Đại biểu Quốc hội cho rằng, báo cáo của Bộ Quốc phòng về việc người Trung Quốc núp bóng sở hữu các khu đất đắc địa tại Việt Nam được người dân rất quan tâm vì trước đó, Bộ trưởng TN-MT khẳng định là không có.


 
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa -  Ngọc Thắng 
 
Thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh điều chỉnh năm 2020 và năm 2021 sáng 22.5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ băn khoăn về chuyện kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài liên quan tới quốc phòng, an ninh.
 
Người dân, cử tri rất quan tâm
 
Theo ông Nghĩa, việc kiểm soát đầu tư nước ngoài liên quan tới quốc phòng an ninh được rất nhiều người dân quan tâm. 
 
Ông Nghĩa phân tích, pháp luật đang có chỗ trống, điểm sơ hở và nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng điều này. Theo ông Nghĩa, sự lợi dụng có thể không phải để xâm phạm chủ quyền, an ninh nhưng không loại trừ việc bị thế lực thù địch lợi dụng, điều đã xảy ra ở các quốc gia khác.
 
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, vừa qua Bộ Quốc phòng trả lời cử tri về việc người Trung Quốc núp bóng sở hữu các khu đất đắc địa, không chỉ đại biểu Quốc hội mà đa số nhân dân và cử tri tiếp cận thông tin này đều vô cùng quan tâm.
 
"Tình hình người nước ngoài núp bóng mua đất ở những khu vực nhạy cảm đã được chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TN-MT, và Bộ trưởng trả lời trước Quốc hội là chưa thấy gì. Cử tri cũng lại vừa phản ánh vấn đề người Trung Quốc lập xóm lập phố, Bộ trưởng Công an cũng không thấy gì. Vì thế, báo cáo của Bộ Quốc phòng vừa rồi được người dân hoan nghênh. Vì người dân biết là có chuyện đó", ông Nghĩa nói.
 
Theo đại biểu Nghĩa, dự thảo luật Đầu tư trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp, có chú ý việc này nhưng chưa đủ, chưa đáp ứng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, cũng như Nghị quyết 58 của Chính phủ. "Ta cần có bộ luật triển khai Nghị quyết 50, 58 của Chính phủ để tạo thành bộ lọc đối với việc bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia", ông Nghĩa nói và cho rằng, ngoài vấn đề an ninh truyền thống thì hiện nay nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống cũng rất cần quan tâm.
 
Ông Nghĩa phân tích, dự thảo luật Đầu tư giao cho Quốc hội các dự án ảnh hưởng lớn môi trường, nhưng dự án lớn ảnh hưởng an ninh quốc phòng không thấy hỏi ý kiến Quốc hội. "Vùng nhạy cảm chỉ cần 5 - 10 ha là đã nguy hiểm. Như báo cáo của Bộ Quốc phòng vừa rồi chỉ ra 1 loạt đất ở sân bay, ven biển, thông qua việc mua lại vốn, không có bộ lọc nào cả", ông Nghĩa nhận định và cho biết, các quốc gia lớn đều có những bộ lọc để có sự ngăn cản khi cần thiết.
 
Nếu lách luật phải làm cho ra
 
Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, luật Đầu tư mới chỉ quan tâm tới đầu tư trực tiếp còn đầu tư gián tiếp thì hiện lỏng lẻo. "Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói không đi vào đầu tư trực tiếp, nhất là đất đai. Họ nói chúng tôi để các công ty Việt Nam xin trước đi rồi chúng tôi mua vốn của họ. Như vậy nếu họ mua vốn kiểm soát thì có thể trở thành chủ và chi phối dự án, doanh nghiệp ở những vùng rất khó chỉ bằng cách mua vốn", ông Nghĩa nói thêm.
 
Trong khi đó, thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội khi trao đổi bên hành lang Quốc hội cũng cho rằng, đối với việc cá nhân, tổ chức sở hữu đất ở các vị trí đặc địa, cần phải rà soát lại.
 
"Không cứ gì Trung Quốc mà cả nước khác, luật phải làm chặt chẽ. Luật Quốc phòng quy định kể cả đất ở, thành lập doanh nghiệp, đầu tư phải có ý kiến của cơ quan quân sự địa phương đó. Đầu tư của doanh nghiệp trong nước phải thẩm định hồ sơ để xem có ý kiến liên quan đến luật quốc phòng", ông Nghĩa nói.
 
Theo ông Nghĩa, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngoài mục đích kinh tế có thể có mục đích khác. "Như ở Hải Phòng, Cam Ranh (Khánh Hòa), vùng nhạy cảm quân sự thì có nhiều mục đích, không đơn thuần là kinh tế. Người trong nhà, chủ nhà phải nắm chắc để quản lý chứ không cấm đoán vì chúng ta đang mở cửa kinh tế. Còn nếu là lách luật thì phải làm cho ra", ông Nghĩa khẳng định.
 
Trước đó, như đưa tin, trả lời cử tri mới đây, Bộ Quốc phòng cho biết, tại Việt Nam có 134 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động. Các doanh nghiệp này sử dụng đất với tổng diện tích 162.467,7 ha (trong đó có 943,7 ha thuộc khu vực biên giới đất liền và 5.393,7 ha khu vực biên giới biển, kể cả mặt biển).
 
Tại TP.Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng cho hay, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP.Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP.Đà Nẵng.
 
Cũng theo Bộ Quốc phòng, để sở hữu các lô đất ở TP.Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức: thứ nhất, là thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất.