Trước khi nghỉ hưu, ông N.T. là Tổng GĐ một công ty FDI với mức lương lên đến 250 triệu đồng/tháng, sau năm 2010 ông làm ở một công ty tư vấn toàn cầu.
Trước năm 2006, số tiền đóng bảo hiểm không bị giới hạn mức trần, vì thế trung bình trong hơn 15 năm đầu, ông đóng 69 triệu đồng/tháng.
Đến thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực, mức trần đóng bảo hiểm được giới hạn không quá 20 tháng lương cơ sở. Mức đóng của người này trong những năm còn lại trung bình khoảng 18 triệu đồng/tháng. Tháng cuối trước khi nghỉ hưu ông N.T đóng bảo hiểm xã hội 23 triệu đồng/tháng.
Ông N.T. nghỉ hưu từ tháng 4/2015 với mức lương hưu 87 triệu đồng/tháng, sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương hưu của ông T. tăng lên 101 triệu đồng/tháng và nay là hơn 124 triệu đồng/tháng.
Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM, hiện nay có không ít người đang hưởng lương hưu từ 35 đến 85 triệu đồng/tháng.
Những người này chủ yếu làm việc ở các công ty liên doanh nước ngoài với mức lương đóng bảo hiểm xã hội từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính như sau:
Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng (x) Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng đối với lao động nam là: Đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45% (người lao động nghỉ hưu năm 2021, đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45%). Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%.
Còn đối với lao động nữ: Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%.
Trường hợp người lao động hưởng lương hưu trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động theo quy định, thì tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng được tính như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%./.