Trong khoảng thời gian chờ đợi bản cập nhật iOS 13.4.5 chính thức ra mắt, người dùng iPhone và iPad hãy thực hiện theo chỉ dẫn sau để tránh cho iPhone và iPad bị tê liệt vì chuỗi ký tự lạ.
Những ngày gần đây, cư dân mạng đang truyền tay nhau một chuỗi ký tự có thể làm iPhone, iPad bị tê liệt và phải khởi động lại máy nếu xuất hiện trên thanh thông báo của thiết bị.
“Text bomb” mới được phát hiện bao gồm biểu tượng quốc kỳ nước Ý và một số ký tự ngôn ngữ Sindhi. (Ảnh: Macrumors)
Lỗi này còn được gọi là “text bomb”, trong đó chứa một chuỗi các ký tự có thể làm sập nguồn các thiết bị iOS nếu người dùng nhận được thông báo chứa ký tự, buộc các thiết bị phải khởi động lại. Với những trường hợp nghiêm trọng hơn, lỗi này có thể khiến thiết bị khởi động liên tục, buộc người dùng phải xóa sạch dữ liệu.
Theo nguồn tin từ 9to5mac, lỗi này dường như đã được khắc phục trong phiên bản iOS 13.4.5 beta mới nhất. Tuy nhiên, bản cập nhật này vẫn chưa có sẵn cho tất cả người dùng.
Trong khoảng thời gian chờ đợi bản cập nhật iOS 13.4.5 chính thức ra mắt, người dùng iPhone và iPad được khuyến cáo tắt thông báo cho các ứng dụng nhắn tin. Ngoài ra, vô hiệu hóa chức năng xem trước tin nhắn trong thông báo cũng có thể giải quyết vấn đề tạm thời.
Để vô hiệu hóa thông báo đẩy từ ứng dụng tin nhắn (nguyên nhân khiến iPhone và iPad sập nguồn khi nhận phải ‘text bomb), bạn đọc hãy vào Settings (cài đặt) > Notifications (thông báo).
Để tránh cho iPhone và iPad trở nên tê liệt vì chuỗi ký tự lạ, bạn hãy vào Settings (cài đặt) > Notifications (thông báo).
Tại đây, chọn các ứng dụng tin nhắn như iMessage, Telegram, Twitter, Messenger… và chuyển từ Allow Notifications (cho phép thông báo) sang trạng thái Off (tắt).
Chi tiết về nguồn gốc của chuỗi ký tự này vẫn chưa được xác nhận, nhưng theo nguồn tin ban đầu từ Reddit, dường như chuỗi ký tự này xuất phát từ một nhóm chat Telegram.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu các thiết bị của Apple gặp sự cố với các chuỗi ký tự đặc biệt như thế này. Vào năm 2018, một chuỗi ký tự trong ngôn ngữ tiếng Telugu được chia sẻ trên Internet đã làm sập hàng ngàn thiết bị chạy iOS, trước khi Apple nhanh chóng phát hành bản cập nhật vá lỗi.