?
Từ câu chuyện đau xót về 42 người Việt trốn thoát khỏi casino địa ngục ở Campuchia, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, một vấn đề đáng suy ngẫm đó chính là dư thừa lao động phổ thông, trình độ thấp, đặc biệt ở khu vực nông thôn thực sự nhức nhối.
“Những người trẻ tuổi rất khó khăn trong việc tìm việc làm. Những lao động phổ thông không có tay nghề, trình độ, chưa qua đào tạo, không biết kiếm công việc gì phù hợp còn rất nhiều. Bởi vậy, họ là những đối tượng mà những kẻ "buôn người" "dắt mối" nhắm đến, là nạn nhân đáng thương của tệ nạn này”, bà Nga nói.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, hiện việc thông tin, tuyên truyền của chúng ta thực sự chưa được đẩy mạnh ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên dẫn đến tình trạng người dân còn mơ hồ về việc "đi xuất khẩu lao động", về việc "đưa người sang nước ngoài làm thuê việc nhẹ, lương cao" nên dễ dàng trở thành nạn nhân của tệ buôn người nói trên.
“Chính việc thiếu thông tin, thiếu kiến thức dẫn đến người dân cả tin nghe theo những lời dụ dỗ đường mật”, bà Nga nêu ý kiến.
Để ngăn chặn tình trạng này một cách hiệu quả hơn, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, chúng ta cần tổng thể nhiều giải pháp khác nhau.
“Từ việc quản lý, kiểm soát đường biên và công tác xuất nhập cảnh chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là những nơi các đối tượng đưa người trái phép thường lợi dụng địa hình phức tạp khó quản lý để lén lút dẫn người xuất cảnh trái phép; cho đến việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân về những nguy cơ bị lừa gạt, lợi dụng, đặc biệt là giới trẻ.
Và giải pháp mang tính lâu dài, bền vững, vĩ mô hơn là chúng ta cần đẩy mạnh việc dạy nghề cho người lao động, cơ cấu lại thị trường lao động, chú trọng đến những lao động nông thôn chưa qua đào tạo. Các giải pháp khuyến nông cũng vô cùng quan trọng để người dân có điều kiện làm giàu trên quê hương mình, ruộng nương của mình. Hiện nay nông nghiệp vẫn là ngành có đóng góp rất lớn vào sự phát triển ổn định của đất nước, nhưng nghịch lý là người nông dân lại chiếm đa số những người nghèo của đất nước”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến.
Khởi tố 2 đối tượng, xác định 4 đường dây mua bán người:
Tối ngày 18/8, Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang phối hợp cùng Đồn Biên Phòng Cửa khẩu Long Bình đã đưa 40 người nhập cảnh trái phép vào Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Đa Phước, huyện An Phú để giúp họ ổn định tinh thần, sức khỏe. 40 người này được xác định là từ Casino Rich World ( Campuchia), bơi qua sông Bình Di để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Từng xuất cảnh trái phép sang Campuchia, nhóm này làm việc tại các Casino. Do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi, thậm chí không được trả lương nên những nạn nhân này đã bất chấp nguy hiểm chạy khỏi sòng bạc nhảy xuống sông Bình Di trốn về Việt Nam.
Liên quan vụ việc trên, chiều ngày 22/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với 2 bị can: Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1980) và Lê Văn Danh (sinh năm 1988) cùng trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang để tiếp tục điều tra về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Lệ cùng Danh đưa trót lọt 6 người xuất cảnh trái phép sang Campuchia trước đó, được trả công 100.000đ/khách. Hai đối tượng cũng thừa nhận đã từng đưa trót lọt nhiều lần, mỗi lần nhiều đối tượng xuất cảnh trái phép qua Campuchia với mục đích làm việc tại Casino.
Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết đến nay công an đã xác định được bốn đường dây mua bán người. “Chúng tôi đã báo cáo Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an để phối hợp với công an các tỉnh thành có đường dây mua bán người để tiếp nhận tin báo, xử lý dứt điểm các đường dây mua bán người”- Đại tá Nơi nói./.