Kể từ ngày phát hiện bị ung thư, sức khỏe của “người rừng" Hồ Văn Lang suy yếu nhiều, ánh mắt hướng về núi rừng nhưng chẳng đủ sức để trèo đèo lội suối.
 
Ở tuổi 52, người rừng “Hồ Văn Lang" không còn mải miết cùng em trai Hồ Văn Tri và hàng xóm thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Trà Bồng đi phát rẫy trồng lúa, mà chỉ có thể quanh quẩn nơi hiên nhà, xó bếp. Nửa năm nay, ông Lang mất sức lao động nên hai cái niêu nước của gia đình, 1 chiếc để đi rừng, 1 chiếc để ở nhà này đổi chức năng thành nấu nước, nước thuốc.


 
Ánh mắt xa xăm nhìn về hướng núi nhưng chẳng còn đủ sức khỏe để băng rừng.
 
Ông Hồ Văn Tri kể rằng, ông Lang có biểu hiện đau ở vùng bụng kể từ sau Tết Nguyên đán. Những cơn đau xuất hiện ngày một nhiều, nhưng phải đến khi ông Lang nằm vật vã vì không chịu được nữa thì ông Tri mới liên lạc với một đạo diễn từng làm phim về “người rừng" cầu cứu sự giúp đỡ.


 
Người rừng bị mắc căn bệnh ung thư gan.
 
Ông Lang sau đó được xuống thành phố Quảng Ngãi khám bệnh. Các bác sĩ chẩn đoán ông Lang bị tổn thương gan và được chỉ định lên bệnh viện tuyến trên kiểm tra thêm. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, kết quả xét nghiệm cho thấy “người rừng" bị ung thư biểu mô tế bào gan với khối u chiếm nửa quả gan bên phải. Các bác sĩ khuyên người nhà nên đưa ông Lang đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Thế nhưng, do hoàn cảnh khó khăn nên người em đành bất lực đưa anh về vì chi phí chữa trị quá lớn.
 
 
Giờ đây, ông Lang chỉ quanh quẩn nơi hiên nhà, xó bếp.
 
Như vậy, sau 8 năm chật vật để hòa nhập kể từ ngày rời rừng già, người đàn ông tội nghiệp này lại phải hứng chịu căn bệnh quái ác. Dẫu vậy, “người rừng" Hồ Văn Lang vẫn sống rất lạc quan, thậm chí còn chẳng hiểu được căn bệnh đang mang trong người nghiêm trọng tới nhường nào.


 
Em trai chỉ có thể giúp anh cầm cự bằng thần dược của núi rừng.


 
Ông Lang uống thuốc lá hái từ rừng để giảm cơn đau.
 
Hiện tại, ông Trị đang chữa bệnh cho anh trai bằng cách “lạy tứ phương". Ngoài việc tìm thảo dược từ núi rừng là lá mơ gan để trị bệnh cho ông Lang. Ông Trị từng đưa “người rừng vượt 90 cây số để đến gặp thầy thuốc đông y ở huyện Bình Sơn bốc thuốc nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm.
 
Thậm chí, ông Tri cũng đã mời thầy cúng về nhà vì không đành lòng nhìn anh gánh chịu những cơn đau hoành hành. Tuy nhiên, mâm cỗ đầy ắp thức ăn “thỉnh Yàng" (trời) của người Cor chẳng thể xoay chuyển tình hình.


 
Đôi bàn tay gân guốc khiến nhiều người xót xa.
 
Kể từ ngày đổ bệnh, đôi mắt nhìn xa xăm hướng về phía núi rừng nhưng đôi chân chẳng đủ sức để vượt suối, băng đồi. “Tôi đau nặng rồi, trông cho vợ chồng Tri làm ăn được, kiếm ra thuốc cho tôi khỏi bệnh, sống lâu, nhìn mấy đứa cháu trưởng thành", ông Lang cho hay.
 
Giờ đây, ông Lang đang phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo, khuôn mặt trở nên hốc hác và nước da vàng vọt đi nhiều. “Người rừng" đã bị sút đi 10 kg, cơ thể yếu ớt. Nếu như trước đây ông Lang ngơ ngác khi từ rừng già trở về làng thì bây giờ lại ngơ ngác trước bệnh tật.


 
Mỗi khi đỡ đau, “người rừng" lại miệt mài đan thúng, đan nia để trang trải cuộc sống.
 
Dù bệnh tật hành hạ, nhưng ông Lang vẫn cố gắng kiếm thêm thu nhập bằng cách đan thúng, đan nia bán cho hàng xóm từ cây giang mỗi khi đỡ đau. Mặc dù 3 ngày mới hoàn thành được 1 sản phẩm và thu lời được 60.000 – 70.000 đồng, song hai anh em vẫn đủ sống qua ngày.
 
Ông Lang phát hiện bị ung thư chưa được bao lâu thì ông Tri cũng bị đau dạ dày nặng, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhiều lúc thấy anh trai quằn quại, người em lại cảm thấy bất lực vì chẳng thể làm gì khác. Ông Tri chỉ cầu mong có phép màu xảy đến để ông Lang sống vui mỗi ngày.
 
Ông Tri tiết lộ, “người rừng" Hồ Văn Lang mới bập bẹ nói được tiếng Cor và tiếng Kinh nhưng từ ngày ngã bệnh, ông lười nói hơn nhiều. Được biết, nguyên nhân được cho là khiến ông Lang mắc ung thư dù hơn nửa đời người gắn bó với rừng sâu là do khi về làng được nhiều người mời rượu bia hoặc nêm quá nhiều bột ngọt vào thức ăn khi nấu nướng.
 
Trước đó, năm 2013 người dân phát hiện hai cha con “người rừng” sống trên một túp lều trên ngọn cây, chỉ mặc khố được làm bằng dây rừng nên đã báo với chính quyền địa phương xã Trà Phong (H.Tây Trà, Quảng Ngãi) để tổ chức tìm kiếm và đưa họ về hòa nhập với cộng đồng.
 
Liên quan đến sự việc trên, vào năm 1972, do hoảng sợ sau một trận mưa bom dội xuống, ông Hồ Văn Thanh (SN 1932, trú xã Trà Phong, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) đã dẫn theo con trai lớn là Hồ Văn Lang (SN 1969) chưa tròn 3 tuổi bỏ vào rừng sâu trú ẩn. Kể từ đó hai cha con sống với rừng núi, tách biệt hoàn toàn với cộng đồng.

 
Người rừng Hồ Văn Lang thời điểm được phát hiện.
 
40 năm sống trong rừng già, cha con ông Hồ Văn Thanh đã dựng một túp lều ở trên một thân cây cao, hàng ngày hái trái cây rừng, tự trồng mì, bắp để ăn.
 
Lúc mới về làng, anh Hồ Văn Lang còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau 7 năm hòa nhập, anh đã có thể quen thuộc với mọi thứ. Hàng ngày, anh Lang lên rẫy trồng lúa, trồng chuối, thu hoạch sản vật từ rừng, biết làm ăn kiếm tiền sinh sống, biết tự chăm sóc cho bản thân, tự nấu ăn cho mình mỗi ngày./.