Hai tháng Hà Nội thực hiện giãn cách thì cả hai tháng anh Hải (Cầu Diễn) phải đến viện. Lần thứ nhất anh bị đau tức vùng lưng kèm tiểu rắt, gia đình đưa đến viện. Bác sĩ chẩn đoán anh bị sỏi thận có tư vấn mổ nhưng anh chưa muốn làm ngay mà sau đợt đau cấp này sẽ uống thuốc nam như người nhà mách.
Hơn một tuần, anh được ra viện khi không còn những cơn đau, tình trạng đái rắt được cải thiện.
Về nhà hơn một tháng, cơn đau lại tái phát. Lần này anh đau không thể “ngồi được”, phải rất khó khăn anh mới “bò” được từ phòng khám lên khoa ngoại tiết niệu.
“Tôi cứ ngỡ uống các loại lá sẽ tiểu được ra sỏi, nhưng không thể tả được cơn đau do sỏi gây nên. Nó khiến tôi phát sốt, rét run, thậm chí tiểu cả ra máu. Lần này thì chắc phải mổ thôi. Cơ mà mổ xong cũng không khỏi triệt để, các bác sĩ cảnh báo tỷ lệ tái phát vẫn rất cao”, anh Hải than thở.
TS. BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật thận, tiết niệu và Nam học, BV E Hà Nội cho biết, sỏi thận là bệnh lý thường gặp nhất của đường tiết niệu.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cơ thể mất nước nhiều, nên từ lâu đã được coi là một vùng dịch tễ sỏi. Khoảng 10-14% người Việt có sỏi trong thận.
Qua tổng kết thực tiễn cho thấy, sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp ở nam giới trung niên. Tuổi mắc bệnh thường từ 30 – 55 tuổi. Nguyên nhân là bởi nam giới có cấu tạo đường tiết niệu phức tạp hơn nên sỏi thường khó tự đào thải như ở nữ giới.
Sỏi tiết niệu là những phân tử rắn được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Chúng có thể gây đau, buồn nôn và nôn, tiểu máu và có thể gây sốt, rét run vì nhiễm trùng thứ phát. Đa phần chúng bắt đầu hình thành từ thận, di chuyển dọc theo đường đi của hệ tiết niệu và bài tiết ra ngoài nên nhiều người quen gọi là sỏi thận.
Triệu chứng của bệnh sỏi thận hoàn toàn là do biến chứng của viên sỏi gây ra với hệ tiết niệu, chứ không phải do hòn sỏi gây ra. Biểu hiện rõ ràng nhất khi thận có sỏi là chúng gây đau dữ dội, đến mức người ta gọi đó là “cơn đau bão thận” hoặc “cơn đau quặn thận”.
Sỏi gây đau ở vùng hố thắt lưng một bên, lan ra phía trước, xuống dưới. Đó là khi khởi phát, xuất hiện rất đột ngột, sau khi có một hoạt động gắng sức. Sau đó cường độ đau mạnh hơn. Người bệnh thường đau quằn quại, vật vã để tìm một tư thế giảm đau nhưng không được.
Khi gặp triệu chứng này, người bệnh cần phải đến ngay cơ quan y tế, bệnh viện để các bác sĩ thực hiện các biện pháp giảm cơn đau do sỏi thận, tuyệt đối không được tự ý thực hiện tại nhà.
Chia sẻ với phóng viên, TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng khoa Tiết Niệu, Bệnh viện Bưu Điện nhấn mạnh thêm, theo một nghiên cứu, trong vòng 10 năm tỷ lệ tái phát lên đến 50%. Vì thế, phòng tránh sỏi tái phát là một điều cực kỳ quan trọng với người bệnh.
Theo đó, để phòng tránh được, người bệnh cần thực hiện các bước cụ thể sau:
Cần uống nhiều nước. Lượng nước uống hàng ngày cần thiết là trên 2 lít (tương đương 12 cốc nước), việc uống nhiều nước có thể hạn chế được 50% bệnh sỏi thận tái phát.
“Đặc biệt trong nước chanh có nhiều chất xitrat là chất hạn chế ngưng kết oxalate và can xi trong nước tiểu, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi”, TS. BS Trung cho hay.
Ngoài ra, để ngăn ngừa sỏi thận người dân cũng nên hạn chế nước ngọt có ga và nước đường. Trong nước ngọt có ga chứa chất acid phosphoric là nguyên nhân hình thành sỏi thận, bện cạnh đó có hàm lượng fructose, fructose đã được chứng minh là làm tăng bài tiết nước tiểu có các tinh thể: canxi, oxalate và axit uric, do đó làm tăng nguy cơ sỏi thận.
“Phòng sỏi thận người dân cũng nên hạn chế ăn thịt đỏ. Bởi thịt đỏ, nội tạng động vật và động vật có vỏ, có chứa 1 lượng lớn hợp chất hóa học tự nhiên gọi là purine, lượng purine cao sẽ dẫn đến sản xuất acid uric cao, làm tăng bài tiết acid uric trong nước tiểu, tạo sỏi acid uric.
Đặc biệt cần hạn chế ăn mặn. Theo đó, mỗi người chỉ nên ăn 2-3gr muối /1 ngày, ăn nhiều muối (nacl) dẫn đến tăng natri, khi tăng natri trong máu làm tăng đào thải canxi ra nước tiểu (vì natri và can xi cùng chia nhau cơ chế vận chuyển trong thận).
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu ăn tăng 100 mmol nacl trong thức ăn thì sẽ bài tiết ra nước tiểu tăng 25 mg canxi, gây tăng nguy cơ bệnh sỏi thận”, TS. BS Trung cho hay.
Thay vì những thực phẩm cần hạn chế như trên, TS. BS Trung khuyến khích người dân nên ăn thức ăn có giàu canxi như sữa, fomate, trứng… để phòng ngừa sỏi thận. Bởi khi chúng ta ăn kiêng các thức ăn chứa nhiều canxi dẫn đến nguy cơ mắc bệnh sỏi thận oxalate gia tăng, vì canxi trong thức ăn sẽ kết hợp với oxalate trong đường tiêu hóa và được đào thải ra ngoài.
Lượng canxi được khuyến nghị ăn hàng ngày là từ 1000-1200 mg/1 ngày (tường đương khoảng 2-3 cốc sữa).
“Trái lại canxi bổ sung (sử dụng uống bổ xung trong loãng xương) là yếu tố gây tăng nguy cơ bệnh sỏi thận”, BS Trung nhấn mạnh.
Đặc biệt là tránh bổ sung vitamin C liều cao. Bởi Oxalate là sản phẩm cuối cùng của chuyển hóa vitamin C. Do đó, nên uống 60mg/ngày vitamin C dựa trên chế độ ăn uống, nếu bạn muốn uống vitamin C bổ sung, không được quá 500mg/1 ngày, lượng dư thừa 1000mg/ngày trở lên có thể tạo ra nhiều oxalate trong cơ thể, tạo sỏi thận oxalate./ .