Nhiều người nước ngoài, người ở các tỉnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin băn khoăn khi trở lại TP.HCM làm việc sẽ làm "thẻ xanh Covid" thế nào?

Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cho biết, hiện nay các chuyên gia nước ngoài vẫn nhập cảnh vào Việt Nam, mặc dù số lượng có giảm nhưng vẫn thực hiện hàng ngày, bởi họ đến để hỗ trợ thực hiện các dự án quan trọng của thành phố.

Người nước ngoài, người các tỉnh về TP.HCM làm “thẻ xanh Covid” thế nào?
Công an TP.HCM sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các camera tại các chốt để quét mã QR

Theo chính sách mới nhất của Bộ Y tế, thời gian cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đã giảm từ 14 ngày xuống còn 7 ngày cách ly tập trung và 7 ngày cách ly tại nhà. Nếu người nào chưa tiêm đủ 2 mũi vacccine vẫn phải cách ly tập trung đủ 14 ngày theo quy định.

Ông Tâm cho biết ngành y tế thành phố quản lý rất chặt việc này thông tin của những người nhập cảnh. Từ dữ liệu quản lý này, Sở Y tế đang gấp rút chuyển cho bộ phận công nghệ thông tin, khi có quy trình cấp thẻ xanh sẽ chuyển dữ liệu này thành “thẻ xanh Covid” phục vụ hoạt động trong thời gian tới.

Người nước ngoài, người các tỉnh về TP.HCM làm “thẻ xanh Covid” thế nào?
Nhiều người bị xử phạt vì ra đường không có lý do

Về việc người lao động ngoài tỉnh, hay người dân thành phố đang mắc kẹt tại các tỉnh muốn quay trở về TP.HCM, họ đã được tiêm 2 mũi vaccine thì cần các điều kiện gì khác để làm “thẻ xanh Covid”, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, việc mở cửa trở lại cùng với dịch vụ vận chuyển hành khách liên tỉnh đang được thành phố tính toán để cho người dân các tỉnh quay trở lại thành phố. Hiện vẫn chưa có kế hoạch chi tiết về vấn đề này.

Đối với công an thành phố sẽ tôn trọng hướng dẫn của cơ quan y tế, còn hiện nay việc kiểm tra lưu thông trên đường, công an thành phố rất tạo điều kiện. Trong thời gian qua, những người ở các tỉnh về thành phố hoặc các chuyên gia đi máy bay về nước ngành công an thành phố đều rất tạo điều kiện khi họ có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của ngành y tế.

Về việc kiểm soát giấy tờ đối với người đi đường, trong thời gian tới, công an thành phố đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định giãn cách xã hội. Đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT, sử dụng camera quét mã QR code để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm tại các chốt trạm kiểm soát.

Đến nay công an thành phố đã lắp đặt 109 điểm trạm kiểm soát với 116 thiết bị camera quét mã QR code để kiểm tra giấy đi đường. Đã cấp đến công an các quận huyện 50 thiết bị máy tính xách tay để lắp đặt tại các chốt, trạm kiểm soát. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý tại các khu dân cư. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật, giả danh, giả mạo giấy tờ.

“Quan điểm của công an thành phố là hỗ trợ người dân hết mức khi quay trở lại thành phố làm việc nhưng phải đảm bảo các quy định của ngành y tế”, Thượng tá Hà nói.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra giấy đi đường của người dân trong thời gian qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết theo thống kê, từ ngày 6/9 đến 11/9 tại 914 chốt trạm kiểm soát trên toàn địa bàn thành phố, công an thành phố đã kiểm tra 1.380.500 lượt phương tiện. Lập biên bản xử lý 3.986 trường hợp với số tiền 6.813 triệu đồng.

Tỷ lệ người vi phạm chiếm 0,59% trên tổng số người kiểm tra, tức là cứ 170 người kiểm tra thì có 1 người vi phạm. Lỗi vi phạm chính là ra đường không có lý do chính đáng.