Ý kiến "Người phán xử làm gia tăng tội phạm xã hội đen" của Thiếu tướng Lê Tấn Tới đã gây nhiều tranh cãi trái chiều trong dư luận.

Tại phiên thảo luận về dự án luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Thiếu tướng Lê Tấn Tới đã có một số chia sẻ liên quan.

Theo đó, ông Lê Tấn Tới nêu thực tế, hiện có một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật như phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ... Trong khi đó, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình chung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.

"Người phán xử” làm gia tăng tội phạm xã hội đen: Giới làm phim ngỡ ngàng!
NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Anh trong phim "Người phán xử"

"Sau khi VTV chiếu phim Người phán xử thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều. Đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim lại thể hiện pháp luật không giải quyết được mà để một ông trùm làm người phán xử, phán xử cả lực lượng công an", ông Lê Tấn Tới nói.

Ý kiến này của vị Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã làm nảy sinh nhiều tranh cãi trái chiều trong giới làm phim và công chúng yêu mến phim ảnh.

Trước ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, NSND Trung Anh - người thủ vai Lương Bổng trong phim nói với Báo Giao thông rằng, ông khá bất ngờ và không hoàn toàn đồng tình với ý kiến nêu trên.

"Người phán xử” làm gia tăng tội phạm xã hội đen: Giới làm phim ngỡ ngàng!
NSND Trung Anh vào vai Lương Bổng trong phim "Người phán xử"

Theo NSND Trung Anh, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là một cơ quan báo chí lớn, đại diện cho hình ảnh quốc gia. Do đó, các nội dung được phát sóng đều phải qua nhiều khâu kiểm duyệt về nội dung và hình ảnh. Bộ phim Người phán xử được lên sóng tức là đã có sự kiểm duyệt nhất định.

NSND Trung Anh cho rằng, đây là dòng phim hành động - hình sự chứ không phải dòng phim tình cảm nên cần có những cảnh quay gay cấn.

"Kịch bản gốc của bộ phim - từ loạt phim truyền hình "Ha-Borer" của Israel cũng có rất nhiều cảnh bạo lực. Trong quá trình quay, đoàn phim chú trọng cân nhắc từng phân cảnh, giảm tối thiểu yếu tố bạo lực so với bản gốc để đảm bảo sự hấp dẫn cho bộ phim cũng như phù hợp với công chúng hơn", NSND Trung Anh chia sẻ.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng không giấu được sự bất ngờ khi nghe về ý kiến này. Anh cho biết, ở Mỹ và các nước khác, tội phạm tăng khi nền kinh tế bị suy sụp và người dân thất nghiệp. Điển hình cụ thể năm nay do Covid-19 gây ra. "Tôi đang nghĩ tới số phận của những phim như Thanh Sói... không biết sẽ trôi về đâu", đạo diễn Em chưa 18 bày tỏ.

Đồng quan điểm, biên kịch Châu Quang Phước phải thốt lên: "Năm 2021 vậy mà giới làm nghề, làm phim trong nước vẫn phải chịu đựng sự điều phối kiểm duyệt phim kiểu "hết hồn chim én". Như vậy, thì biết đời nào điện ảnh Việt đủ sức "ngoi" lên được với điện ảnh Thái Lan, Campuchia, chứ nói gì với tầm châu Á, thế giới...?".

"Người phán xử” làm gia tăng tội phạm xã hội đen: Giới làm phim ngỡ ngàng!
Biên kịch Châu Quang Phước

Trong khi đó "Chúng ta đã kiểm duyệt được OTT, các website, các kênh phim quốc tế thu hút lượng lớn khán giả Việt hay chưa?" vẫn là câu hỏi cần được giải đáp.

Rõ ràng, việc tìm mọi cách siết chặt và tăng thêm các điều khoản cấm phim là một sự bất công với phim Việt vốn đã thiệt thòi hơn rất nhiều so với các phim nước ngoài đang được cung cấp thoải mái, không che, không cắt, không giới hạn đề tài.

Nếu ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới được hiện thực hóa trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2021, biên kịch Châu Quang Phước e rằng, giới làm phim Việt buộc phải buông bỏ dòng phim có nội dung cùng thể loại.

"Đó là cách để an toàn về phương diện bảo toàn vốn làm nghề. Trong khi kinh phí sản xuất mỗi một bộ phim Việt ở giai đoạn này đều là tiền hàng chục tỷ trở lên. Khi ấy, có lẽ phim Việt sẽ trở lại thời kỳ làm phim hài nhảm như trước đây, hoặc phim ngôn tình, cho - đời - nó - lành", ông Châu Quang Phước bày tỏ.

Trước câu hỏi: Liệu, phim có yếu tố bạo lực có thực sự khiến chức năng giáo dục bị suy giảm, thậm chí có tác dụng ngược? Hay chúng ta cần xét vào nội dung bộ phim, đơn vị cung cấp - chẳng hạn những đơn vị phát hành đã qua kiểm duyệt như VTV, còn trên mạng xã hội thì vẫn tràn lan phim giang hồ bạo lực ạ?

Biên kịch Châu Quang Phước khẳng định, nếu cho rằng “phim có yếu tố bạo lực có thực sự khiến chức năng giáo dục bị suy giảm, thậm chí có tác dụng ngược”, e rằng cả thế giới này đã bị suy thoái đạo đức cùng văn hóa một cách trầm trọng, nhất là với các nước có nền điện ảnh phát triển.

"Nên lưu ý, nền điện ảnh Hàn quốc với Làn sóng mới được quốc tế ghi nhận không thể không nhắc đến bộ 3 phim trả thù (Vengeance Trilogy) của đạo diễn tài danh Park Chan Wook, với lần lượt là “Sympathy for Mister Vengeance” ra mắt năm 2002; “Oldboy” năm 2003 và “Lady Vengeance” năm 2005; Hoặc với nhiều phim bạo lực khốc liệt về nhân tính của đạo diễn quá cố Kim Ki Duk, đoạt nhiều giải thưởng lớn tại các Liên hoan phim quốc tế, vốn dĩ rất quen thuộc với người xem phim tại Việt Nam nhiều năm gần đây...", vị biên kịch dẫn chứng.

"Người phán xử" là bộ phim hình sự dài 46 tập do bộ 3 đạo diễn Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng cầm trịch. Phim công chiếu giờ vàng trên sóng truyền hình quốc gia vào tháng 3/2017.

Kịch bản phim được Việt hóa từ bộ phim cùng tên của nền điện ảnh truyền hình Israel, khai thác bức tranh đa chiều về đời sống, suy nghĩ, tình cảm, các mối quan hệ phức tạp và cuộc chiến giành quyền lực trong giới giang hồ hiện đại.

Tại giải thưởng Ấn tượng VTV 2017, phim "Người phán xử" đã giành được giải thưởng ở 2 hạng mục danh giá là giải Phim truyền hình ấn tượng và Diễn viên nam ấn tượng (NSND Hoàng Dũng).