Mặc dù nước đập dâng Ngàn Trươi đang ô nhiễm nhưng Hà Tĩnh vẫn “liều lĩnh” cấp giấy phép cho một nhà máy dùng nguồn nước này sản xuất nước sạch bán cho người dân.
 
 
UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép cho Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh trong bối cảnh chất lượng nước đập dâng Vũ Quang và hồ Ngàn Trươi chưa được xác định có đảm bảo an toàn hay không. Ảnh: Thanh Nga. 
 
Ngày 16/7/2020, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký giấy phép số 2232/GP-UBND, cho phép Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh, có địa chỉ tại đường Nguyễn Hoàng Từ, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh được khai thác, sử dụng nước mặt ở đập dâng Vũ Quang (hay còn gọi đập dâng Ngàn Trươi), để sản xuất nước sạch cấp cho nhân dân thị trấn Vũ Quang và các vùng lân cận.
 
Phương thức khai thác, sử dụng: Nước mặt từ đập dâng Ngàn Trươi được bơm cưỡng bức vào bể chứa nước thô, sau đó được bơm lên hệ thống xử lý nước, từ đây nước được bơm về bể chứa nước sạch, sau công đoạn khử trùng, nước được bơm vào mạng phân phối đến người sử dụng.
 
Lưu lượng khai thác 500m3/ngày đêm và thời hạn giấy phép đến hết ngày 11/2/2025.
 
Sau khi giấy phép trên ban hành, PV nhận được nhiều ý kiến bức xúc, phản đối của dư luận. Họ cho rằng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quá “liều lĩnh” khi cấp giấy phép cho doanh nghiệp lấy nguồn nước ô nhiễm để cấp nước sinh hoạt cho người dân ở thời điểm này.
 
Bởi chỉ cách đây không lâu, chính ông Đặng Ngọc Sơn công bố, hiện tượng nước đập dâng chuyển màu nâu đỏ trong hơn một năm qua là do hàm lượng sắt vượt ngưỡng và nguyên nhân do “đáy lòng hồ Ngàn Trươi chứa thành phần sắt sa khoáng, mùn thực vật đang phân hủy”, mà lòng hồ chính là nơi cấp nguồn xuống đập dâng Ngàn Trươi.


 
Văn bản của Bộ NN-PTNT khẳng định, nước lòng hồ Ngàn Trươi chỉ đảm bảo cấp nước tưới tiêu, thủy lợi, không đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt. Ảnh: Thanh Nga.
 
“Chất lượng nước nguồn (lòng hồ Ngàn Trươi) hiện chưa ổn và tại đập dâng, nước thải từ Nhà máy chế biến gỗ Thanh Thành Đạt, bệnh viện, các trang trại chăn nuôi… cũng đổ dồn vào đây nên việc lấy nguồn nước này xử lý để cấp nước sạch cho dân là rất nguy hiểm”, một cán bộ công tác trong ngành thủy lợi xin dấu tên nói.
 
Vị này cũng cho rằng, UBND tỉnh cấp giấy phép cho Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh thời điểm này là “rất nhạy cảm, không phù hợp”, chẳng khác gì “cấp thuốc độc cho người khác”.
 
Trong cuộc làm việc với PV mới đây, ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) – Bộ NN-PTNT thừa nhận: “Chất lượng nước lòng hồ Ngàn Trươi sau khi tích nước chỉ đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi; chưa đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước cho mục đích sinh hoạt”.  Nội dung này cũng đã được Bộ NN-PTNT gửi đến UBND tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 10/4/2020.
 
“Đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ TN-MT kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu chất lượng nước của hồ Ngàn Trươi theo nội dung trên”, công văn của Bộ NN-PTNT nêu.
 
Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Nguyễn Đình Dũng cho rằng: “Sắt đã vượt ngưỡng là không dùng được (cấp nước sinh hoạt) và không ai dùng từ vượt ngưỡng không đáng kể (!)”. Cũng theo ông Dũng, nếu chất lượng nước lòng hồ Ngàn Trươi đảm bảo cấp nước tưới tiêu, thủy lợi thì chỉ cấp nước tưới tiêu, thủy lợi, không được cấp nước sinh hoạt.
 
Như vậy, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép cho doanh nghiệp sử dụng nước đập dâng Ngàn Trươi xử lý để cấp cho dân ở thời điểm này dư luận đánh giá là “quá liều”, không khác gì “đánh cược” sức khỏe của người dân với nguồn nước chưa có giải pháp xử lý ô nhiễm.
 
Trao đổi với PV vào sáng 20/7, ông Võ Ngọc Vinh, Giám đốc Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh thông tin, do giấy phép cũ hết hạn nên công ty làm hồ sơ xin cấp giấy phép mới để khai thác nước đập dâng Ngàn Trươi sản xuất nước sạch bán cho hơn 300 hộ dân ở thị trấn Vũ Quang.
 
Về công nghệ, hiện Nhà máy nước Vũ Quang (trực thuộc Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh) vẫn sử dụng công nghệ truyền thống, dùng bể lắng lọc và hóa chất như Soda, Clo để xử lý nước.
 
Khi được hỏi vì sao nước đập dâng Ngàn Trươi đang ô nhiễm mà công ty vẫn xin cấp phép sử dụng nguồn nước này cấp nước sinh hoạt?  Ông Vinh cho biết: “Với những thông số hiện nay nắm được (các chỉ số sắt, COD vượt ngưỡng) nhà máy có thể xử lý và đang nằm trong tầm kiểm soát nên không có gì đáng ngại”.
 
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Vinh thừa nhận nguồn nước này “nguy cơ có nhiều tạp chất vượt ngưỡng cao hơn”. Đặc biệt, lâu nay Nhà máy đang lấy nước ở tầng đáy đập dâng Ngàn Trươi nên tính ổn định của nước thô không cao, không an toàn(!).