Ngày 16/8, Công an huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bà Đỗ Thị Thu Hà (55 tuổi) nhân viên y tế của Trạm y tế xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức vừa bị Nguyễn Thành Sơn (46 tuổi, trú tại xã Đức Chánh, bị mắc bệnh tâm thần) dùng cây gỗ đánh tử vong khi đang trên đường đi làm về nhà.

Ông Nguyễn Quang Chính - Chủ tịch UBND xã Đức Chánh cho biết, địa phương đã phối hợp với Công an huyện Mộ Đức làm việc với gia đình ông Sơn và bắt buộc gia đình phải đưa đi điều trị tập trung, nhưng gia đình không chịu đưa đi để đến nay xảy ra vụ án mạng đau lòng trên.

a-1660619198.png
 Hiện trường nơi xảy ra vụ án mạng.

Chỉ vì sự buông lỏng quản lý của gia đình người đàn ông này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nhiều bạn đọc cũng thắc mắc về trách nhiệm của gia đình hung thủ đối với gia đình nạn nhân sẽ ra sao? Để trả lời câu hỏi này, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Cường cho biết, đây là một vụ án mạng đau lòng khi người gây án là người mắc bệnh tâm thần và nạn nhân chính là người từng điều trị cho người này. Người đàn ông có biểu hiện tâm thần dùng hung khí nguy hiểm sát hại nạn nhân ngay giữa đường khiến nhiều người kinh hãi, hậu quả nạn nhân đã tử vong, đây là hành vi giết người rất rõ ràng.

b-1660619235.jpg
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 

Luật sư Cường cho biết thêm, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ mức độ nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người đàn ông từng mắc bệnh tâm thần này để có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp kết luận của cơ quan chức năng cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi giết người, người đàn ông này mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức thì người này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị áp dụng biện pháp là bắt buộc chữa bệnh.

Trong trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy người đàn ông này bị tâm thần khi thực hiện hành vi giết người, không có khả năng nhận thức được hành vi của mình thì căn cứ vào điều 21 bộ luật hình sự cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân, trường hợp cơ quan chức năng kết luận thủ phạm mắc bệnh tâm thần thì người giám hộ của người này phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Cụ thể Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý. Như vậy, người mắc bệnh tâm thần không phải trong quá trình điều trị mà gây thiệt hại thì cha, mẹ, người giám hộ phải có trách nhiệm bồi thường. Còn trường hợp trong quá trình điều trị mà gây thiệt hại thì cơ sở điều trị phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Hiện vụ nữ nhân viên y tế bị người tâm thần đánh chết ở Quảng Ngãi đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ./.