Sau nhiều tháng huy động lực lượng với những lời bảo đảm mơ hồ về hòa bình, mà rút cuộc chỉ nhằm câu giờ, Nga phát động cuộc tấn công tổng lực nhắm vào Ukraine từ sáng sớm 24/2.
Trên truyền hình, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine nhưng không chiếm đóng nước láng giềng. Không lâu sau, những tiếng nổ lớn đã rền vang tại các thành phố lớn của Ukraine.
Bộ trưởng Y tế Ukraine Oleh Lyashko ngày 25/2 cho biết 57 người thiệt mạng và 169 người bị thương trong ngày đầu Nga phát động tấn công toàn diện nhằm vào nước này, theo Reuters.
Thực tế khắc nghiệt cho người Ukraine Nhiều tháng qua, phương Tây liên tục cảnh báo về cuộc tấn công của Moscow. Người dân Ukraine, dân tộc chia sẻ lịch sử và văn hóa lâu đời với Nga, hy vọng những dự báo ấy chỉ là thổi phồng. Nhưng khi thức dậy sáng 24/2, họ đối mặt thực tế nghiệt ngã.
Những hàng dài xe ôtô rời khỏi thủ đô Kiev, nhiều người hướng về phía tây, hy vọng tìm nơi trú ẩn an toàn ở các khu vực không nằm trong phạm vi tấn công của quân đội Nga.
Người Ukraine xếp hàng rút tiền tại các ngân hàng và tích trữ nhu yếu phẩm. Nhiều người chạy trốn xuống nhà ga tàu điện ngầm và hầm trú bom khi còi báo động không kích vang lên.
Ít nhất 18 người đã thiệt mạng ở thành phố Odessa của Ukraine do một vụ tấn công tên lửa, chính quyền khu vực thông báo, theo Telegraph.
Trong khi đó, 7 người thiệt mạng và 17 người bị thương sau khi một địa điểm phía đông bắc thủ đô Kiev trúng tên lửa. Đây là một trong nhiều địa điểm trúng tên lửa gần thủ đô Kiev ngày 24/2.
Nga đã tấn công nhiều thành phố, thị trấn của Ukraine. Tên lửa Nga đánh vào Dnipro, Kharkov, Kiev, Odessa, Mariupol. Các vụ nổ lớn được ghi nhận ở Kiev, trong đó có sân bay ở thủ đô.
Nga tuyên bố quân đội nước này đã vô hiệu hóa tất cả căn cứ không quân cũng như lực lượng phòng không Ukraine. Trong khi đó, Ukraine nói bắn rơi ít nhất 6 máy bay và một số trực thăng Nga.
Sau những đợt không kích, lực lượng bộ binh và thiết giáp Nga bắt đầu xâm nhập biên giới.
Sau hơn nửa ngày cuộc chiến bắt đầu, lính dù Nga đã giành quyền kiểm soát sân bay Antonov, cách trung tâm thủ đô Kiev 40 km, CNN đưa tin.
Ở miền Đông, phiến quân ly khai do Nga hậu thuẫn tấn công trên khắp các mặt trận tại Donetsk và Luhansk.
Chính phủ Ukraine cho biết bộ binh Nga cũng tràn qua biên giới phía bắc từ Belarus. Pháo binh và các vũ khí hạng nặng của Nga phá hủy đồn biên phòng Ukraine.
Xe tăng Nga đã tiến vào tỉnh Kiev nhưng chưa đến gần thành phố thủ đô. Lính Nga cũng tấn công từ bán đảo Crimea, nơi Moscow sáp nhập trái phép năm 2014. Giới chức Ukraine cho biết quân đội Nga đã từ Biển Đen đổ bộ Odessa.
Khuya hôm 24/2, quân đội Nga tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ” trong ngày đầu tấn công Ukraine.
“Tất cả nhiệm vụ được giao cho binh sĩ Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga trong ngày hôm nay đã được hoàn tất thành công”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói, theo AFP.
Người phát ngôn này nói quân đội Nga đảm bảo đường tiến quân từ bán đảo Crimea tới tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine. Binh sĩ của phe ly khai tại Donetsk và Luhansk đã vượt qua hàng phòng ngự của lực lượng Ukraine, tiến sâu thêm khoảng 8 km qua giới tuyến.
Căn nguyên của cuộc chiến
Kiểm soát các nước láng giềng từ lâu đã là một trong các ưu tiên của Tổng thống Nga Putin. Với Điện Kremlin, những láng giềng như Ukraine là một phần của Nga. Bởi vậy, việc phương Tây lấp đầy khoảng trống quyền lực sau khi Liên Xô tan rã là điều Moscow không thể chấp nhận.
Từ sau 1991, NATO – liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo – đã kết nạp nhiều thành viên ở Trung và Nam Âu, trong đó có những nước một thời nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Moscow như Hungary, Ba Lan, Estonia, Lithuania và Cộng hòa Czech.
Năm 2008, NATO tuyên bố Ukraine và Georgia, hai nước thành viên Liên Xô cũ, cũng có thể gia nhập khối, dù không đề ra một lộ trình cụ thể. Đây là giới hạn đỏ của ông Putin.
Năm 2014, sau khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ, Moscow sáp nhập trái phép bán đảo Crimea. Nga cũng kích động lực lượng phiến quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine lập ra hai chính phủ ly khai tại Donetsk và Luhansk, dẫn tới cuộc chiến đẫm máu với chính phủ Ukraine làm 15.000 người chết.
Kể từ đó, giới lãnh đạo Ukraine theo đuổi chính sách thân thiện hơn và dần hướng về phía phương Tây. Mục tiêu của Kiev là gia nhập NATO, nhưng kịch bản này khó có thể xảy ra trong tương lai gần.
Để gia nhập, Ukraine cần sự ủng hộ của tất cả quốc gia thành viên NATO. Một số thành viên NATO hiện lo ngại về cái giá của việc kết nạp Ukraine, cũng như tình trạng tham nhũng ở quốc gia này.
Nhưng ngay cả như vậy, khi khả năng Ukraine gia nhập NATO còn rất xa vời, Tổng thống Putin vẫn coi đây là mối đe dọa tới an ninh của Nga và quyết tâm ra tay.
Từ mùa thu năm 2021, Nga điều động một lực lượng quân sự khổng lồ tới biên giới với Ukraine và tại Belarus. Ban đầu, Moscow nói lực lượng Nga triển khai phục vụ các hoạt động diễn tập. Nhưng quân số lực lượng Nga ngày một tăng, đạt 190.000 người.
Mỹ và các nước phương Tây cảnh báo Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho cuộc tấn công, thậm chí sẵn sàng công khai các thông tin tình báo vốn luôn được giữ bí mật.
Nga nhiều lần bác bỏ những cáo buộc như vậy.
Đến ngày 21/2, Tổng thống Putin tuyên bố công nhận độc lập hai lãnh thổ ly khai của Ukraine, đồng thời chỉ đạo quân đội Nga triển khai tới miền Đông Ukraine nhằm “duy trì hòa bình”.
Thế giới lên án
Ukraine, Mỹ và nhiều quốc gia đồng loạt lên án cuộc chiến do Nga phát động.
Mỹ và EU đã công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào giới quan chức thân cận của ông Putin, đình chỉ dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, cô lập một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống giao dịch quốc tế.
Cả Mỹ và châu Âu cam kết sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn tương xứng với quy mô cuộc chiến của Nga. Phương Tây đã thảo luận về các biện pháp đáp trả Nga trong những tuần qua và dự kiến sớm có thêm những lệnh trừng phạt mới.
Mỹ và các thành viên NATO châu Âu đã cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng khả năng phương Tây trực tiếp can thiệp quân sự là rất nhỏ.
Trong khi đó, Ấn Độ kêu gọi Nga và Ukraine ngay lập tức giảm căng thẳng, không có thêm những hành động khiến tình hình xấu đi.
Ngay sau khi Nga phát động tấn công, Hội đồng Bảo an đã họp khẩn. Tại phòng họp của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Ukraine Sergiy Kyslytsya đề nghị người đồng cấp Nga điện thoại cho Tổng thống Putin và dừng cuộc tấn công.
Đại sứ Nga Vasily Nebenzya dửng dưng đáp lại rằng quân đội nước này chỉ đang tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Donbas chứ không tấn công người Ukraine.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga rút quân và chấm dứt cuộc chiến ngay lập tức.
Hội đồng Bảo an dự kiến tiếp tục nhóm họp để cân nhắc một nghị quyết lên án hành động của Nga. Tuy nhiên, khả năng một nghị quyết như vậy được thông qua bằng không, bởi Nga là một trong năm ủy viên thường trực nắm quyền phủ quyết.
Trong ngày 24/2, Tổng thống Biden cho biết Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục áp đặt thêm những lệnh trừng phạt nặng nề với Nga./.